Đoạn video cũng khiến người tiêu dùng Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay kim chi được sản xuất tại Trung Quốc. Chủ một quán ăn nhỏ tại Seoul nói với The Korea Times rằng khi bà cho khách hàng biết quán dùng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc, họ không động đến món này. Bà nói thêm rằng đoạn video khiến quán bà thừa nhiều kim chi hơn, gây ra tình trạng lãng phí.
Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 300.000 tấn kim chi mỗi năm từ Trung Quốc. Phần lớn số kim chi nhập khẩu này được đưa đến các nhà hàng. Giá 1 kg kim chi Trung Quốc nhập khẩu chỉ bằng khoảng 1/3 loại kim chi sản xuất tại Hàn Quốc. Do đó, các chủ nhà hàng thường chọn dùng loại kim chi giá rẻ hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn.
Bà Lee Ha-yeon, Chủ tịch Hiệp hội kim chi Hàn Quốc (KAK), tổ chức gồm người đứng đầu của hơn 80 nhà sản xuất và cung cấp kim chi, nói người tiêu dùng không nên đổ lỗi cho nhà hàng vì đã nhập kim chi giá rẻ.
Bà Lee chỉ ra rằng thông lệ cho khách dùng thêm kim chi miễn phí tại các quán ăn đã dẫn đến việc Hàn Quốc phải nhập khẩu số lượng lớn kim chi từ Trung Quốc. “Miễn là các nhà hàng còn cung cấp kim chi dùng thêm miễn phí thì họ sẽ tiếp tục mua kim chi giá rẻ”, bà Lee nói với The Korea Times.
Để thúc đẩy việc tiêu thụ kim chi sản xuất trong nước, KAK đã khởi động một chiến dịch cấp giấy chứng nhận cho các quán ăn phục vụ kim chi sản xuất tại địa phương. KAK muốn đảm bảo người tiêu dùng có thể ăn kim chi được chế biến trong điều kiện vệ sinh.
kim chi do Trung Quốc sản xuất đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi kể từ khi Trung Quốc thúc đẩy chiến dịch tuyên bố kim chi có xuất xứ từ nước này. Vào tháng 1, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân còn khiến người dùng mạng Hàn Quốc phẫn nộ khi chia sẻ ảnh ông cùng món kim chi tự làm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng cho rằng món rau ngâm chua pao cai của Trung Quốc là nguồn gốc của kim chi, gây nên một cuộc tranh cãi nảy lửa giữa cư dân mạng 2 nước.
Bình luận (0)