Người hát xẩm cuối cùng dừng bước giang hồ

23/01/2008 23:35 GMT+7

Tôi về thăm nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu vào một chiều đầu đông hanh hao nắng. Con đường từ quốc lộ 1A vào nhà bà ở thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình) bụi bay mù mịt. Trước mắt tôi là một cụ bà răng đen ngồi nhai trầu bên bậu cửa. Thấy khách, bà vồn vã: "Ối giời ơi, con đi đâu mà bấy nay mới về thăm bu thế?". Thoáng chút ngạc nhiên vì tưởng bà nhầm tôi với người nào đó...

Nhưng không phải, đấy là cách "nói kháy" của bà. Tôi ngồi xuống ghế, chưa kịp giới thiệu thì bà đã cười khanh khách, vào chuyện với lối nói vận rất khéo, rất duyên hấp dẫn lạ lùng. Bà hát: "Một đời đánh phấn đeo hoa. Một đời khổ ải cũng qua một đời". Chẳng đợi cho khách hỏi han, bà tiếp: "Năm nay bu đã tám mươi sáu tuổi rồi, nhưng chẳng hiểu sao mấy ông xã cứ bảo bu tám mươi mới chết chứ. Nói cho con biết, không có rượu, đời bu chắc chết lâu rồi...". Cô Mận (con gái bà Cầu) nói đế vào: "Ối giời, không rượu thì còn minh mẫn, hát xướng làu làu. Chứ rượu vào lại mất tính. Hát linh tinh". Bà Cầu hứ một cái rõ dài: "Cha bố chị. Có nhà chị mất tính thì có...". Rồi cụ nháy mắt, rụt cổ lại...

Khoảng tám tuổi, cô bé Hà Thị Năm (tên thật của bà, Cầu là tên con trai cả) bê chiếc thau đồng theo bố mẹ từ Ý Yên (Nam Định) lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Mới mười một, mười hai tuổi, Hà Thị Năm đã nhập tâm làu làu những câu hát rong nơi kẻ chợ, đặc biệt là ngón líu (nhị) điêu luyện của người mẹ lòa. Rồi cô bé Năm tập tọng uống rượu, ăn trầu. Những điệu hát, lời ca phiêu bạt, lam lũ vận vào số phận của cô từ đấy. Lạ là ở chỗ, cũng là những làn điệu Hà liễu, Huê tình, Thập ân, Xẩm ba bậc..., mà thường ngày các chiếu xẩm rong vẫn hát nơi lề đường, góc chợ, nhưng tiếng hát của cô Năm cùng với tiếng líu ngọt lịm, réo rắt ngân lên, nhấn nhá như khoan, như nhặt, lại có sức hút đến lạ lùng. Khi đó, bài ca của người hát xẩm không đơn thuần chỉ là tiếng hát rong giải khuây cho khách qua đường, mà nó đã trở thành một thứ nghệ thuật đích thực. Đó là nghệ thuật được thăng hoa từ tâm hồn của lớp người lam lũ.

Cha mất, mười sáu tuổi Hà Thị Năm cùng mẹ dạt vào Yên Mô (Ninh Bình). Tại đây, tiếng hát của bà đã lọt đôi tai thẩm âm bậc thầy của ông Chánh chương, trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu. Ông Mậu vốn là một tay cự phách trong làng hát xẩm, có khả năng chơi được đủ cả bầu, sáo, nhị nhưng phải cái mặt rỗ như tổ ong đất, hai mắt lại mù do bị chứng đậu mùa chạy hậu. Năm đó, ông Mậu đã 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà chính thức. Chả hiểu thế nào cô Năm lại đem lòng yêu ông trùm xẩm mù và tình nguyện làm người đàn bà thứ 18 của ông. Tôi hỏi: "Chắc ngày xưa bu xinh lắm nhỉ ?". Bà Cầu chỉ vào hàng chân mày nhăn nheo: "Cũng bình thường thôi, mắt bu có ve kéo chằng, kéo chạt. Với lại, ông ấy lên tận mạn Quảng Cư, Đồng Bài... bỏ bùa yêu, thuốc lú cho bu, chứ ai đời cháu gái mười sáu tuổi lại lấy ông già bốn mươi chín tuổi đã có cả tá vợ. Mà này, xẩm ngày xưa là đắt vợ lắm con ạ". Bà hát như để cắt nghĩa về cái sự đắt vợ của mấy chú xẩm: "Tham giàu (mà) lấy chú biện tuần. Tuy là bóng bẩy (ý) nợ nần chan chan.  Thà rằng (mà) lấy chú xẩm xoa. Công nợ không có (ứ) hát tràn cung mây". Rồi lại hát như để than thở cho số phận cay đắng, tài hoa mà lận đận của mình: "May ra vào được giếng khơi. Vừa trong vừa sạch là nơi thanh nhàn. Không may vất vả gian nan. Bước vào nơi cay đắng (biết) phàn nàn cùng ai".

Lấy bà, ông Mậu cũng bớt được cái tính trăng hoa. Rồi ông bỏ nhà, bỏ cửa, dắt díu cô Năm và một người vợ khác (vợ thứ mấy bà Cầu cũng không nhớ nữa) cất bước giang hồ. Từ đây ba vợ chồng người hát xẩm phiêu bạt khắp nơi, có khi lên tận mạn Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi lại lang thang vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngặt nỗi, ông Mậu có tính cả ghen, hễ có khách trêu chọc, đùa cợt với vợ là ông lại vác gậy trút cơn ghen tới tấp vào người vợ trẻ. Người mù thường rất thính tai, vả lại với một trùm hát xẩm lão luyện, ông Mậu chỉ cần nghe tiếng nhị, tiếng ca là đã biết được cô Năm đang đong đưa, đầu mày cuối mắt với ai rồi. Mà mỗi khi hát, cô Năm lại làm một chút "cay cay" để đôi má cứ hồng lên mới chết chứ. Chưa kể tiếng tiền thưởng lại cứ rơi rào rào xuống chiếu thay vì rơi loảng xoảng, leng keng vào chiếc thau đồng, thì ông biết tỏng khách nghe đang mê đắm đến độ nào.  Sau mỗi trận đòn ghen, tiếng hát của cô Năm lại càng thêm não nuột, mê đắm lòng người. Ai oán đấy, nhưng trong lòng bà tịnh không bao giờ xuất hiện ý định bỏ ông. Tuy ở với mười mấy người đàn bà, nhưng ông Mậu không có con với ai, mãi khi lấy bà, ông mới được bà hạ sinh cho 3 người con, hai trai, một gái... Suốt cả cuộc đời phiêu bạt trên khắp các nẻo đường sương gió, khi bà Cầu gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà một nách 3 con. Bà đành phải dắt các con về quê chồng, hát rong quanh quẩn ở Yên Mô kiếm gạo qua ngày. Mãi cách đây mươi năm, bà mới thôi hẳn đi hát rong ngoài chợ...

Cả cuộc đời lang bạt, kỳ hồ, lấy tiếng hát làm vui cho thiên hạ, khi tuổi già người nghệ nhân Hà Thị Cầu đành phải sống dựa vào vợ chồng người con gái. Cách đây hai năm cô Mận lấy chồng khi đã gần 50 tuổi. Chồng cô là một người góa vợ nhưng tốt tính. Bà Cầu bảo: "Phúc cho bu là có thằng rể hiếu thảo, thương bu. Nó bảo, bu thương chúng con thì đừng đi hát nữa. Chứ già rồi, lang thang, tội lắm". Vậy nên giờ bà mới an phận ở nhà, ngày vài xét cơm với đôi chén rượu. Buồn thì hát nghêu ngao cho đỡ nhớ nghề.

Chiều nay, ngồi bên nghệ nhân bậc thầy trong làng hát xẩm Hà Thị Cầu, tôi tiếc là không được nghe tiếng líu của bà, chỉ có lời ca khi quên, khi nhớ xen với tiếng ho húng hắng liên hồi. Bà bảo: "Đận vừa rồi bu ốm nặng, có cô cháu ở Bùi Chu, Phát Diệm lên thăm, nó mượn cái líu về nhà luyện hát. Bu định không cho, nhưng đang ốm, cũng chẳng ca kệ được gì nên cho nó mượn luôn. Mấy hôm nay khỏe lại, thi thoảng muốn hát cho đỡ buồn nhưng không có cái líu nên lời ca nó cũng nhạt nhạt thế nào ấy...".

Tôi chợt hình dung, cũng vào một buổi chiều như hôm nay, khi bà Cầu vẫn còn là cô Năm hát xẩm đang vào độ trăng rằm thuở ấy. Giữa một manh chiếu cói nơi lề đường vào buổi chợ đông nào đó, cô Năm dang tay thon kéo líu, chân son gõ phách, miệng hoa cất tiếng, say với những "Thập ân, Hà liễu, Huê tình...". Khách qua đường dừng bước vây quanh người nghệ sĩ, lắng nghe mà rưng rưng nước mắt, như thấy phận mình trong từng câu hát của cô Năm. Rồi những tiếng loảng xoảng, leng keng của đồng chinh Khải Định lại rơi đều vào chiếc thau đồng cạnh chỗ cô ngồi...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.