Hàng ngàn người dân Hồng Kông phản đối đài truyền hình TVB dùng chữ Hán giản thể của Trung Quốc đại lục, xem đó là một phần của chiến dịch "đại lục hóa" mà Bắc Kinh muốn thúc đẩy ở đặc khu này.
Chương trình tin tức của đài TVB bị phản đối ở Hồng Kông vì dùng chữ giản thể phổ biến của Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình Youtube |
Bắt đầu từ đầu tuần này, kênh truyền hình lớn nhất Hồng Kông TVB đổi hệ phát sang HD và đổi luôn tên chương trình tin tức Putonghua thành J5. Điều khiến nhiều người xem truyền hình bực tức là việc J5 sử dụng chữ Hán giản thể trong các phụ đề và biểu mẫu.
Tiếng Quảng Đông và chữ Hán phồn thể (kiểu chữ truyền thống) vốn là đặc trưng của Hồng Kông so với Trung Quốc đại lục; việc chuyển sang sử dụng chữ giản thể (ít nét hơn so với kiểu chữ phồn thể), vốn là kiểu chữ viết chính thức ở đại lục, khiến nhiều người Hồng Kông phẫn nộ. Khoảng 10.000 người đã khiếu nại lên nhà chức trách, yêu cầu TVB chấm dứt sử dụng loại chữ này.
Những người phản đối cho rằng Trung Quốc đang cố gắng thực hiện chiến dịch gây ảnh hưởng lên Hồng Kông, đó cũng là lo lắng của người dân ở đây kể từ khi nơi này được trao trả về Trung Quốc hồi năm 1997, theo Global Post ngày 25.2.
Tranh cãi về việc sử dụng chữ Hán giản thể trên đài TVB chỉ là sự tiếp nối cho phong trào phản đối "đại lục hóa" của người Hồng Kông. Đầu tháng 2.2016, giới chức Hồng Kông có kế hoạch sử dụng ký tự giản thể trong chương trình giảng dạy thay cho chữ Hán truyền thống như hiện tại. Đề án này còn đang gây nhiều tranh cãi thì vụ việc đài TVB xảy ra, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông).
Nhiều người chỉ trích đề án dùng chữ Hán giản thể và cả TVB là “điên rồ”. “TVB là công cụ của làn sóng ‘đại lục hóa’ ở Hồng Kông”, một người dân cáo buộc, theo South China Morning Post.
“Dưới hệ thống 'một quốc gia, hai chế độ', di sản truyền thống của chúng ta cần phải được bảo vệ, kể cả chữ viết. Nhưng TVB đã lợi dụng để đem ‘ký tự Mao” vào chương trình của họ”, nghị sĩ Claudia Mo phát biểu, theo Global Post. Ông Mao Trạch Đông đã cho phổ biến hệ thống chữ viết giản thể ở Trung Quốc hồi những năm 1950.
Tuy nhiên đài TVB cho rằng họ làm theo giấy phép đã được cơ quan chức năng cấp và muốn phục vụ đa dạng người xem.
Bình luận (0)