Sau khi cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro từ trần ở tuổi 90, ngoài Venezuela ở Nam Mỹ, Algeria cũng đã tuyên bố quốc tang 8 ngày và lãnh đạo nhiều quốc gia khác ở châu Phi bày tỏ lòng thương tiếc cũng như hết lời ca ngợi vai trò to lớn của ông trong việc giải phóng nhân dân tại châu lục này.
Nguồn cảm hứng bất tận
Theo trang All Africa, ông Fidel cho rằng châu Phi là tâm điểm của cuộc “giải phóng thế giới” vào thập niên 1970 và Cuba cần phải trở thành quốc gia Mỹ Latin đầu tiên tham gia. Vì vậy, nhà lãnh đạo này đã gửi quân đến hỗ trợ giải phóng Angola khỏi Bồ Đào Nha và giúp quân đội Ethiopia trong cuộc kháng chiến chống Somali.
Đảng MPLA cầm quyền ở Angola đã đưa ra tuyên bố ông Fidel “sẽ mãi ở trong tim nhân dân Angola và là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ”. Trong thập niên 1970, khi chính quyền apartheid tấn công Angola, ông Fidel đã điều 36.000 quân đến giúp đẩy lùi kẻ địch và còn tiếp tục ở lại hỗ trợ huấn luyện quân sự ở nước này.
Trước đó, Cuba cũng gửi quân và những đoàn bác sĩ đến giúp nhiều nước châu Phi khác như Algeria, Guinea, Guinea Bissau, Guinea Xích đạo, Sierra Leone và Libya. Ước tính ít nhất 4.300 binh sĩ Cuba đã hy sinh khi giúp đỡ các quốc gia ở châu Phi. Năm 1988, quân đội Cuba rời khỏi châu Phi khi phe apartheid đồng ý rút lui ở Nam Phi và Namibia.
Theo tờ Independent Online ở Nam Phi, sự can thiệp của Cuba ở lục địa đen được thúc đẩy bởi nhiệt huyết và lý tưởng cách mạng của Fidel, chứ chẳng phải theo chỉ thị của Liên Xô như câu chuyện hoang đường được thêu dệt.
Tờ báo này dẫn lời Giáo sư Piero Gleijeses thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Paul H.Nitze của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, trong các tài liệu giải mật của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Ngoại giao nước này cũng như hồi ký của giới chức cấp cao Mỹ không hề có dòng nào viết rằng Cuba hành động theo ủy nhiệm của Liên Xô khi hỗ trợ công cuộc giải phóng dân tộc ở châu Phi. Thậm chí, khi can thiệp vào Angola, Fidel còn không hề tham vấn Liên Xô.
tin liên quan
Vĩnh biệt huyền thoại Fidel CastroNhân dân Cuba và nhiều nước trên thế giới bàng hoàng trước tin cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro từ trần ở tuổi 90.
Món nợ lớn
Đến nay, Cuba vẫn luôn quan tâm đến châu Phi và thời gian gần đây đã gửi 300 bác sĩ, y tá đến Tây Phi để đối phó với việc lây nhiễm vi rút Ebola trong cộng đồng. Cựu thủ tướng Kenya Raila Odinga cũng là một trong những người hâm mộ ông Fidel khi đặt tên con trai đầu lòng theo tên vị lãnh tụ Cuba. “Castro là người bạn vĩ đại và chân thành của châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới từng rơi vào cuộc chiến đấu lâu dài để giành lại tự do từ chế độ thực dân”, ông nói.
Theo hãng APS, Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika khẳng định việc ông Fidel qua đời là một “mất mát to lớn” đối với người dân Algeria. “Cá nhân tôi đã mất đi một người bạn và người đồng hành trong hơn nửa thế kỷ”, ông nói. Theo Tổng thống Bouteflika, ông Fidel đóng vai trò lãnh đạo và cùng với người dân Algeria đã làm nên lịch sử và giải phóng đất nước khỏi chế độ thuộc địa vào năm 1962.
Nếu không có sự giúp đỡ quên mình của Cuba dưới sự lãnh đạo của Fidel, các quốc gia châu Phi hẳn sẽ mất thêm nhiều thời gian trước khi có thể giải phóng khu vực khỏi sự đàn áp của thực dân. Cố tổng thống Nam Phi Nelson Mandela hiểu được điều này. Chính vì thế, Cuba là quốc gia đầu tiên ở ngoài châu lục mà ông đến thăm sau khi được trả tự do.
Ông cũng từng phát biểu rằng Nam Phi hàm ơn nhân dân Cuba vì: “Có nước nào có bề dày lịch sử với tinh thần quên mình vì người dân Nam Phi như Cuba không?”. “Chủ tịch Castro đã truyền cảm hứng đến nhân dân Cuba để họ cùng chúng tôi đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tuyên bố khi hay tin Fidel từ trần, theo trang All Africa.
tin liên quan
'Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng đến cả máu của mình'Năm 1969, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, tôi đã may mắn được gặp trực tiếp Chủ tịch Cuba Fidel Castro khi phiên dịch cho đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu thăm Cuba.
Tổng thống Rwanda Paul Kagame và Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza cũng gửi lời chia buồn với nhân dân Cuba, trong khi Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari thì hết lời khen ngợi ông Fidel. “Vị thế lịch sử của ông Castro đã được khẳng định nhờ việc duy trì cam kết và vai trò to lớn của ông trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân ở châu Phi”, ông Buhari nói,
Người từng bán vũ khí cho Fidel
Antonio del Conde, người buôn súng ở Mexico City từng giúp ông Fidel Castro mua con tàu Granma nổi tiếng và vũ khí để về Cuba làm cách mạng hơn 60 năm trước, đã lặng người trước tin ông từ trần.
“Ông ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, cũng như cuộc đời của rất nhiều người tại nhiều quốc gia trên khắp thế giới”, Reuters dẫn lời ông del Conde, 90 tuổi. Năm 1955, ông Fidel bước vào cửa hiệu của del Conde và nói muốn mua vài thứ. “Tôi đã nói tôi không biết ông là ai nhưng tôi sẽ giúp ông”, del Conde kể.
Ngày 25.11.1956, con tàu chở đầy vũ khí đã đưa Fidel và những nhà cách mạng nổi tiếng như “Che” Guevara và Raul Castro rời Mexico về nước và lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista hơn 2 năm sau đó. Del Conde bị bỏ tù 1 năm do giúp đỡ những nhà cách mạng Cuba. Con tàu Granma hiện được đặt trong lồng kính tại Bảo tàng Cách mạng Cuba và tên của nó được đặt cho cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản nước này.
|
Bình luận (0)