Người 'kể' chuyện Việt Nam bằng ảnh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/05/2018 14:00 GMT+7

Nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt đang giữ kỷ lục là người Việt có nhiều ảnh được chọn đăng nhất trên tạp chí National Geographic (Mỹ).

Những bức ảnh có sức mạnh kể chuyện lớn
Là người được nhiều giải thưởng Ảnh đẹp trong ngày trên cộng đồng ảnh của tạp chí National Geographic (Nat Geo), anh nghĩ thế nào về sân chơi này?
Nat Geo ra đời từ năm 1888, là một trong những tạp chí uy tín và lâu đời của thế giới. Hiện tại, Nat Geo nằm trong top 10 tạp chí lớn nhất của Mỹ, xếp theo lượng ấn bản phát hành hằng tháng. National Geographic Your Shot là một trong những cộng đồng nhiếp ảnh trực tuyến mạnh nhất bây giờ, với gần 1 triệu thành viên từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Số lượng ảnh trên cộng đồng này đạt gần 10 triệu ảnh, với hàng nghìn bức ảnh tải lên mỗi ngày từ nhiếp ảnh gia ở khắp mọi nơi trên thế giới. Những bức ảnh đó có sức mạnh kể chuyện lớn, như tiêu chí của cộng đồng là “Hãy kể chuyện cùng nhau”.
Anh đã có bao nhiêu ảnh được Nat Geo chọn?
Đến thời điểm hiện tại, tôi có hơn 20 bức ảnh được chọn vào top ảnh đẹp nhất trong ngày, 7 ảnh là ảnh đẹp nhất ngày. Trong đó vinh dự có 1 bức được đăng vào tạp chí, ở ấn bản toàn cầu tháng 6.2017. Được đăng ảnh trên tạp chí Nat Geo là một vinh dự rất lớn với những nhiếp ảnh gia trên thế giới, đặc biệt là ở chuyên mục “Những góc nhìn của thế giới”, nơi chắt lọc những hình ảnh “độc đáo, ngạc nhiên và tuyệt vời”.
Trước đây, chuyên mục này trên tạp chí là nơi đăng những hình ảnh độc quyền từ các nhiếp ảnh gia của Nat Geo. Trong vài năm gần đây, cộng đồng National Geographic Your Shot ra đời với sứ mệnh tìm kiếm thêm nhiều hình ảnh của nhiếp ảnh gia từ mọi nơi trên thế giới gửi về. Việc tham gia và gửi ảnh lên hoàn toàn miễn phí và dễ dàng, ai cũng có thể đăng ảnh. Nhưng được chọn vào top ảnh đẹp trong ngày từ hàng nghìn ảnh mỗi ngày, được in vào tạp chí từ hàng trăm nghìn ảnh mỗi tháng thì hình ảnh phải thực sự chất lượng và phù hợp với các tiêu chí khắt khe của ban biên tập.
Người “kể” chuyện Việt Nam bằng ảnh1
Tác phẩm Đan đó bắt cá Ảnh: Trần Tuấn Việt
Anh đến với nhiếp ảnh như thế nào?
Tôi đến với nhiếp ảnh cũng như nhiều lần “nhảy mảng” khác nhau trước đó. Tôi học kiến trúc, nhưng sau đó lại theo nghiệp công nghệ thông tin. Tôi đã làm công nghệ thông tin đến giờ khoảng 17 năm, dù không qua trường lớp nào, chỉ tự học. Từ hồi phổ thông, tôi đã từng chụp máy phim. Nhưng tôi bắt đầu hứng thú với nhiếp ảnh cách đây hơn 11 năm, khi tình cờ được đồng nghiệp đưa cho chiếc máy ảnh để nhờ chụp ảnh trong lễ cưới. Tôi ngỡ ngàng vì những hình ảnh chụp lên từ chiếc máy ảnh đó. Rồi tôi bắt đầu chắt bóp để mua máy ảnh, chụp bạn bè, chụp mọi người, mọi thể loại. Gì cũng chơi hết. Đó cũng là thời kỳ bùng nổ của các diễn đàn nhiếp ảnh ở VN như: xomnhiepanh, vnphoto... Tôi thuộc đời đầu tham gia các diễn đàn đó dù không mấy nổi trội. Cho đến năm 2015, tôi dành nhiều thời gian hơn cho đam mê nhiếp ảnh của mình. Tôi nghiên cứu sâu hơn, lập kế hoạch chi tiết cho các hình ảnh của mình.

Tôi thấy vinh dự khi giới thiệu hình ảnh đất nước, khi thấy hình ảnh của mình thực sự có ích, vậy là đủ

Cụ thể hơn, vì sao anh muốn chuyển mình?
Tôi không muốn chỉ dừng lại ở những hình ảnh hơi hướng du lịch như bây giờ, càng không muốn mình là một nhiếp ảnh gia chỉ chụp ảnh để đi thi. Đi thi không có gì xấu cả. Các cuộc thi cũng là những sân chơi để khẳng định bản thân. Tôi chỉ muốn làm sao để các bức ảnh của mình có nhiều ý nghĩa hơn.
Có người nói ảnh của tôi mang tinh hoa VN ra thế giới, vậy có lẽ hơi quá. Tôi vẫn muốn đưa ra những thứ mọi người không thường thấy, một thứ gì rất ngóc ngách, vấn đề. Những điều làm người ta hứng thú với VN còn nhiều. Đó là những góc khuất lớn lao, cần chiến lược dài hơi như là một dự án.
Tuân thủ chuẩn mực ảnh báo chí
Có người nói ảnh Nat Geo quá đẹp. Nhìn ảnh đôi khi bật lên câu hỏi có sắp đặt hay không. Sự nghi ngờ cũng có lý khi nhiều bức ảnh chụp VN trên đó khá giống nhau. Anh nghĩ sao về điều này?
Cộng đồng Nat Geo có rất nhiều hình ảnh ở đủ mọi thể loại nhiếp ảnh phổ biến, từ phong cảnh, thiên nhiên, môi trường, động vật hoang dã, chân dung... nhưng tựu trung lại là họ tôn vinh ảnh duy mỹ. Dù vậy, họ đề cao thông điệp và những câu chuyện truyền tải. Tất nhiên để được đăng tải vào tạp chí phải tuân thủ những chuẩn mực ảnh báo chí.
Chẳng hạn, với bức ảnh chụp làng hương, tôi phải trải qua 3 tháng liên lạc qua lại với hàng chục email, cung cấp đầy đủ thông tin và cả sê ri hình ảnh về quá trình chụp ảnh. Cung cấp mọi thông tin có thể có và thông tin kiểm chứng với hình ảnh. Thông tin về nội dung câu chuyện truyền tải cho nhiều nhân viên của Nat Geo trước khi được đăng.
Sân chơi Nat Geo cũng phải có những điểm hạn chế?
Tôi nghĩ, cộng đồng nhiếp ảnh Nat Geo chỉ là một trong nhiều sân chơi nhiếp ảnh trực tuyến thú vị. Ở đấy sẽ ít có các chủ đề sâu sắc về chính trị xã hội, hay các vấn đề nóng đang diễn ra. Các dự án ảnh dài kỳ và sâu sắc cũng ít được ghi nhận, do đặc thù là một sân chơi tôn vinh ảnh đơn. Nếu tìm hiểu “nhiếp ảnh du lịch” trên Wikipedia tiếng Anh, bạn sẽ thấy Nat Geo là một ví dụ điển hình của thể loại ảnh du lịch. Ở đó, các ảnh đơn thường được tôn vinh nhất là ảnh phong cảnh, thiên nhiên và chân dung.
Nhiều triển lãm giới thiệu hình ảnh VN ở nước ngoài - cũng là ảnh du lịch - nhưng tác phẩm rất buồn, rất nhạt, rất nản. Trong khi, chúng ta đang là thị trường ưu tiên của nhiều hãng máy ảnh. Theo anh, chất lượng ảnh du lịch có đang tốt lên?
Tôi nghĩ, hình ảnh từ các cuộc triển lãm ảnh du lịch đó không đại diện cho thực tế ảnh du lịch VN. Chẳng hạn, người tổ chức có kinh phí hạn chế và việc tổ chức phụ thuộc vào khả năng vận động lẫn quan hệ của cá nhân họ. Không phải lúc nào các cuộc triển lãm đó cũng có những hình ảnh đặc trưng và thực sự nổi bật của VN, cũng như không tập hợp được các “tinh hoa” hình ảnh của nhiều nhiếp ảnh gia trên khắp VN.
Anh có bao giờ tham gia triển lãm ảnh vì muốn bán thật nhiều ảnh?
Với cá nhân tôi, tiền không bao giờ là điều kiện quyết định khi được mời tham gia triển lãm ảnh. Tôi từng tặng ảnh miễn phí cho nhiều cá nhân, tổ chức treo ở những địa điểm hay những sự kiện trang trọng. Tôi thấy vinh dự khi giới thiệu hình ảnh đất nước, khi thấy hình ảnh của mình thực sự có ích, vậy là đủ.
Cộng đồng có quan tâm đến những triển lãm giới thiệu hình ảnh ra nước ngoài hay không thì phải nói có chứ. Nhưng triển lãm chính thống nhiều khi như cái ngách khó tiếp cận. Chúng tôi thậm chí sẵn sàng huy động nội bộ để tổ chức triển lãm, nhưng thực sự cái cách mà nhiều người tổ chức kết nối với người chụp thật sự chưa tốt.
Người “kể” chuyện Việt Nam bằng ảnh2
Tác phẩm Chăn vịt
Tôn vinh giá trị hòa đồng về văn hóa
Hậu Nat Geo, anh có kế hoạch gì?
Tôi có hàng trăm gạch đầu dòng về các ngóc ngách văn hóa truyền thống và những câu chuyện mình muốn chụp, truyền tải. Tôi muốn chụp những phong tục mà cả ngàn đời các cụ vẫn làm thế nhưng theo cách của hôm nay nhìn vào. Tôi luôn tôn vinh giá trị hòa đồng về văn hóa, đặc biệt là những góc nhìn gây tranh cãi.
Ví dụ, nếu chụp lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh), có lẽ tôi sẽ không chỉ nhấn vào máu me. Ảnh chụp một lễ nghi thì cần phải phản ánh được tinh thần của lễ nghi đó. Vì thế, đầu tiên là tôi phải học cách hiểu và tôn trọng văn hóa trước. Không phán xét, cố hiểu hệ quy chiếu của họ, bản năng tâm linh của cộng đồng để biết họ vui hay đau đớn.
Anh muốn nói gì qua những bức ảnh ấy?
Tôi muốn kể câu chuyện kết nối tâm linh giữa thần linh và con người, tổ tiên và con cháu... qua văn hóa truyền thống. Những câu chuyện nhỏ thôi nhưng bản chất lại là kết nối văn hóa mang tính quy mô lớn, phổ quát. Hoặc giả tôi cũng muốn hoàn thành cho mình bộ ảnh đặc trưng cho từng địa phương. Kiểu như đến tỉnh này thì tôi có bức ảnh này nhìn là nhận ra địa phương đó. Điều này đòi hỏi tôi phải đi nhiều hơn nữa. Đấy là một thách thức rất lớn với cá nhân tôi.
Anh có nói đến sức mạnh kể chuyện của những bức ảnh. Anh bị ảnh hưởng của tác giả nào?
Tôi mê kiểu của Steve McCurry, cách ông ấy đi khắp nơi và chụp những bức ảnh về văn hóa truyền thống và văn hóa của nhiều truyền thống đặt cạnh nhau. Quan điểm của tôi là nên học tư duy chụp ảnh của người nước ngoài. Xem ảnh là cách học tư duy nhanh nhất, hoặc theo dõi những quan điểm của họ qua bài viết về nghề. Ở VN thú thật tôi không theo dõi quá kỹ ai cả. Với tôi, tự học là một may mắn.
Người “kể” chuyện Việt Nam bằng ảnh3
Trần Tuấn Việt thuộc thế hệ 8X, quê Hà Tĩnh, nhưng lớn lên ở Nghệ An. Anh đến với nhiếp ảnh năm 2007, tập trung nghiên cứu việc chụp ảnh tư liệu vào năm 2015. Anh đã đoạt hơn 250 giải thưởng nhiếp ảnh trong nước lẫn quốc tế. Trong số đó, tác phẩm Làm hương được chọn đăng trong ấn bản toàn cầu của tạp chí Nat Geo, chuyên mục “Những góc nhìn thế giới”. Tháng 3.2018, cũng chính Làm hương lại chiến thắng ở hạng mục Ảnh du lịch trong cuộc thi nhiếp ảnh thường niên của tạp chí Smithsonian (Mỹ). Dự kiến mùa thu 2018, ảnh của Trần Tuấn Việt sẽ được xuất bản trong sách ảnh của Nat Geo.
Nhiếp ảnh gia đoạt giải ảnh báo chí châu Á Nguyễn Việt Thanh
Tiếp cận nhiếp ảnh thế giới
Thời gian vừa qua anh Việt có những thành tựu, những bước đi đáng kể trong nhiếp ảnh. Có thể nói đó là thành tựu của một người không chuyên, một tín hiệu đáng mừng với những nhà nhiếp ảnh trẻ.
Việt cũng là người chăm và giỏi tiếng Anh. Điều này giúp anh tiếp cận nhiếp ảnh thế giới - cộng đồng lớn lao và có nhiều đề tài. Nhiếp ảnh thế giới thay đổi hằng ngày. Nếu chúng ta nắm bắt được những tiến bộ của thời đại thì có thể tạo được bước tiến dài, đặt nền móng cho tiến bộ của nhiếp ảnh VN.
Nhiếp ảnh gia đoạt giải ảnh báo chí châu Á Nguyễn Việt Thanh
Nhiếp ảnh gia “chuyên trị” làng nghề và di sản Lê Bích
Việt có góc máy độc đáo và màu tương phản mạnh
Phải nói Việt là người rất chịu tìm cái mới lạ. Đề tài làng hay làng nghề đã có nhiều người thể hiện. Nhưng xem ảnh của Việt lại có góc máy khá độc đáo, thường là úp từ trên xuống. Góc máy này tạo sự hấp dẫn về thị giác. Màu sắc cũng chú ý để tạo điểm nhấn. Bức Làm hương là rất tiêu biểu cho việc đó. Những que hương được chụp và xử lý gần như những bông hoa màu đỏ trên nền đẹp, một sự tương phản rất mạnh. Còn bức Chăn vịt lại có những nét chấm như trên tranh, một bức họa đồng quê. Phải nói là Việt trẻ và yêu sự bình dị, có con mắt nhìn độc đáo. Ánh sáng bạn chụp rất đẹp.
Nhiếp ảnh gia “chuyên trị” làng nghề và di sản Lê Bích
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.