Người khiếm thị mưu sinh - Kỳ 2: Nhiều lần chết hụt của người đàn bà mù bán cá

25/04/2015 11:10 GMT+7

(TNO) Trong đêm vắng, ở một căn phòng ẩm thấp giữa khu trọ tồi tàn của Hà Nội, có người đàn bà mù và ước mơ nhỏ nhoi, ngày mai Hà Nội đừng mưa.

(TNO) Trong đêm vắng, ở một căn phòng ẩm thấp giữa khu trọ tồi tàn của Hà Nội, có người đàn bà mù và ước mơ nhỏ nhoi, ngày mai Hà Nội đừng mưa.

Bà Đoàn Thị Tuệ bán cá ở chợ Hàm Tử Quan - Ảnh: Dự Phạm
Bước thấp bước cao, một tay giữ chặt chiếc đòn gánh, một tay huơ huơ trong không trung, bà Đoàn Thị Tuệ, 53 tuổi, loạng quạng suýt ngã lăn xuống rãnh nước bên cạnh vì một người đi xe máy quá nhanh va quệt phải.
Đã hơn 6 năm nay, người dân quanh khu vực chợ Hàm Tử Quan (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quen với cảnh một người phụ nữ mù ngày ngày mò mẫm trên phố, mưu sinh bằng những chậu cá nơi góc chợ. Bà là Đoàn Thị Tuệ, quê ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Nhà có 5 anh em đều nghèo túng, bà và 2 người em trai của mình đều bị cảnh mù cả hai mắt nhiều năm nay.
3 giờ sáng, căn phòng trọ tăm tối ở ngõ 277 Phúc Tân lịch kịch tiếng người thức giấc. Căn phòng nhỏ xíu nhưng đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp, dễ tìm này là nơi cư ngụ của bà Tuệ 6 năm nay. Hà Nội còn đang say ngủ, người đàn bà nhỏ thó, một đôi quang gánh trên vai, đã bắt đầu một ngày mưu sinh.
Trời lấy đi của bà Tuệ đôi mắt nhưng cho bà Tuệ đôi tai rất thính và xúc giác rất nhạy. Bàn chân đi chậm từng bước như có thể đếm được, bàn tay quờ quạng trong đêm vắng huơ tay trong không trung, bà Tuệ định hình con đường mình ra tới chợ Hàm Tử Quan. Tờ mờ sáng, ít người qua lại, con đường bà đi cũng rộng hơn đôi chút tuy nhiên, không có ai để bà hỏi đường, mấy phen bà bị đi lạc. Biết bà Tuệ đi ngang qua, người nào tốt bụng lại dừng lại, chỉ cho bà xem phải đi thêm bao xa nữa.
“Nhiều lần chết hụt lắm. Nắp cống mở lung tung khắp nơi, rãnh nước, hố công trình người ta đào trong đêm. Có khi tối hôm qua về mình vẫn đi an toàn, nhưng đến sớm hôm sau đã vấp phải gạch đá, ngã xấp mặt xuống, lại bò dậy đi tiếp”, bà Tuệ kể.
Gánh hàng của bà Tuệ hôm nào cũng vẻn vẹn 3 chậu: chậu đựng tôm, chậu đựng cá, chậu kia một ít ngao. Những ngày không bán hết hàng, bước chân của người đàn bà mù lại xiêu vẹo khắp các con phố để bán rong. Nhiều lần gánh cá bị xe đạp, xe máy đi ngược chiều va phải, cá tôm đổ tung tóe xuống đất, người đàn bà ngã theo, chân tay xây xát, tóe máu. Lại lọ mọ từ tìm quang gánh, tự hớt cá tôm vào chậu, người đi đường nào thương thì giúp một tay, thế rồi bước chân xiêu vẹo cứ lang thang khắp nơi, mong đổi được ít cá tôm lấy tiền đong gạo, mua rau ăn qua bữa.
Người đàn bà bất hạnh tâm sự, sợ nhất khi đi qua những ngã ba, ngã tư, xe cộ đi lại như mắc cửi, không biết đâu là đèn đỏ, đèn xanh. Nếu để kể số lần bị ngã do vấp phải chướng ngại vật trên đường hoặc bị xe khác va phải nhưng may phanh kịp, bà Tuệ không nhớ nổi. Bà Tuệ chìa tay, chân ra. Khuỷu tay, bắp đùi người đàn bà mù bán cá đầy những vết thâm tím do bị ngã, va đập vào bê tông, cột điện.
Cuộc mưu sinh của người đàn bà mù gặp muôn vàn khó khăn, không chỉ vì những va chạm trên đường. Vì mắt không nhìn thấy gì, bà Tuệ phải dùng chiếc cân móc để cân hàng. Khách tự chọn hàng, nhìn cân, trả tiền và lấy lại tiền thừa. Nhiều người thấy hoàn cảnh của bà Tuệ như vậy nên cũng tận tình giúp đỡ, giúp bà đếm tiền và đánh dấu để cất cho dễ. Tuy nhiên, chuỗi ngày kiếm sống của người đàn bà khốn khổ cũng gặp phải không ít kẻ gian.
“Cách đây vài tháng, có một thanh niên biết tôi không nhìn thấy gì nên hôm nào cũng lân la đến nói chuyện và mua hàng. Vài ngày liền, hôm nào anh ta cũng mua rất nhiều tôm, cá giúp tôi nhưng chỉ đưa 10.000, 20.000 đồng nhưng lại nói đấy là 100.000, 200.000 đồng. Nhiều ngày như vậy, tôi sinh nghi nên nhờ mấy người bán hàng quanh đó xem giúp thì mới biết mình bị lừa thật”, bà Tuệ tâm sự.
Bà Tuệ lảng tránh khi chúng tôi hỏi đến chuyện chồng con. “Ai chẳng mong muốn có một gia đình, chồng con. Nhưng thân tôi như thế này, lo cho mình còn không xong nữa là. Tôi không muốn kéo thêm người khác buộc chung số phận đau khổ với mình nữa”, mắt bà Tuệ nhòe đi. Bà Tuệ sợ trời mưa hơn nhiều nỗi sợ khác trong đời. Mưa là đường trơn, là cống ngập nước, là ế hàng, việc gánh hàng rong trên phố khó khăn hơn gấp bội.
Con đường từ phòng trọ chật hẹp phố Phúc Tân đến chợ Hàm Tử Quan ngày càng xa hơn, khấp khuỷu hơn khi bà Tuệ thấy sức lực mình ngày càng yếu đi, cảm giác cũng không còn nhạy bén như trước nữa. Trong đêm vắng, ở một căn phòng ẩm thấp giữa khu trọ tồi tàn của Hà Nội, có người đàn bà mù và ước mơ nhỏ nhoi, ngày mai Hà Nội đừng mưa.
Giao thông Việt Nam quá thách thức người khiếm thị
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Trương Công Định, Giám đốc trung tâm đào tạo cán bộ, phục hồi chức năng cho người mù (thuộc Hội người mù Việt Nam) bức xúc cho rằng giao thông Việt Nam quá thách thức người khiếm thị. Không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà tất cả các tỉnh thành, hệ thống đường xá ngổn ngang, ống cống, hố ga như những cái bẫy trên đường, gây nguy hiểm cho ngay cả những người mắt sáng, chưa nói đến người khiếm thị.
“Tôi rất đau xót khi nghe câu chuyện người bán vé số ở Đồng Nai gặp nạn vì rơi xuống cống. Ở những quốc gia phát triển, người khiếm thị được ưu tiên đặc biệt khi đi qua đường, lên xe buýt, được trang bị gậy thông minh, các nơi giao nhau đều có các tín hiệu để người mù biết đèn xanh hay đèn đỏ, nhưng ở Việt Nam vẫn chưa làm được. Tính mạng người mù khi mưu sinh ngoài phố vẫn phụ thuộc vào sự may mắn”, ông Trương Công Định nói.


 Bà Đoàn Thị Tuệ bán cá ở chợ Hàm Tử Quan - Ảnh: Dự Phạm
 Bà Đoàn Thị Tuệ bán cá ở chợ Hàm Tử Quan - Ảnh: Dự Phạm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.