Người khỏe mạnh vẫn không được chạy mô tô ?

27/05/2013 03:10 GMT+7

Nhu cầu dùng xe mô tô từ 175 cc trở lên là chính đáng, thế nhưng nó vẫn đang bị cản trở bởi những quy định từ cách đây 20 năm.

Cho mua nhưng không cho chạy !

Trên thị trường hiện nay, một chiếc mô tô phân khối lớn có giá “bèo” cũng vài chục triệu, trung bình là vài trăm triệu đồng. Nhưng vì sao nhiều người bỏ cả đống tiền ra mua xe để rồi… chạy “lụi”? Đem chuyện hỏi giới mô tô, ai nấy đều bức xúc về quy định thi lấy giấy phép lái xe (GPLX) mô tô (bằng A2).


Nhiều người rất muốn mua mô tô phân khối lớn để thỏa mãn niềm đam mê nhưng bị “trói” bởi quy định thi lấy giấy phép lái xe hạng A2 - Ảnh: Đàm Huy
 

Theo quy định hiện hành, để được thi lấy bằng A2, người có xe phải được cấp thẻ hội viên mô tô. Mà để được cấp thẻ, ứng viên phải trải tham gia dẫn đường hội thao, đua xe đạp… ít nhất 1 năm mới được Sở VH-TT-DL đề xuất Liên đoàn Xe đạp - mô tô thể thao VN xét duyệt cấp thẻ. Sau khi có thẻ, hội viên còn phải có giấy giới thiệu của Sở VH-TT-DL mới được học và thi lấy bằng A2.

Trong khi đó, từ lúc VN gia nhập WTO thì các doanh nghiệp đã được nhập mô tô về bán. Năm 2007, Bộ Công an cũng đã chủ động bỏ quy định “có GPLX A2 mới được cấp giấy đăng ký xe”. Tuy nhiên, phía Bộ GTVT thì vẫn giữ nguyên quy định “phải có thẻ của Liên đoàn Xe đạp - mô tô thể thao VN mới được cho thi GPLX A2”. Ông Nh., chủ nhiều cửa hàng bán mô tô tại TP.HCM, than: “Kinh doanh mặt hàng này khó lắm vì quy định hiện hành cho mua, đăng ký thoải mái nhưng không cho chạy. Nhiều người mua xe hơn 1 năm nay vẫn không đủ điều kiện dự thi lấy bằng thì sao họ dám chạy”.

 

Quy định hiện hành cho mua, đăng ký thoải mái nhưng không cho chạy. Nhiều người mua xe hơn 1 năm nay vẫn không đủ điều kiện dự thi lấy bằng thì sao họ dám chạy Ông Nh., chủ nhiều cửa hàng bán mô tô phân khối lớn tại TP.HCM

Quy định không còn phù hợp

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo cấp phòng thuộc Cục CSGT đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) khẳng định: “Đến thời điểm này thì các cá nhân, tổ chức nhập khẩu mô tô đã được ngành công an cho đăng ký bình thường, không hề có bất cứ một vướng mắc nào”, vị này nói và cho rằng “vướng mắc duy nhất trong việc lưu hành loại xe này hiện nay là do ngành giao thông không cho sát hạch cấp GPLX hạng A2”.

Ông Lâm Thành Trung, Phó trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT TP.HCM), cho biết theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ và theo quy định của Chính phủ từ nhiều năm qua, GPLX hạng A2 là loại giấy phép thuộc đối tượng hạn chế trong điều khiển phương tiện giao thông. Mặc dù quy định này ra đời đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có quy định mới. Theo ông Trung, trước đây từng có nhiều ý kiến đề xuất nới rộng điều kiện thi lấy GPLX hạng A2, nhưng Tổng cục Đường bộ và Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm hạn chế loại giấy phép này.

Trên thực tế, đối tượng học, sát hạch lấy bằng A2 đã được quy định tại Quyết định số 258 của Thủ tướng Chính phủ ngày 29.5.1993. Theo đó, chỉ những đơn vị thuộc lực lượng vũ trang (quân đội, công an), thuế vụ, hải quan, kiểm lâm và các tổ chức, cá nhân hoạt động thể thao có nhu cầu mới được phép đăng ký, sử dụng xe mô tô 175 cc trở lên để phục vụ công tác. Đến năm 2003 bổ sung thêm đối tượng là đội trưởng, đội phó thanh tra giao thông, cán bộ sát hạch lái xe ở mỗi địa phương được học và thi lấy bằng A2. Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ lý giải, việc quy định một số đối tượng cụ thể được phép thi GPLX hạng A2, mà không cho phép rộng rãi, nhằm “đảm bảo yêu cầu quản lý về an ninh trật tự, hạn chế tai nạn giao thông”.

Nhiều ý kiến cho rằng nên sớm bỏ quy định thi GPLX A2 phải có thẻ hội viên mô tô vì nó bất hợp lý và lạc lậu. Ông P. (ngụ Q.Phú Nhuận, người đam mê mô tô hàng chục năm nay) phân tích thể trạng người VN hơn 20 năm qua đã được cải thiện đáng kể cả về chiều cao, cân nặng, nên không thể nói không phù hợp để điều khiển xe mô tô. “Để được cấp thẻ hội viên, ứng viên phải đứng tên chủ sở hữu một chiếc mô tô và chạy mô tô dẫn đoàn cho các hội thao… trong vòng 1 năm. Nghĩa là ứng viên đó đã điều khiển mô tô trong một thời gian dài nhưng không có GPLX A2. Điều này vô cùng nguy hiểm cho bản thân ứng viên và người đi đường vì người này chưa qua sát hạch thi lấy GPLX A2”, ông P. phản biện. Tương tự, ông L., một doanh nghiệp thành đạt và là thành viên một CLB mô tô tự do, cho rằng lý do không cho phép sử dụng mô tô rộng rãi nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý về an ninh trật tự, hạn chế TNGT cũng không thuyết phục. “Từ trước đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý trường hợp nào sử dụng mô tô để đi cướp giật tài sản hoặc đua xe quậy phá? Ví dụ tôi là thành viên của một CLB mô tô tự do (do chúng tôi tự thành lập ra), không chịu bất cứ sự quản lý của cơ quan chức năng nào nhưng nơi đây quy tụ toàn những người có học thức đàng hoàng như bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân thành đạt mê mô tô. Chúng tôi thường xuyên tham gia tổ chức các chương trình từ thiện, giáo dục… rất lành mạnh. Như thế, không thể nói là mất an ninh trật tự”, ông L. nói

Thanh Niên

>> Nóng bỏng Giải đua xe mô tô 125cc toàn quốc
>> Khởi tố tài xế mở cửa ô tô gây tai nạn chết người
>> Mức phí sử dụng đường bộ với xe mô tô
>> Sinh viên đua xe mô hình
>> Dân chơi siêu xe mô hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.