Người khởi xướng nghề nuôi cá bè ở Châu Đốc

29/05/2014 09:50 GMT+7

Hơn 40 năm trước, một “lão ngư” ở đầu nguồn sông Hậu đã tiên phong đóng bè nuôi cá ba sa, góp phần tạo nên làng bè Châu Đốc có một không hai ở ĐBSCL.

Người khởi xướng nghề nuôi cá bè ở Châu Đốc

Ông Mến đang cho cá ba sa ăn - Ảnh Hồ Lê

Học ngư dân Biển Hồ

Những ngày trung tuần tháng 5, chúng tôi tìm về làng bè nổi TP.Châu Đốc (An Giang) - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của nghề nuôi cá da trơn. Tượng đài cá ba sa sừng sững nơi ngã ba sông như minh chứng cho sự trù phú về sản vật nơi vùng biên cương của Tổ quốc. Ông Lưu Văn Mến (61 tuổi) đã gần một đời gắn bó với nghề nuôi cá bè và ông luôn tự hào về cái nghề đã nuôi sống gia đình. Nhìn dòng nước sông Hậu lững lờ trôi, ông Mến chậm rãi kể: “Trước đây, bà con mình qua Biển Hồ (Vương quốc Campuchia) sinh sống, làm ăn, đánh bắt thủy sản rồi “ngụ cư” luôn bên đó. Cá bắt được quá nhiều, họ nghĩ ra cách đóng lồng tre rọng cá. Hằng ngày, để cá sống, họ mang cơm, thức ăn thừa cho ăn. Dần dà, cá lớn nhanh và họ đã nghĩ ra nghề nuôi cá trong lồng bè. Tôi từng sống bên đó nên đã học được nghề này”, ông Mến nhớ lại.

Sau năm 1970, ông Mến mang theo cái nghề nuôi cá da trơn trong lồng bè cùng gia đình xuôi dòng Mê Kông về trụ tại xã biên giới Khánh Bình (H.An Phú, An Giang). Đến năm 1972, ông Mến bán 3 cây vàng qua Campuchia mua gỗ về đóng chiếc bè đầu tiên diện tích 6 x 12 m rồi mua cá ba sa giống thả nuôi. Hồi ấy, cá giống chủ yếu khai thác ngoài tự nhiên (cá bột) chứ chưa ương nhân tạo như bây giờ. Vào mùa nước nổi, ông đánh lưới kiếm cá linh về cho cá ăn. Bữa nào dính nhiều cá tạp ông đem về nấu trộn với tấm, cám rồi vò cục, thảy xuống bè cho cá. “Không ngờ cá lớn nhanh, sau một năm tôi xuất cá bán. Bữa thương lái miệt Châu Đốc lên cân cá, người dân trong xóm xuống xem đông chật cả khúc sông. Thấy tôi nuôi kiếm sống được, bà con xung quanh cũng bắt chước đi cưa gỗ đóng bè nuôi cá ba sa”, ông Mến kể.

Lận đận giữ nghề

Sau đó, ông Mến di dời bè cá về nằm cặp bờ sông Châu Đốc. Vài năm sau, những người xung quanh bè cũng lần lượt đóng bè nuôi cá, dần hình thành nên làng bè Châu Đốc. Ông Mến nhớ lại: “Lúc đó, ông Bảy Châu thấy tôi nuôi cá trúng liên tục nên qua Campuchia mua một chiếc bè đem về. Sau một năm nuôi cá, ông cũng trúng và đóng thêm 3 chiếc bè nữa. Thấy ông Bảy Châu đi sau mà làm có ăn, tôi đã bị cuốn theo nên đầu tư đóng thêm 2 chiếc bè. Lúc đó, cá ba sa đang hút hàng, giá tăng lên 18.000 đồng/kg vẫn không đủ nguồn cung. Thấy vậy, tôi và ông Suồl đưa con cá tra vào bè nuôi thử nghiệm để thay thế con cá ba sa. Nhưng không ngờ, thịt cá tra nuôi bè trắng không thua thịt cá ba sa. Năm đó, bè cá của tôi đạt sản lượng gần 100 tấn, bán giá 18.000 đồng/kg, lời hơn 500 triệu đồng”.

Cũng từ đó, nhiều người ồ ạt đóng bè nuôi cá tra với hy vọng sẽ nhanh chóng làm giàu, nhưng đến năm 2000, giá cá giảm xuống còn 10.000 đồng/kg làm ngư dân điêu đứng. Tuy nhiên, không vì thế mà họ nản chí, bằng chứng là 4 năm sau số lượng bè ven sông Hậu, sông Tiền tăng lên rất nhanh nhưng số phận con cá và người nuôi vẫn rất bấp bênh vì tắc đầu ra. Theo ông Mến, nhiều người nuôi lâm vào cảnh khốn khó, nợ nần chồng chất nên hàng loạt bè gỗ đầu tư bạc tỉ phải bỏ không. “Con cá tra có đặc tính dễ nuôi. Một năm có thể nuôi được 2 vụ. 2 bè cá tra của tôi một năm xuất bán khoảng 200 tấn. Tuy nhiên, thời gian sau do nguồn nước ô nhiễm, đặc biệt vào mùa nước nổi cá chết nhiều nên ngư dân đã bỏ bè mua đất đào hầm”, ông Mến cho biết.

Thời gian qua, ở ĐBSCL đã có nhiều người “chết dở, sống dở” vì con cá tra, ba sa, nhưng với “lão ngư” Lưu Văn Mến thì đây là một cái nghề đã “ngấm vào máu” không thể bỏ được. Ông nói nuôi cá tra quá bất ổn nên quyết định quay trở lại với con cá ba sa. Ngoài ra còn nuôi thêm vài loại khác coi như để tăng thêm thu nhập. “Còn cái nghề nuôi cá ba sa bè, tôi là một trong những người đã khởi xướng nên phải theo đến cùng”, ông Mến nói.

 Hồ Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.