Người không coi sân khấu là trò tiêu khiển

19/05/2013 03:24 GMT+7

Một đời đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi chọn cho mình con đường độc đạo chỉ làm những vở diễn lớn, cho khán giả không xem sân khấu là trò tiêu khiển.

Một đời đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi chọn cho mình con đường độc đạo chỉ làm những vở diễn lớn, cho khán giả không xem sân khấu là trò tiêu khiển.

Năm 2010, khi dựng lại vở kịch danh tiếng Cô gái đội mũ nồi xám, NSƯT Anh Tú nói với phóng viên, đại ý rằng hãy đừng xem vở với con mắt của ông Nghi. Và con mắt của ông Nghi - có nghĩa là con mắt, cách làm đã từ 20 năm trước. Để rồi sau đó, cho dù đón chào sự thay đổi, vở kịch kinh điển mà cố đạo diễn Nguyễn Đình Nghi dựng vẫn sừng sững đó, như một lời thách thức không thể vượt qua. Cô gái đội mũ nồi xám của Nguyễn Đình Nghi đã thực sự là một vở diễn ám ảnh.

 

Trong đám tang không cần đọc điếu văn liệt kê thành tích của ông, với nhiều danh vị, chỉ xin được gọi là đạo diễn, và tốt nhất, xin mọi người đi xem những vở ông đã dựng

PGS-TS  Nguyễn Thị Minh Thái

Nguyễn Đình Nghi không chỉ có một vở diễn ám ảnh. Đời làm nghề của ông là cuộc dấn thân đến tận cùng của sàn tập. Những “chứng chỉ” hành nghề của ông luôn là đỉnh cao của phiên chuyển ngôn ngữ văn học ra ngôn ngữ sân khấu. Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Con cáo và chùm nho, m mưu và tình yêu, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Điều không thể mất, Vua Lia... Đúng thiên chức “đạo diễn là giấc mơ về tác phẩm” hằng tâm hằng niệm, Nguyễn Đình Nghi liên tục dựng vở lớn, phát hiện ra tài năng còn tiềm ẩn để giũa thành những diễn viên có vai để đời.

Sân khấu một thời những năm 1980 không ai không nhớ nữ diễn viên Đam Ka - một vẻ đẹp lưỡng lự và yếu ớt, nhiều lúc dễ rơi vào cảm giác tẻ nhạt - ngay cả khi đã thành danh. Nhưng sự yếu ớt trong trẻo đó chỉ là phần rất nhỏ vai diễn lần đầu tiên xác nhận tài năng của cô. Phần còn lại - Luidơ trong m mưu và tình yêu lại là một thiếu nữ giấu lửa trong vẻ ngoài thánh thiện thanh nhẹ. Để rồi khi cần ngọn lửa quả cảm ấy thiêu cháy âm mưu kẻ đối đầu, cháy tan đi chỉ còn lại sự hối hận của kẻ ấy. “Chẳng ai tin cô bé diễn viên trẻ mới ra trường sân khấu này lại đóng nổi một vai kịch dài và khó như vai Luidơ. Nhiều người còn khuyên tôi bỏ quyết định phân vai cho Đam Ka. Nhưng tôi vẫn tin vào sự lựa chọn của mình và chờ đợi giải đáp bằng kết quả trên sân khấu”, sau này ông tâm sự với PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái.

Ngoài Đam Ka, danh hài Trần Tiến cũng là một minh chứng cho tài nhìn thấu diễn viên của ông. Đúng vào thời điểm Trần Tiến đang “chết dính” với các vai hài sở trường, thì ông Nghi lại trao cho ông vai Nguyễn Trãi trong Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Vai diễn này, theo ông Nghi nhận định  là “một vai chính kịch dài suốt vở, một tính cách trí thức lớn, đầy ưu tư khắc khoải với thời cuộc. Một vai diễn khác hoàn toàn với những vai kịch trước đây của Trần Tiến”. Sau đó, cũng như Đam Ka, Trần Tiến đã chứng minh rằng trong vở diễn đó, ông là người không thể thay thế. Nó cũng khẳng định lần nữa tính cách Nguyễn Đình Nghi - chọn cho diễn viên những vở kịch chính họ cũng ít ngờ tới, để thể nghiệm và sau đó thành công.

Người không coi sân khấu là trò tiêu khiển
Cố NSND Nguyễn Đình Nghi và vợ - Ảnh: tư liệu gia đình

Chỉ hành nghề khi nào mình thích

“Tôi tự cho mình là một đạo diễn may mắn”, ông từng tâm sự. “Bởi tất cả những suy nghĩ của tôi về sân khấu ước lệ đều được mách bảo và gợi ý từ những bài học quý báu của sân khấu cổ truyền dân tộc. Bao giờ xem tuồng cổ, tôi vẫn không thôi ngạc nhiên bởi sân khấu dân tộc cho phép tối đa, mở những khoảng đất rộng rãi nhất trong việc thể hiện, bằng những biện pháp ước lệ giản tiện, tiết kiệm nhất”.

Cũng chính vì thế, sân khấu của ông là sân khấu ước lệ tuyệt vời. Khi Luidơ viết bức thư tình giả mạo trong m mưu và tình yêu, sân khấu hoàn toàn trống trải. “Không có bàn viết. Không có lọ mực. Không có những chi tiết không thể thiếu cho việc viết thư theo dạng bình thường. Nghĩa là thiếu vắng tất cả những điểm tựa cần thiết cho một lối diễn tả thực bình thường”, ông nhớ lại. Cảnh mà ông dàn dựng đã trở thành thách thức với Đam Ka, cũng như là bệ phóng cho tài năng của diễn viên này.

Sau này, khi thánh đường sân khấu bắt đầu “vướng bụi” vì những khán giả vừa mặc quần áo ngủ, vừa đi dép lê, cắn hạt dưa và cười ha hả, ông thưa dần công việc đạo diễn. “Tôi nghĩ rằng đã không kiếm sống được bằng nghề đạo diễn thì tôi chỉ hành nghề khi nào mình thích. Có ba cái thích xui khiến tôi dựng vở. Kịch bản văn học mà mình thích. Nhà hát hoặc đoàn kịch mà mình thích. Có công chúng mà mình thích”, ông từng chia sẻ. Công chúng ấy, theo ông là những người không coi sân khấu là trò tiêu khiển.

 “Những ngày lâm bệnh trọng, dự cảm cái chết đến gần, ông bảo tôi (bạn vong niên) và Mỹ Dung, vợ ông, là trong đám tang không cần đọc điếu văn liệt kê thành tích của ông, với nhiều danh vị, chỉ xin được gọi là đạo diễn, và tốt nhất, xin mọi người đi xem những vở ông đã dựng, nhất là vở cuối cùng mà ông thật tâm đắc Rừng trúc”, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhớ lại.

Ông đã sống trọn vẹn với nghề và nghiệp đạo diễn như thế!

NSND Nguyễn Đình Nghi sinh năm 1928 tại Hải Phòng. Ông là con trai cả của nhà thơ Thế Lữ với người vợ đầu. Năm 1950, ông theo gia đình lên Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Khởi nghiệp sân khấu của ông là vị trí diễn viên Đoàn kịch Chiến Thắng. Ông để lại nhiều vở diễn lớn như Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc, m mưu và tình yêu, Lôi vũ, Hồn Trương Ba da hàng thịt...

Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.