‘Người khổng lồ’ chân đất sét

14/10/2014 05:20 GMT+7

Dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhưng rất nhiều ngành chỉ to về con số thành tích, còn thương hiệu, chất lượng, uy tín, giá trị gia tăng mang lại vô cùng khiêm tốn.

 

‘Người khổng lồ’ chân đất sét
Phần lớn doanh nghiệp điều đều lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ nước ngoài - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Với ngành điều, do ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhiều "ông lớn" một thời đang dần lụn bại phải gia công cho nước ngoài.

Xù nợ khắp thế giới

Là “người khổng lồ” của thế giới khi dẫn đầu về xuất khẩu điều nhân, nhưng uy tín của các doanh nghiệp (DN) điều trong nước đang sụt giảm trầm trọng trên thị trường thế giới.

 

Mang tiếng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng không thể điều tiết được giá bán, không định được giá, mà phải bán theo giá yêu cầu của nhà nhập khẩu. Ngược lại, chúng ta nhập khẩu điều thô nguyên liệu từ châu Phi rất nhiều, nhưng cũng phải chạy theo họ về giá bán. Nghĩa là cả mua và bán DN đều bị động và lợi nhuận có được chủ yếu là do may rủi

Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐTV Công ty Phúc An

 

Tại thời điểm này, những vụ bị “xù” hợp đồng lại đang ám ảnh các DN điều. Đại diện một DN (xin giấu tên) cho biết: “Tôi đã mở L/C và ký với hợp đồng hàng trăm tấn điều thô với nhà cung cấp từ Benin. Nhưng đến nay khi giá điều tăng lên thì họ không giao hàng. Không có nguyên liệu để chế biến, chúng tôi không thể thực hiện hợp đồng đã ký với đối tác”.

Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hiện đã có hơn 30 trường hợp DN thuộc hiệp hội báo cáo bị “xù” hợp đồng. Kéo theo đó là cả khiếu nại của khách hàng nước ngoài đối với DN trong nước vì chậm giao hàng. Mặc dù các DN điều đều kêu mình là nạn nhân, do các đối tác nước ngoài không thực hiện hợp đồng mua nguyên liệu đã ký, nhưng có một thực tế khác là do không có nguyên liệu để chế biến, DN điều trong nước cũng sẽ “xù” hợp đồng xuất khẩu với các khách hàng. Dù là nạn nhân hay thủ phạm, nguyên nhân sâu xa là do chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu điều nhập khẩu. Nếu như cách đây 10 năm, các DN chỉ nhập khẩu 20 - 30% điều thô, 70 - 80% còn lại trong nước cung cấp thì đến nay tỷ lệ này đã đảo ngược với số lượng nhập khẩu từ châu Phi lên đến 650.000 tấn mỗi năm.

Phó chủ tịch VINACAS Đặng Hoàng Giang thừa nhận: Năm 2008 ngành điều lùm xùm vì hàng loạt vụ kiện hủy hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài. Năm nay tình trạng cũng đang lặp lại tương tự. Năm đó, các "chủ nợ" của DN điều trong nước ở khắp nơi, từ Anh, Úc, Mỹ đến một số nước châu Á. Riêng với thị trường Anh, Thương vụ VN tại Anh cho biết có đến 38 công ty VN thuộc dạng "nợ khó đòi" với tổng số nợ lên đến 9,75 triệu USD. Tình hình càng xấu hơn khi hàng loạt hiệp hội thương mại nước ngoài lên tiếng phản đối và dọa kiện các DN điều VN, đồng thời gửi thư kiến nghị lên đến tận Thủ tướng Chính phủ nhờ can thiệp. Uy tín của ngành điều VN bị hoen ố từ ngày đó và đến nay đã trở thành “thói quen” đối với khách hàng quốc tế.

Trực tiếp kinh doanh trong ngành này, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, cho biết thời điểm đầu năm giá điều loại W320 ở mức 3,25 USD/Lb (1 Lb = 0,45 kg), sau đó rớt xuống 3,15 USD/Lb, thậm chí có DN ký bán 3 USD/Lb. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay thì giá lên quá nhanh. Loại hàng W240 tăng lên 3,85 - 3,95 USD/Lb, loại W320 tăng lên 3,45 - 3,55 USD/Lb… “Những DN đã ký hợp đồng giá thấp lỗ nặng. Công ty tôi cũng phải chấp nhận lỗ để thực hiện hợp đồng. Nhưng không nhiều DN dám hy sinh như vậy. Cứ lỗ là xù hợp đồng”, ông Sơn nói.

Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐTV Công ty Phúc An, cũng bày tỏ lo ngại khi ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, bỏ quên vùng nguyên liệu trong nước. “Mang tiếng xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng không thể điều tiết được giá bán, không định được giá, mà phải bán theo giá yêu cầu của nhà nhập khẩu. Ngược lại, chúng ta nhập khẩu điều thô nguyên liệu từ châu Phi rất nhiều, nhưng cũng phải chạy theo họ về giá bán. Nghĩa là cả mua và bán DN đều bị động và lợi nhuận có được chủ yếu là do may rủi. Đó là nghịch lý hiện nay của ngành điều VN”, ông Luyến trăn trở.

 

 

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), từ năm 2005 đến năm 2013, diện tích điều giảm mạnh, nhất là các tỉnh Đông Nam bộ giảm 88.399 ha, duyên hải Nam Trung bộ giảm hơn 16.900 ha, Tây nguyên giảm 14.111 ha...

 

Nông dân nghèo, doanh nghiệp lỗ

Công nghiệp chế biến hạt điều VN được xem là đã tạo được đột phá với 465 cơ sở với công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, xếp thứ hai thế giới sau Ấn Độ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều liên tục trong 8 năm qua (từ 2006 - 2013). Năm 2014, dự báo xuất khẩu đạt 180.000 tấn điều nhân các loại với kim ngạch 1,8 tỉ USD, cộng thêm các mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm chế biến sâu, con số này lên khoảng 2,2 tỉ USD, tiếp tục là nước xuất khẩu điều đứng đầu thế giới.

Thế nhưng, tình trạng lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, lệ thuộc vốn vay ngân hàng, lệ thuộc vào người mua và cả người bán, khiến lợi nhuận hết sức khiêm tốn. Giám đốc một DN lâu năm tại Bình Phước không giấu nổi sự chán nản khi thừa nhận: “Con số trên 2 tỉ USD xuất khẩu là rất lớn, nhưng lợi nhuận thật sự mà chúng tôi thu về trên doanh số này thì không đáng là bao. May mắn lắm thì được 10%, còn thì huề vốn, khi thua lỗ”. Đây là một thực tế buồn nếu nhìn vào "vóc dáng" của ngành điều trong bản đồ xuất khẩu của thế giới. Đơn cử như năm 2011, Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) nhập một lượng lớn điều thô từ châu Phi với giá cao nhưng sau đó giá điều nhân giảm đột ngột nên bị lỗ khoảng 12.000 đồng/kg. Năm 2012, Lafooco thua lỗ 152 tỉ đồng, trong khi tổng lợi nhuận trong ba năm từ 2009 - 2011 chưa đến 116 tỉ đồng.

Đó là "phận" DN, người trồng điều còn khổ hơn. Tính bình quân trong 6 năm (2006 - 2011), 1 ha điều ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ thu nhập chỉ đạt 5,02 triệu đồng/năm, trừ chi phí người nông dân thu về chỉ được 1,39 triệu đồng/ha/năm, tương đương khoảng 100.000 đồng/tháng/ha. Vùng Đông Nam bộ thu nhập 14,02 triệu đồng/ha/năm, lãi thu về được 9,41 triệu đồng/ha/năm và thấp hơn rất nhiều so với các loại cây trồng thay thế khác. Thu nhập không đủ sống, nhiều nông dân đã phá bỏ cây điều để chuyển sang các loại cây khác.

Đáng nói là nhiều DN từng là “ông lớn” của ngành điều trước đây như Công ty vật tư tổng hợp Phú Yên, Nitagrex (Ninh Thuận) cũng đã trở thành đơn vị gia công chế biến cho các DN nước ngoài. “Cả ngành điều hiện nay có đến 30 - 35% số DN phải đi gia công cho nước ngoài. Điều đó cho thấy ngành điều càng ngày càng yếu đi”, đại diện một DN lâu năm trong ngành nói.

 

Nội bộ lủng củng

Không chỉ bấp bênh bên ngoài, nội bộ ngành điều cũng hết sức mất đoàn kết.  Suốt 10 năm nay VINACAS luôn xảy ra mâu thuẫn, bất hòa trong ban chấp hành và các hội viên. Chiếc ghế Chủ tịch của VINACAS nhiều lần phải đổi chủ giữa nhiệm kỳ vì những khiếu kiện của hội viên. Ngay cả đại hội gần đây nhất bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ mới của VINACAS cũng bị một số hội viên “tố” không hợp lệ. VINACAS “bình yên” khoảng 1 năm gần đây nhưng chỉ mới làm được nhiệm vụ thông tin giá cả chứ chưa tập hợp được DN, không dự báo được diễn biến thị trường và chưa điều tiết được giá xuất khẩu, hoàn toàn để nước ngoài thao túng, đặt giá mua bán theo ý của họ.

 

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.