Người không ngủ tiếp tục... thức

05/04/2011 23:58 GMT+7

Năm 2006, khi Thanh Niên đăng bài Người đàn ông 33 năm không ngủ, lúc đó ông Hai Ngọc (thôn Trung Hạ, xã Quế Trung, H.Nông Sơn, Quảng Nam) ở tuổi 64 và đã trải qua 11.700 ngày đêm không ngủ. Đến nay, con số này đã ngót nghét 13.900 ngày đêm và tiếp tục dài thêm...

Như chúng tôi từng thông tin, theo lời ông Hai Ngọc thì vào năm 1973, sau một lần sốt mê man, tự dưng ông không tài nào chợp mắt được. Vợ chồng ông lúc đầu lo lắng, đã áp dụng bao nhiêu biện pháp để tìm lại giấc ngủ, từ khám bệnh, rồi uống thuốc nam cho đến thuốc bổ, kể cả thuốc ngủ, ai mách gì làm nấy nhưng đêm đến ông vẫn không thể ngủ, dù chỉ vài phút ngắn ngủi.


Ông Hai Ngọc từ chối số tiền đủ giúp vợ chồng ông thoát khỏi cảnh mưa dột từ căn nhà phên nứa hiện tại - Ảnh: V.P.T 

Tuy bị mất ngủ, ông vẫn tỉnh táo, không thấy mệt mỏi căng thẳng gì mà cứ “khỏe phây phây”! Vào lúc gặp phóng viên năm 2006, ở tuổi 64 nhưng ngày nào ông cũng gánh 2 bao phân nặng hơn 50 kg trên đoạn đường 4 km để về nhà. Bây giờ, sức khỏe có giảm sút do tuổi tác, nhưng ông vẫn còn rất tinh anh.

Trắng đêm với những vị khách lạ

Cũng từ chuyện mất ngủ đã đem đến cho ông nhiều người quen mới. Một ngày không lâu sau khi Thanh Niên đăng bài, nhà ông Thái Ngọc tiếp một đoàn khách lạ gồm 5 người đàn ông ngoại quốc đến "chỉ xin được ở lại nhà với mục đích mục sở thị... kỳ nhân!". Theo giới thiệu, họ là người của một hãng truyền hình Thái Lan. Thông qua một người phiên dịch tên Bình, họ cho biết sau khi xem báo, thấy ông khá đặc biệt nên muốn xin ở lại một tuần để làm phim thực tế về căn bệnh mất ngủ của ông.

Năm 2010, báo Dân trí trích từ Xinhua cho biết ông Thái Ngọc là người VN duy nhất trong số 10 dị nhân có khả năng đặc biệt trên thế giới được các tạp chí nước ngoài bình chọn năm 2010.

Trước khi bắt đầu làm việc, họ kiểm tra xem trí nhớ của ông có bình thường không bằng cách: lần lượt chọn từng đồ vật nhỏ trong nhà và đánh số thứ tự từ 1 đến 9; sau đó cất hết và yêu cầu ông tìm lại những món đồ này cùng với việc đọc tên số thứ tự của nó. Thấy ông làm đúng phóc thì họ bắt đầu lấy dụng cụ tác nghiệp. “Chu choa, họ bắc camera quanh và trong nhà, phải đến hơn 10 cái lận”, bà Nguyễn Thị Bảy, vợ ông Hai kể.

Những người khách không ở cùng trong nhà ông mà dựng lều ở khoảng vườn bên cạnh ao cá, cách nhà chừng 30m. Hằng ngày, họ ăn uống, sinh hoạt chung với gia đình. Hình ảnh từ các camera được dẫn đến một màn hình lớn trong lều và ở đó luôn có người giám sát nhất cử nhất động của ông Hai Ngọc 24/24 giờ.

Đối với ông Hai, sự xuất hiện của những vị khách chẳng những không ảnh hưởng gì đến cuộc sống mà ông còn thấy vui hơn bởi có người thức cùng! Đêm, ông nấu nước sôi để đổ quanh lều của những người này vì sợ kiến cắn họ. Có đêm ông nấu rượu, họ cũng vô nhà xem. Mẻ rượu đầu tiên vừa ra lò, ông mời mấy người uống.

Sau nhiều đêm giám sát ông thức trắng, những người khách yêu cầu ông vào giường nằm để họ đặt máy... ru ngủ. Theo lời ông Hai Ngọc thì cái máy này bằng khoảng bàn tay, phát ra tiếng rùng rùng đều đều mà nếu một người bình thường chỉ cần nằm và nghe khoảng một lúc là đã say giấc. Nhưng với ông vẫn không “xi-nhê” gì.

Đêm là vậy, còn ngày ông vẫn vác cuốc ra đồng làm cỏ, chăm lúa, nuôi cá, cho gà ăn dưới sự giám sát của những người ngoại quốc. Ròng rã một tuần liền ăn ngủ dã chiến, đoàn Thái Lan cũng phải "chào thua". Trước khi về nước, những người này đề nghị ông đi qua Thái Lan để chữa bệnh, mọi chi phí họ sẽ lo chu tất, nhưng ông từ chối. “Tui quen với cuộc sống này rồi, với lại nhờ không ngủ mà tui làm nhiều việc cho gia đình. Bây giờ mà đi những 18 tháng thì ai ở nhà với bả”, ông Hai Ngọc vừa phân trần vừa hướng mắt nhìn bà Bảy đang lụi cụi nấu cám heo dưới bếp.

Từ chối ước mơ một ngôi nhà

Sau đoàn Thái Lan vài tháng là đến một đoàn làm phim của Anh. Như các đồng nghiệp trước, họ cũng thức cùng ông và sau nhiều ngày, họ đưa ông xuống khám bệnh, đo điện não đồ tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Kết quả khám mà ông cho chúng tôi xem, cho biết ông bị giảm lưu lượng tuần hoàn qua não do cường độ tống máu lên não bên trái giảm ở cả 2 hệ động mạch cảnh và đốt sống, sự biến đổi điện trở xảy ra chậm ở hệ động mạch đốt sống; bất đối xứng giữa hai bán cầu - đặc biệt ở hệ động mạch đốt sống. “Tui cũng không hiểu kết luận như vậy có phải là nguyên nhân căn bệnh của mình không nữa”, ông Hai băn khoăn.

Khi đoàn Anh trở về, nhà ông tiếp tục đón một đoàn làm phim của Úc. Khác với những đoàn trước, họ đề nghị sẽ trả ông 30 triệu đồng với điều kiện kể từ lúc đó ông không được phép tiếp người lạ hay phóng viên, đoàn làm phim nào khác. 30 triệu đồng cách đây hơn 3 năm quả là một số tiền lớn với người nông dân nghèo miền sơn cước, mà giá trị trước mắt là ông có thể xây được căn nhà gạch đàng hoàng thay cho căn nhà đang ở lợp bằng phên, nứa, tôn rách... Nhưng, sau thoáng tần ngần, lão nông chân chất này đã quyết định từ chối vì lý do: “Tính tui muốn tự do, thích nói chuyện với mọi người. Vả lại, trước giờ có nhiều nhà báo, nhiều người từ xa lặn lội đến nhà tui chơi hỏi chuyện, chừ mà đồng ý theo lời đoàn Úc thì những người đến sau này gặp tui, họ phải ra về không. Như vậy thì tui áy náy và thấy tội họ quá!”. Nhắc đến đây, bà Bảy có phần ngậm ngùi tiếc nuối liền bị ông Hai Ngọc gạt phăng.

Tính đến thời điểm hiện tại, ông Hai Ngọc đã tiếp hàng chục đoàn làm phim và phóng viên trong và ngoài nước như Thái Lan, Anh, Úc, Mỹ, Hàn Quốc... Dù vậy, ông chỉ biết thông tin báo chí nói về ông qua... hàng xóm, hoặc mấy đứa cháu xem rồi đọc và kể lại, chứ ông chưa tận mắt xem những thông tin viết về mình. Rồi ông mừng rỡ khoe rằng khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, không biết do tuổi già hay nhờ uống thuốc bổ do lần đi khám gan ở Đà Nẵng về mà thỉnh thoảng sau khi uống vài ly rượu, ông “liu riu” mắt được gần nửa tiếng. Với lão nông ngót nghét 70 mùa xuân và gần 40 năm đêm trắng này, như thế đã là quá đủ!

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.