"Người lạ", cảm nhận lạ

09/04/2012 03:11 GMT+7

Khán giả nán lại cả tiếng sau vở diễn Người lạ tại Sân khấu Black Box, Hà Nội, tối 7.4, để chia sẻ… nỗi hoang mang với đạo diễn người Anh - Robert Hale. Ông dường như bị loại khỏi vở diễn.

Khán giả nán lại cả tiếng sau vở diễn Người lạ tại Sân khấu Black Box, Hà Nội, tối 7.4, để chia sẻ… nỗi hoang mang với đạo diễn người Anh - Robert Hale. Ông dường như bị loại khỏi vở diễn.

“Với sân khấu truyền thống, đạo diễn chỉ đạo diễn viên cụ thể đến mức họ gần như một con rối - vị đạo diễn người Anh nói - nhưng với Người lạ, loại hình sân khấu không kịch bản, dễ có cảm giác đạo diễn bị xóa sổ. Đạo diễn không thể biết trước diễn viên sẽ làm gì trên sân khấu. Đây là loại hình thách thức vai trò của đạo diễn nhất”.

Với vở diễn thuộc sân khấu không kịch bản, vai trò của đạo diễn chỉ như người hướng đạo. Ông đưa ra câu hỏi để diễn viên có hướng tự sáng tác tiết mục, khuyến khích họ sáng tạo hơn trong vở diễn. Còn dựa trên chủ đề đêm diễn, các diễn viên ngẫu hứng sử dụng kỹ năng thị giác và hình thể để đối đáp bạn diễn. Họ tùy ý hành xử như trong đời thực.

Chính vì thế, tuy cùng chủ đề là hệ quả của những khuôn mẫu nam tính và nữ tính, ba đêm diễn Người lạ lại luôn khác biệt. “Đêm diễn thứ hai, diễn viên vào vai hai nhân vật yêu nhau từ bé. Họ sử dụng rất nhiều thoại nên câu chuyện dễ hiểu vô cùng. Còn đêm thứ ba, diễn viên là cặp đôi chênh lệch tuổi. Họ hầu như không nói. Bù lại, câu chuyện lại gợi tưởng tượng hơn”, một khán giả cho biết.

 
Một cảnh diễn bằng bóng trong vở Người lạ - Ảnh: Minh Quân

 
Bảo Khiêm, Phan Ý Ly, Robert Hale trong buổi giao lưu sau vở diễn - Ảnh: Trinh Nguyễn

“Tôi diễn điều mình nghĩ khi nhìn thấy điều bạn diễn làm - diễn viên kiêm đạo diễn đồng nhiệm Phan Ý Ly cho biết. Khán giả sẽ hiểu thông điệp theo cách họ hiểu về cuộc sống. Như trong đời thường vậy”.

Chẳng hạn, khi Phan Ý Ly vào vai người mẹ mắng con trai vì đánh bạn gái cùng lớp. Chỉ nghe “con đáng đánh bao nhiêu roi”, nhiều khán giả nghĩ đến một cậu bé mẫu giáo đang được mẹ dạy về ứng xử giới tính. Nhìn dáng cúi lưng chịu ăn roi của cậu con trai (Bảo Khiêm đóng), người nghĩ đến chuyện đánh vợ, người nghĩ đến chuyện đàn ông Việt có thực sự ga lăng. Rõ ràng, khán giả được tư duy đa chiều hơn trong cảm nhận vở diễn.

Điều thú vị là dù không sắp đặt mâu thuẫn, cao trào, thắt mở nút như trong các kịch bản truyền thống, khán giả vẫn cảm nhận được kịch tính của vở diễn. Một khảo sát tại chỗ do Phan Ý Ly thực hiện cho thấy, khán giả thậm chí còn cảm nhận được nhiều mâu thuẫn trong vở. Họ cũng cảm nhận được cái kết của vở cho dù vở diễn kết thúc tùy hứng diễn viên.

Nhưng chính cách ngẫu hứng này đòi hỏi các nghệ sĩ kỹ năng “phủ kín” sân khấu thuần thục, cách thể hiện câu chuyện thật sinh động. Cú vò vạt áo lúng túng, những bước đi dằn nhịp cáu kỉnh, vẻ mặt câng câng khi lên giọng thách đố... được cả Ý Ly và Bảo Khiêm diễn xuất rất tốt. Đến mức, khán giả thậm chí còn không tin nổi vở kịch là do họ ngẫu hứng tạo ra.

Có lẽ do loại hình quá mới của sân khấu không kịch bản, nên một nhà nghiên cứu nghệ thuật cho rằng Người lạ nên ngắn lại để dễ tiếp thu hơn. Dù vậy, phần lớn khán giả trẻ lại thấy dễ chịu khi họ đến kín đặc phòng biểu diễn của Black Box.

Sau khi ra mắt tại Hà Nội, các nghệ sĩ sẽ tiếp tục phát triển vở diễn để có thể mang đến nhiều nơi, giúp công chúng tiếp cận rộng rãi hơn với loại hình sân khấu mới mẻ này.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.