(TNO) Nếu mỗi người làm nghề không tự đào tạo, tự phát triển, tự thay đổi thì sẽ khó thích nghi với môi trường mới. Thay vì hốt hoảng trước thay đổi, những người làm báo nên tự tìm cho mình con đường đi, và trang bị cho mình bộ kỹ năng cần thiết để có những trải nghiệm khác biệt so với những cách làm của quá khứ.
Thanh Niên ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật làm báo mới nhất để bạn đọc có thể tiếp cận nội dung trên nhiều phương tiện khác nhau trong thời đại kỹ thuật số - Ảnh: TNM
|
Nghề nghiệp nào cũng có những tiêu chuẩn hành nghề nhất định, gọi là “code of conduct”. Người làm báo xưa nay vẫn theo những tiêu chuẩn của nghề nghiệp, như trong mỗi bài viết đều đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng, đa chiều.
Cùng với sự thay đổi lớn lao và nhanh chóng của công nghệ, báo chí nói chung và những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói riêng đang trải qua những sự thử thách khắc nghiệt để có thể tồn tại tử tế với nghề. Tử tế theo cách là lương tâm ta đồng ý rằng đó là tử tế, và đủ để sống tử tế, tức là thu nhập chính để nuôi sống ta đến từ viết báo.
Thử thách thì thời nào cũng có, nhưng có thể nói chưa bao giờ thử thách lại dồn dập và liên tục thay đổi như thời đại công nghệ này. Thử thách đến từ thói quen tiếp nhận tin tức đã thay đổi, mô hình hoạt động kinh doanh cũ đã thất bại, trong khi chưa có mô hình chứng minh được giá trị bền vững và đem lại lợi nhuận thay thế, đạo đức báo chí luôn bị đặt dấu hỏi, và bản thân những người làm báo cũng luôn rơi vào tình trạng không biết những giá trị mà họ từng tôn thờ này còn hợp thời hay không.
Những người làm báo ở những nước phát triển đang chứng kiến những sự đào thải dữ dội. Các tòa soạn lớn trên thế giới đều cắt giảm nhân sự, đóng cửa văn phòng nước ngoài, trả những đồng nhuận bút bèo bọt cho các cây bút tự do sẵn sàng lao vào những điểm nóng, hay sử dụng các robot để viết bài.
Những chiếc máy in báo hiếm hoi ngày xưa – công cụ sản xuất mà ai sở hữu cũng đủ biến họ thành những ông chủ đầy quyền lực, nay không còn nhiều giá trị nữa. Công cụ xuất bản đã nằm trong tay tất cả mọi người, với giá rẻ hơn nhiều nhưng sức mạnh không hề thua kém.
“Thế hệ Millennials”
Những người chủ mới của thông tin truyền thông là “thế hệ Millennials”, những người sinh trong quãng thời gian từ 1980 đến 1993. Họ dễ tiếp cận với công nghệ để tạo ra sản phẩm báo chí kỹ thuật số.
Một mình cô gái 23 tuổi Elise Andrew đã tự biến mình trở thành “thương hiệu báo chí” (self made brand in journalism) đầu tiên trên thế giới với trang web IFLS, chuyên đăng tải những tin tức về khoa học dành cho số đông rất dễ hiểu, dưới góc nhìn ngộ nghĩnh, không hàn lâm.
Ảnh chụp màn hình giao diện trang IFLS của Elise Andrew
|
Sau khi ra đời năm 2012, IFLS đã có gần 21 triệu likes trên Facebook, trong khi tờ báo được xem là uy tín và nhiều ảnh hưởng nhất thế giới như New York Times cũng phải ghen tị khi mới chỉ có 9,5 triệu likes trên Facebook.
Đế chế của cô nàng này đã mở rộng từ một website, sang một chương trình truyền hình trên kênh Science Channel. Với khả năng tiếp cận được khán giả khắp thế giới, IFLS vẫn đưa thông tin khoa học, nhưng trình bày khác hơn, dễ nuốt hơn với bạn đọc.
Trường hợp khác, đó là mô hình Buzzfeed được xem là “tổ chức tin tức quan trọng nhất trên thế giới”. Có thể hơi quá lời, nhưng quả là không có nhiều tổ chức tin tức mới trên thế giới thu hút được sự quan tâm và cả ghen tị như BuzzFeed.
BuzzFeed ra đời năm 2006, là thế hệ trang web tin tức thứ 2 sau Huffington Post nhưng đã tìm được một mô hình kinh doanh cho phép họ có được “sự độc lập báo chí thực sự”. Đó là gì? "Nội dung được tài trợ" - sponsored content - do BuzzFeed kết hợp với nhà quảng cáo để cho ra sản phẩm mang tính quảng cáo, và có ghi cụ thể danh tính của bên tài trợ. Và thành công đã đến khi trong năm 2014, doanh thu của BuzzFeed là hơn 100 triệu đô la Mỹ.
Ban đầu, BuzzFeed thiên về listicles (list+article), là những dạng bài danh sách (kiểu “10 chú chó dễ thương nhất thế giới”, hay “9 con mèo khùng nhất thế giới”), các hình ảnh động GIF hài hước, tiêu đề thu hút người xem. Nhưng sau đó để có thể tồn tại tốt, họ thuê thêm người để đăng tải tin tức về người nổi tiếng, văn hóa pop, hay chính trị, rồi sau đó là đội tin nóng, và đến tin quốc tế.
Ảnh chụp màn hình giao diện BuzzFeed
|
Giờ đây, phóng viên và biên tập viên của họ có mặt khắp nơi trên thế giới. Rồi sau đó họ có 1 đội điều tra riêng do những tên tuổi lớn điều hành. Bạn đọc của họ không vào trực tiếp trang web, mà được tiếp cận từ các nguồn khác nhau trên mạng xã hội.
Báo chí sẽ phải thay hình đổi dạng
Những người làm báo ở những nước kém phát triển hơn, được bao cấp, cũng chứng kiến sự đào thải nhưng theo một mức độ nhẹ nhàng hơn, từ từ hơn, và âm thầm hơn. Nhưng sự ầm thầm đó giống như sự oi nồng trước cơn giông, hay biển lặng một cách đáng ngờ trước khi nổi lên bão tố.
Ở Việt Nam đang chứng kiến rất nhiều người làm báo, được đào tạo về báo chí, dần dần từ bỏ công việc này, chuyển sang các công việc khác như PR, truyền thông, tiếp thị, quảng cáo, nghiên cứu, những lĩnh vực ít nhiều có những sự giao thoa với báo chí.
Lấp vào chỗ trống đó là thế hệ trẻ đầy hăm hở và nhiệt huyết, ít nhiều vẫn có niềm tin với nghề nhưng thiếu kinh nghiệm và thật đáng tiếc là họ không có một thế hệ đi trước có tâm huyết để hướng dẫn họ vào nghề một cách đàng hoàng, hay ít ra là những tấm gương làm nghề mà họ có thể nhìn vào để noi theo.
Cùng lúc đó là sự nổi lên của một số trang tin sử dụng nền tảng công nghệ nhanh chóng và liên tục thay đổi cách làm để tìm ra giải pháp tối ưu.
Dù họ có sẵn nền tảng công nghệ, nhưng thách thức lớn nhất với những tổ chức báo chí và người làm báo luôn là những bài viết nguyên bản ("original writing" và "original reporting") thông qua các hoạt động phỏng vấn, đến hiện trường, tự nghiên cứu, chứ không phải copy từ nơi khác.
Giải pháp copy tràn lan hiện nay sẽ không thể tạo ra một môi trường làm nghề sáng sủa, vì giá trị lao động thực sự và vất vả nhất không được trả về đúng cho người đáng được nhận.
Bạn đọc Thanh Niên đang trải nghiệm tính năng TNSnap để xem clip trên báo in - Ảnh: TNM
|
Và khi nói đến những tờ báo đã chết, đang chết và sắp chết. Có buồn không? Không, có gì mà buồn! Cuộc sống là cuộc đấu tranh sinh tồn, sự đào thải tự nhiên mà mỗi cá nhân, tổ chức đều phải trải qua nếu muốn tồn tại. Báo chí sẽ phải thay hình đổi dạng để phù hợp với nhu cầu của công chúng. Ai không vận động để tiến bộ thì đương nhiên là bị đào thải và phải nhường chỗ cho những thế lực khác.
Báo chí thế kỷ XXI sẽ mang hình hài thế nào? Trong cuốn Beyond News – The Future of Journalism (Hơn cả tin tức – Tương lai của Báo chí), tác giả Mitchell Stephens viết rằng: “Sau hơn 1,5 thế kỷ bán những tin tức mới nhất, đã đến lúc các nhà báo cần phải bán một thứ gì khác.”
Đó có còn là “Ai, cái gì, ở đâu, khi nào” nữa không hay là sự trở lại của báo chí diễn giải, phân tích, giải nghĩa? Kết hợp với đó là công nghệ sao cho những thông tin đó phải được làm nhanh, dễ hiểu, như cách mà NowThis – một công ty khởi nghiệp công nghệ chuyên làm các video ngắn để phát trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat, Kik, Twitter và Vine đang làm.
Thật phấn khích khi chúng ta có thể chứng kiến sự vận động và giao thoa nhanh chóng như vậy. Và chẳng ai ngăn cản chúng ta tham gia vào quá trình đó.
Bình luận (0)