Gần 20 năm trước, máy vi tính dần xuất hiện phổ biến hơn ở Việt Nam. Lúc bấy giờ, chẳng ai mà không trầm trồ khi lần đầu nhìn thấy các hình ảnh đồ họa mô hình độc đáo được thể hiện trên máy vi tính. Dù hình ảnh khá đơn giản, đôi khi chỉ là những khối lập phương, hình cầu, các mạng lưới cấu trúc tinh thể..., nhưng với kỹ thuật đồ họa phản chiếu và tô bóng đa chiều, chúng trở nên hấp dẫn, bắt mắt, sinh động hơn.
Tiếc thay, ít ai biết rằng người tạo ra nền móng cho kỹ thuật đồ họa phản chiếu và tô bóng đa chiều chính là một người Việt Nam - tiến sĩ Bùi Tường Phong.
|
Một tài năng đoản mệnh
Ông Bùi Tường Phong chính thức công bố kỹ thuật trong luận văn tiến sĩ vào năm 1973 tại Đại học Utah nổi tiếng của nước Mỹ. Hiểu một cách đơn giản, kỹ thuật này giúp thể hiện rõ mức độ phản xạ phản chiếu ánh sáng trên một mô hình đồ họa. Nhờ đó, các mô hình thiết kế thể hiện chính xác hơn các góc độ đa chiều. Trong luận văn tiến sĩ của mình, ông Bùi Tường Phong đã phát triển kỹ thuật trên bằng một thuật toán hoàn chỉnh để đảm bảo tính chính xác.
|
Vì thế, kỹ thuật này trở thành một cuộc cách mạng trong ngành đồ họa máy tính, giúp tạo ra những bản thiết kế mô hình đa chiều sắc nét, sinh động. Kể từ đây, ngành đồ họa máy tính thế giới bắt đầu biết đến kỹ thuật mang tên Mô hình phản xạ Phong (Phong reflection model), Phương pháp nội suy Phong (Phong interpolation), Phương pháp tô bóng Phong (Phong shading).
Trong suốt gần 40 năm qua, kỹ thuật này đóng vai trò nền tảng cơ sở cho ngành đồ họa máy tính của thế giới. Xa hơn, kỹ thuật đồ họa phản chiếu và tô bóng đa chiều góp phần to lớn trong sự phát triển công nghệ đồ họa 3D như ngày nay.
Chính vì thế, Đại học Utah vinh danh tiến sĩ Bùi Tường Phong là một trong những nhân vật quan trọng nhất đối với lịch sử hình thành và phát triển ngành công nghệ máy tính của trường này.
Tiếc thay, tiến sĩ Phong lại ra đi quá sớm khi mới ở tuổi 33, giai đoạn mở đầu cho sự thăng hoa của một nhân tài. Tuy nhiên, dẫu tiến sĩ Bùi Tường Phong không còn nữa thì những đóng góp của ông đối với thế giới vẫn sẽ luôn là niềm tự hào của người Việt Nam.
Bùi Tường Phong sinh ngày 14.12.1942 tại Hà Nội. Sau đó, ông học Trường trung học Albert Sarraut, nay là Trường THPT Trần Phú - Q.Hoàn Kiếm. Ngôi trường này cũng là nơi ươm mầm của nhiều nhân vật nổi tiếng như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng bí thư Trường Chinh, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn... Năm 1954, ông Phong theo gia đình vào sống tại Sài Gòn. Sau đó đúng 10 năm, ông sang Pháp và theo học tại Viện Đại học quốc gia bách khoa Grenoble. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học tại Grenoble, ông Phong tiếp tục theo học tại Trường ENSEEIHT chuyên về kỹ thuật công nghệ. Năm 1971, ông Bùi Tường Phong chuyển sang nghiên cứu về ngành khoa học máy tính tại ĐH Utah, Mỹ. Hai năm sau, ông nhận học vị tiến sĩ tại ĐH Utah. Năm 1975, ông trở thành giáo sư của Đại học Stanford lừng danh. Tiếc thay, cũng trong năm này, ông qua đời vì bệnh ung thư bạch cầu. Về đời sống cá nhân, ông lập gia đình vào năm 1969 tại Pháp và có một con gái. |
Mô hình “con bọ”
Trên chuyên san khoa học của ĐH Utah năm 2003, TS Robert McDermott đã tóm lược lại dự án thử nghiệm xử lý đồ họa đa chiều đầu tiên mà tiến sĩ Bùi Tường Phong thuộc nhóm thành viên then chốt. Vào năm 1972, nhóm các nhà nghiên cứu của ĐH Utah bắt đầu thử nghiệm mô phỏng một vật thể bằng đồ họa máy tính. Khi đó, dòng xe Volkswagen Beetle (biệt danh: con bọ) đang là biểu tượng thời trang và vợ của một thành viên trong nhóm cũng sở hữu một chiếc. Vì thế, cả nhóm bắt đầu chụp hình, đo đạc và tính toán để dựng hình hoàn chỉnh chiếc xe trên máy tính. Trước đó, các xe hơi hầu như chỉ được thiết kế trên giấy hoặc thông qua các mô hình thực tế bằng những vật liệu rắn. Sau nhiều tuần nỗ lực, cả nhóm đã hoàn thiện bản thiết kế mô hình điện toán đầu tiên cho chiếc xe “con bọ”. Dự án này góp phần quan trọng trong việc tiến sĩ Bùi Tường Phong phát triển thành công kỹ thuật đồ họa phản chiếu và tô bóng đa chiều. |
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)