Người làm kèn tây làng Phạm Pháo

Cù Hiền
Cù Hiền
20/01/2023 07:00 GMT+7

Làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, H.Hải Hậu, tỉnh Nam Định) từ lâu đã nức tiếng cả nước với nghề làm kèn đồng (kèn tây). Đây hiện là làng nghề chuyên sản xuất và sửa chữa kèn đồng duy nhất trên cả nước.

Người dân nơi đây biết đến chiếc kèn tây từ đầu thế kỷ 16, khi đạo Công giáo bắt đầu được du nhập. Đến năm 1908, giáo phận địa phương xây dựng ngôi Thánh đường Phạm Pháo và khi đó, làng đã có đội kèn tây phục vụ nghi lễ trong thánh đường. Đến nay, các đội kèn tây nơi này được duy trì, không chỉ phục vụ trong giáo lễ mà còn trở thành món ăn tinh thần hòa vào từng nếp nhà, người dân.

Kèn tây du nhập làng Phạm Pháo từ lâu là vậy, nhưng phải đến những năm 1950 thì cụ Nguyễn Văn Biên, thân sinh nghệ nhân Nguyễn Văn Cường, mới bắt đầu đặt nền móng cho nghề sửa chữa kèn. Vì yêu những âm thanh vang dội, hào hùng, lúc trầm ấm, lúc êm dịu nên từ nhỏ, ông Cường đã vừa học theo nghề của cha, đồng thời tự mày mò “vọc” kèn. Khi chính thức tiếp quản xưởng kèn của cụ Biên để lại, ông Cường không chỉ sửa mà còn tự chế tác kèn để xuất bán đi khắp nơi. Hiện ông nằm trong số hiếm hoi những nghệ nhân chế tác, sửa chữa kèn tây có tiếng tại Việt Nam.

Nghệ nhân kèn tây có 1-0-2 ở Việt Nam: Bán kèn tiền triệu, sửa chỉ lấy vài chục ngàn

Vừa có một nghề duy trì nguồn thu nhập, ông Cường còn được thả hồn mình vào những đam mê

Cù Hiền

Điều đặc biệt của nghề làm kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết công đoạn đều được thực hiện thủ công. Những ống đồng được cán phẳng, gò tay thành một chiếc kèn và chỉ sử dụng máy uốn tự chế, máy tiện cho các chi tiết và công đoạn khó. Hồi trước, khi nguyên vật liệu còn khan hiếm, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường tỉ mẩn lấy đồng từ vỏ đạn, mâm đồng, dùng búa gò nhiều ngày đêm mới hình thành chiếc loa kèn, rất công phu.

Thông thường mỗi chiếc kèn tây có từ 180 - 250 chi tiết, trong đó có những bộ phận rất nhỏ và cầu kỳ. Nhờ đam mê, tâm huyết và không ngừng tự mày mò, nghiên cứu đến từng ngóc ngách nên sau bao năm, ông Cường không chỉ sửa được tất cả các loại kèn tây mà trong xưởng của ông còn có 15 loại kèn khác có thể tự chế tác.

“Mọi chi tiết bắt buộc phải kín thì kèn mới có thể kêu được. Và đây cũng là yếu tố quan trọng nhất của một bộ phím trên chiếc kèn. Còn đối với những loại kèn khác như saxophone, bass, trombone, hay các loại kèn dăm thì yêu cầu làm thật kín, thật kỹ các tăm bông, phải đậy kín, phẳng là sẽ kêu”, ông nói.

Mỗi năm, xưởng sản xuất của gia đình ông Cường chế tác được 10 - 20 cây kèn, sửa thì ông không nhớ hết vì khách hàng trên cả nước đều tìm về đây. Một số loại kèn thường xuyên được khách đặt hàng là: clarinet, saxophone, trumpet, alto saxophone, trombone, baritone, bass, tubas… Giá sửa kèn từ 50.000 - 70.000 đồng/cây còn giá bán dao động từ 100.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy theo loại kèn. Đặc biệt, ông Cường cho hay từng làm những chiếc kèn theo yêu cầu đặt hàng riêng với giá lên tới 300 triệu đồng. Ông Cường càng tự hào khi hiện tại, cả làng Phạm Pháo này chỉ có duy nhất gia đình ông có 2 bằng nghệ nhân về kèn.

Những chiếc kèn tây dưới đôi bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Văn Cường không chỉ giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định, mà còn đi vào đời sống tinh thần hằng ngày của người dân làng Phạm Pháo. Bản thân ông và nhiều người trong làng cũng đều là những tay kèn thiện nghệ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.