Người làm nghề cũ hưng thịnh

21/03/2016 20:36 GMT+7

Bằng quyết tâm của mình, ông Đinh Văn Tỉnh (ngụ ở xã Tăng Tiến, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã vực dậy nghề mây tre đan xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Bằng quyết tâm của mình, ông Đinh Văn Tỉnh (ngụ ở xã Tăng Tiến, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã vực dậy nghề mây tre đan xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Ông Tỉnh hướng dẫn công nhân dệt mành tăm - Ảnh: Nam AnhÔng Tỉnh hướng dẫn công nhân dệt mành tăm - Ảnh: Nam Anh
Tại xã Tăng Tiến, nghề mây tre đan đã có từ lâu đời, ngay cả các cụ cao niên cũng không biết chính xác nghề này bắt đầu có từ khi nào. Một cách rất tự nhiên, mây tre đan tại Tăng Tiến trở thành nghề cha truyền con nối. Ban đầu, việc sản xuất mây tre đan ở đây còn manh mún, người dân coi đây chỉ là nghề phụ, đến năm 1986, ông Đinh Văn Tỉnh đi học hỏi cách làm sản phẩm mây tre tại các tỉnh bạn và cả ở nước ngoài, tìm ra biện pháp khắc phục những hạn chế trong quy trình sản xuất sản phẩm truyền thống này.
Theo ông Tỉnh, trước đây, hàng mây tre đan Tăng Tiến chủ yếu là rổ rá, thường tiêu thụ tại chợ truyền thống, mạnh ai nấy làm, không theo một quy chuẩn hay mục đích sử dụng rõ rang nào. “Điều này đã đặt ra một thách thức lớn trong việc hướng dẫn người dân đan mây tre theo một mẫu mã nhất định với những tiêu chuẩn khắt khe khi chuyển đổi sang làm hàng xuất khẩu. Yêu cầu làm một cái giá với đường kính 13 cm cả bì, người dân họ không biết làm thế nào để vòng cạp được 13 cm. Người thì rộng quá, người thì hẹp quá. Tôi đã mất 2 năm đi đến từng nhà một, hướng dẫn người dân tính nan theo công thức để khi đan lên, sản phẩm có kích thước đồng đều như nhau”, ông Tỉnh nhớ lại những ngày đầu gian nan “nâng cấp” tay nghề cho người dân làng nghề mình.
Để đảm bảo quá trình kinh doanh không bị gián đoạn, ông Tỉnh đã thành lập Hợp tác xã Mây tre đan, đồng thời, sản xuất nhiều loại sản phẩm khác, phòng khi hàng rổ rá có trục trặc. Trong 2 năm đào tạo dân chẻ tăm, mỗi ngày ông mất 5 - 10 triệu đồng bù lỗ do sản phẩm bị người dân làm hỏng. Tương tự, máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất ban đầu chưa đáp ứng được yêu cầu, ông Tỉnh đã phải đi nhiều nơi tìm kiếm người làm máy dệt mành, rồi trực tiếp nghiên cứu cách nhuộm màu cho sản phẩm.
Đầu những năm 2000, dân xã Tăng Tiến gặp phen lao đao, khó khăn, bởi thị trường mây tre đan ế ẩm. Hàng hóa làm ra không bán được, bị tồn đọng. Chỉ tính riêng gia đình ông Tỉnh bị thiệt hại gần 1.000 cây vàng. Có những thời khắc, nhiều hộ gia đình ở đây tưởng chừng phải bỏ nghề cũ của cha ông… Mãi tới năm 2015, sau một thời gian dài mày mò, công nghệ và tay nghề sản xuất mành tăm mới được hoàn thiện, sản phẩm được sự đón nhận của cả thị trường nội địa và nước ngoài. Hiện tại, công việc sản xuất ở Hợp tác xã Mây tre đan của ông Tỉnh làm không hết việc.
Tạo việc làm cho hơn 10.000 công nhân lúc cao điểm
Cơ sở sản xuất của ông Tỉnh không chỉ tạo công ăn việc làm cho những người dân trong làng, mà còn thu hút nhiều lao động ở các xã lân cận như xã Tân Mỹ, Hồng Thái của H.Việt Yên. Trong khoảng thời gian từ 2005 - 2010, cơ sở của ông tiếp nhận hơn 10.000 lao động, hầu hết là lao động phổ thông, không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định mà còn góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội tại địa phương.
Chị Trương Thị Khánh (44 tuổi), một lao động làm ở xưởng mây tre của gia đình ông Tỉnh đã 3 năm nay, chia sẻ: “Vào đây làm công việc nhàn, được dạy nghề một tháng đầu, bình quân mỗi ngày tôi dệt được từ 30 - 40 tấm mành, thu nhập khoảng hơn 4 triệu/tháng. Các ngày nghỉ lễ đều được thưởng. Đối với độ tuổi của tôi, có được công việc này là quá tốt”.
Theo ông Tỉnh, việc sản xuất mây tre đan xuất khẩu đã đem lại nguồn lợi rất lớn cho gia đình ông. Giai đoạn cao điểm, mỗi năm gia đình ông thu nhập 1 - 2 tỉ đồng. Hiện sản phẩm của gia đình ông Tỉnh đã có mặt tại nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản và sang cả châu Âu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.