Từ khi sang Pháp du học (1949), Trần Văn Khê phải đi làm thêm nhiều việc để cho tiền trang trải cho việc “dùi mài kinh sử”, trong đó có cả lồng tiếng và đóng phim.
Trần Văn Khê (đứng) trong vai cảnh sát trưởng, phim Ba chiếc thuyền trên dòng sông (1956) - Ảnh: tư liệu
|
Trần Văn Khê từng viết báo, đi hát hoặc đánh đàn ở các nhà hàng, dịch các văn kiện Pháp - Việt, ghi âm cho Hãng đĩa Oria (các ca khúc của Lê Thương, Phạm Duy, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hữu Ba, Thẩm Oánh...).
Ông cũng tham gia lồng tiếng các bộ phim của Hãng phim Kikoine, đến năm 1955 ông bắt đầu đóng phim quảng cáo cho các hãng rượu và xe hơi…
Khi điện ảnh mới du nhập vào VN (dân miền Nam lúc đó gọi coi phim là “coi xi nê”, nam diễn viên gọi là “tài tử”, nữ gọi là “minh tinh”), Trần Văn Khê đã ước mơ sau này mình sẽ là “tài tử xi nê”. Mãi đến năm 1956, Trần Văn Khê mới thỏa ước nguyện.
Bộ phim đầu tiên ông góp mặt là phim trinh thám của Pháp mang tên Ba chiếc thuyền trên dòng sông (La rivière des trois jonques). Ở phim này, Trần Văn Khê đóng hai vai (vai cảnh sát trưởng và vai người gốc Hoa chủ tiệm đồ cổ), bên cạnh hai diễn viên chính là Dominique Wims và Jean Gaven.
Tiếp đó, Hãng phim Arthur Rank của Anh khởi quay bộ phim Thành phố tựa như Alice (A town like Alice) phỏng theo tiểu thuyết của nhà văn Úc Neille Shute kể lại thời Thế chiến thứ 2, quân đội Nhật tiến chiếm các quốc gia vùng Thái Bình Dương, cai quản và hành hạ người dân bản xứ hết sức tàn ác. Ông đạo diễn từ Anh sang Pháp tìm diễn viên thích hợp cho vai viên đại úy Sugaya, một người tàn ác, tuổi trạc tứ tuần cai quản một trại giam tù binh. Hãng phim Pháp tiến cử Trần Văn Khê và đạo diễn liền mời Trần Văn Khê qua Anh để thử vai...
Vượt qua người Nhật để đóng vai người Nhật
Ông Khê kể: “Vừa bước xuống phi trường Luân Đôn, tôi đã nghe loa phóng thanh thông báo: “Yêu cầu diễn viên điện ảnh Trần Văn Khê đến văn phòng sân bay có đại diện hãng phim đón”.
Ở bên kia biển Manche, tôi là sinh viên Đại học Sorbonne, qua bên này tôi bỗng biến thành “diễn viên điện ảnh”. Tại phim trường có khoảng 30 người Nhật Bản đang ngồi chờ thử vai này. Tôi thấy khó hy vọng tranh vai với những người Nhật chính cống vì họ vừa rành tiếng Nhật vừa giỏi tiếng Anh. Cảnh quay chỉ diễn ra trong 5 phút, viên sĩ quan Nhật đi từ điểm A đến điểm B, xoay người đi tới điểm C, giận dữ nói vài câu với một người rồi bạt tai người đó, vậy là xong! Các điểm A, B, C được ghi sẵn dưới đất, tôi đi thử, từ điểm A đi tám bước chân đến điểm B, xoay người đi bảy bước đến điểm C. Mỗi khi diễn viên thử vai có một máy quay phim chạy dọc theo đường ray để thu hình.
Một số người Nhật khi thử vai hay nhìn xuống đất để canh chừng các điểm B, C, do đó họ đi không được tự nhiên, số khác thì bộ mặt căng thẳng không lộ được vẻ tức giận như yêu cầu. Đến lượt tôi, với bộ mặt hầm hầm sẵn sàng gây sự, từ điểm A tôi đi đúng 8 bước, xoay lại bước tiếp 7 bước, cau có nói mấy câu rồi bạt tai người đối diện. Đạo diễn bắt tay tôi khen ngợi… Ông này lại yêu cầu hô khẩu lệnh trong quân đội. Những ứng viên Nhật Bản không có ai từng ở trong quân đội nên chẳng biết hô làm sao. Riêng tôi, vì thời điểm quân đội Nhật chiếm đóng Đông Dương (1941) tôi đang học Trường Thuốc ở Hà Nội, mỗi sáng đi ngang qua trại lính Nhật đều nghe họ hô khẩu lệnh nghiêm “Kyô-Ske”. Đạo diễn chọn được 5 người rồi yêu cầu diễn cảnh viên đại úy ra lệnh: “Đem nón và gươm ra đây” để xử tội người dân. Bốn người kia nói câu này một cách bình thường, riêng tôi ra lệnh một cách hùng hổ, loại “giọng gan” trong ngữ khí hát tuồng nên một tuần sau hãng phim mời tôi sang Anh ký hợp đồng.
Tôi được ở khách sạn Kensington Palace sang trọng, mỗi ngày có xe đưa đón đi đóng phim. Tính tôi hiền lành, không quen đánh người. Vậy mà trong vai diễn này tôi lại phải đánh hết người này đến người khác. Đạo diễn lại yêu cầu đánh thật mạnh tay, không phải đánh một lần mà diễn đi diễn lại. Hai người đóng vai đại tá và đám lính tùy tùng (người châu Âu) bị tôi bạt tai nháo nhào. Đánh xong tôi còn thấy dấu tay của mình hằn trên mặt họ. Đại úy Sagaya chẳng những hung dữ với lính mà còn xô phụ nữ xuống bùn... Sau mỗi buổi diễn, tôi thường đến xin lỗi các bạn diễn.
Tôi đóng phim này trong 16 ngày, mỗi ngày được trả 30 bảng Anh (đã trừ thuế). Tính ra một ngày lương đóng phim ở Anh đủ cho tôi ăn gần 500 bữa cơm sinh viên ở Pháp. Mỗi ngày ngoài tiền lương theo hợp đồng, hãng phim còn cấp cho tôi 12 bảng tiền ăn nên rất dư dả... Sau khi đóng xong phim này, Hãng phim Rank đề nghị tôi qua nước Anh sống để tiếp tục đóng phim chuyên nghiệp. Tôi cười trả lời họ việc đóng phim chỉ là phương tiện kiếm sống, còn làm luận án tiến sĩ âm nhạc mới là mục đích của tôi. Đạo diễn hết sức ngạc nhiên, ông cứ ngỡ tôi là diễn viên chuyên nghiệp...”.
Cuối năm 1957, Hãng phim Rank lại điện thoại cho Trần Văn Khê thông báo sắp khởi quay một bộ phim lớn là Trên cầu sông Kwai (Le pont de la rivière Kwai), diễn viên nổi tiếng Humphrey Bogart đóng vai chính và hãng phim dành cho Khê đóng một vai người Nhật. Tuy nhiên, do Humphrey Bogart qua đời đột ngột, hãng phim phải chọn diễn viên William Holden thay thế và anh này đã chọn một người Nhật thứ thiệt trong ê kíp của mình vào vai dự định dành cho ông Khê. “Từ đó, tôi thoát ra khỏi nghệ thuật thứ bảy”. Ông tâm sự...
Bình luận (0)