Người làm thơ vượt lên số phận

03/07/2013 10:21 GMT+7

Sinh ra với bàn tay chân không lành lặn, chị Đinh Thị Hoàng Loan- nạn nhân của chất độc màu da cam (35 tuổi, ngụ P. Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã vượt qua nỗi đau về thể xác, cho ra đời nhiều tập thơ được nhà xuất bản Đồng Nai phát hành.

Sinh ra với bàn tay chân không lành lặn, chị Đinh Thị Hoàng Loan- nạn nhân của chất độc màu da cam (35 tuổi, ngụ P. Quang Vinh, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đã vượt qua nỗi đau về thể xác, cho ra đời nhiều tập thơ được nhà xuất bản Đồng Nai phát hành.

 Nạn nhân chất độc màu da cam
Chị Hoàng Loan với chiếc máy tính làm bạn hàng ngày - Ảnh: Lê Tâm

Mặc dù chưa một lần được cắp sách đến trường, ngay cả tiếng nói cũng rõ lời, nhưng ở bên trong mỗi vần thơ của chị Loan, chất chứa một nghị lực sống, một trí thông minh và tình cảm lay động lòng người. “Bàn chân cong cong ngón chân bé nhỏ/ Mắt mẹ buồn theo năm tháng thời gian/ Những vết nhăn hằn sau trên trán bố/ Miệng thì cười mà nước mắt ngược vào tim/ Bàn chân cong cong ngón chân bé nhỏ/ Mơ ước được một lần cắp sách đến trường/ Được tha thướt tung tăng ca hát/ Cùng bạn bè chạy đuổi dưới hàng cây/ Nhưng mơ ước vẫn chỉ là mơ ước/ Chiến tranh thì còn mãi trong tôi”... (Trích trong bài thơ Bàn chân của tôi).

Khát vọng tuổi thơ

Ông Đinh Phương (cha của chị Loan, một cựu chiến binh vùng chiến khu D) cho biết, do bị di chứng của chất độc màu da cam nên vợ chồng ông đã nhiều lần sinh con nhưng không thành. Cho đến khi Hoàng Loan ra đời, lúc đầu rất yếu ớt. Mặc dù rất cố gắng lo thuốc thang cho con nhưng Hoàng Lan không tránh được tật nguyền. Cho đến khi ông bà Phương sinh tiếp một người con nữa là chị Đinh Thị Kim Phụng, thì được lành lặn bình thường. Sau này, chị Phụng là người dạy chữ, chăm lo cho chị Loan. Chị Phụng tâm sự, lúc còn nhỏ, chị Loan hay để ý chị Phụng học bài rất chăm chú. Sau nhiều lần để ý, chị Phụng bắt đầu dạy chữ chị Loan cho đến khi chị Loan đọc được sách và làm những phép tính đơn giản.

Bà Hoàng Thị Xuân (mẹ của chị Loan) kể lại, khi chị Loan được 14 tuổi đã yêu thích làm thơ. Bà Xuân và mọi người trong gia đình đã bất ngờ, khi phát hiện ra quyển vở dày đặc những chữ viết in sâu vào trang giấy do Hoàng Loan viết. Những con chữ không mềm mại, ngay hàng thẳng lối và sai chính tả nhiều. Thế nhưng để có được, Hoàng Loan đã âm thầm khổ luyện trong đớn đau hơn hai năm ròng rã. “Đôi chân con bị tật nguyền đi đứng không được, bàn tay thì cử động rất khó khăn, không tự chăm sóc được cho bản thân nên gia đình chẳng dám cho đi học. Được đứa em dạy cho biết chữ là mừng lắm rồi” - bà Xuân tâm sự.

 Bước ngoặt

Năm 2010, Hội nạn nhân chất độc da cam (HNNCDDC) tỉnh Đồng Nai đến thăm chị Loan nhân dịp Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam (10.8). Khi đó, Hoàng Loan đã nhờ mẹ đọc bài thơ “Bàn chân của tôi” cho các anh chị trong đoàn cùng nghe. Sau khi đọc xong, mọi người trong đoàn ai cũng rưng rưng nước mắt. Trong đó có bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh- nguyên Phó Chủ tịch thường trực HNNCĐDC tỉnh Đồng Nai. Bà Hạnh, cho biết: “Tôi thấy con bé này giỏi, sống mạnh mẽ, làm thơ hay phải giúp đỡ nó, nếu nó viết được thì cũng có thể sử dụng máy vi tính được thế là tôi xin nhà hảo tâm tặng cho Hoàng Loan một cái máy vi tính để học đánh chữ”. Sau khi có máy vi tính, chị Loan được anh Bùi Văn Hoạt (hiện đang công tác tại Công an huyện Long Thành, Đồng Nai) tình nguyện dạy học miễn phí. Chỉ trong vòng hơn một tháng chị Loan đã sử dụng thành thạo máy tính để làm thơ và truy cập internet.

Đến nay, chị Loan đã làm được tổng cộng gần 200 bài thơ. Trong đó, năm 2011 chị Loan cho ra đời tập thơ đầu tiên mang tên “Cảm ơn cuộc đời” do NXB Đồng Nai ấn hành, gồm 99 bài thơ. Đến tháng 6.2013, tập thơ “Xe lăn khát vọng” với 100 bài, tiếp tục được xuất bản. Không những thế chị Loan còn có nhiều bài thơ in chung trong tập thơ “Trái tim hồng”. Hiện với nick-name “Xe lăn vui vẻ” trên Facebook, chị Loan còn làm quản trị cho diễn đàn Trái tim hồng của những người khuyết tật.

Lê Lâm

>> Công an bị tố đánh gãy chân một người khuyết tật
>> Khởi động dự án 58.000 USD chuyên chở người khuyết tật
>> Kinh hoàng vụ một phụ nữ khuyết tật bị giam cầm chung với thú vật
>> Cấm chuyển giới nếu khuyết tật giới tính do tâm lý
>> Video: Nghệ sĩ khuyết tật một tay chơi hai nhạc cụ cùng lúc
>> Học sinh khuyết tật được hỗ trợ tiền ăn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.