Cấp xã được quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Hôm qua, với 81,78% số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với người lao động (NLĐ) sau một năm nghỉ việc.
Một buổi đối thoại vào tháng 3.2015 giữa công nhân với cơ quan chức năng, đề nghị được hưởng BHXH một lần - Ảnh: Hải Nam
|
Theo đó, kể từ 1.1.2016, NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của luật BHXH (năm 2014). Trường hợp NLĐ tham gia bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng mà chưa đủ 20 năm khi có yêu cầu thì được nhận một lần.
Mức hưởng một lần đối với người tham gia bắt buộc được tính theo số năm đã đóng, cứ mỗi năm được tính: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng cho những năm đóng trước 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng cho những năm đóng từ 2014 trở đi. Đối với người tham gia tự nguyện, cứ mỗi năm đóng được tính: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng cho những năm trước 2014; 2 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng cho những năm đóng từ 2014 trở về sau.
Cùng ngày, QH đã thông qua luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) với 88,87% tổng số ĐB có mặt tán thành. Theo luật, HĐND cấp huyện, xã có thẩm quyền ban hành nghị quyết; UBND cấp huyện, xã có thẩm quyền ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình về dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết việc giao cho chính quyền cấp huyện, xã thẩm quyền ban hành VBQPPL là cần thiết. Quy định này nhằm bảo đảm các cấp chính quyền này thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuy nhiên, để khắc phục những hạn chế, bất cập như thời gian qua, luật quy định rõ hơn căn cứ ban hành, phạm vi, thẩm quyền và hình thức văn bản.
Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành VBQPPL, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm theo hướng: QH, HĐND và cơ quan khác, người có thẩm quyền ban hành VBQPPL chịu trách nhiệm về chất lượng văn bản do mình ban hành.
Cần cụ thể hóa thông tin không được thống kê
Thảo luận ở hội trường về dự án luật Thống kê (sửa đổi) chiều qua (22.6), ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng quy định về các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê, các quy định liên quan thông tin thống kê trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng là quá chung và không bảo đảm tính minh bạch. Theo ĐB Đồng, quy định này khá nhạy cảm và dễ vi phạm các quyền lợi, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân khi không rõ thông tin thống kê trong lĩnh vực chính trị bao gồm những thông tin nào.
Theo ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), thực tế thời gian qua có một loạt các cuộc điều tra, ví dụ do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) phối hợp với các ban của Đảng công bố chỉ số tham nhũng ở các ngành, các cơ quan tạo ra những dư luận về chính trị. Vì thế, nên quy định cụ thể, nếu không “để một khoảng chính trị, an ninh, quốc phòng nó lớn quá và rộng quá thì rất khó”.
|
Bình luận (0)