Đòi giảm lương
Tại hội thảo “Tiền lương và năng suất lao động ở VN” do VEPR tổ chức hôm qua (13.9), TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR - Trưởng nhóm nghiên cứu, dẫn các mô hình nghiên cứu, so sánh với các quốc gia trong khu vực, khẳng định trong những năm gần đây, lương tối thiểu của lao động trong khu vực doanh nghiệp (DN), hợp tác xã… tăng liên tiếp, tăng nhanh hơn năng suất lao động. Tại Trung Quốc, GDP bình quân đầu người khoảng 7.000 USD, Thái Lan khoảng hơn 4.000 USD, còn VN mới chỉ hơn 2.000 USD/người nhưng mức lương tối thiểu của VN không hề thấp hơn 2 quốc gia khác. Ông Nguyễn Đức Thành cũng cho rằng mức tăng liên tục của lương tối thiểu kéo lương trung bình tăng theo, DN có xu hướng cắt bỏ lao động khi bị giảm thu nhập, giảm lợi nhuận và giảm sức cạnh tranh.
|
Từ các tính toán, một số chuyên gia đến từ Nhật Bản khuyến cáo Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu cần phù hợp với điều kiện tăng trưởng như năng suất, không nên coi lương tối thiểu là công cụ bảo trợ xã hội thuần túy đối với người lao động (NLĐ). Thậm chí, có thể tính đến việc giảm lương tối thiểu cho phù hợp với năng suất lao động.
Tằn tiện cũng không đủ sống
Phản biện lại, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), thẳng thắn “phê” nhóm nghiên cứu của VEPR khi với một đề tài nhạy cảm, tác động vô cùng lớn đến NLĐ và nền kinh tế nhưng lại khảo sát, đánh giá quá hẹp, chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến.
Đặc biệt, báo cáo không đề cập và khảo sát phản ứng, tiếng nói của NLĐ. Còn khi so sánh với 7 quốc gia trong khu vực, nghiên cứu này quá hời hợt bởi Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia đã có mức lương cao hơn VN, các quốc gia còn lại thấp hơn nhưng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về lao động. “Bàn câu chuyện nhạy cảm này phải kỹ hơn, rộng hơn và toàn diện chứ võ đoán quá là không được”, ông Thành góp ý.
Chia sẻ quan điểm này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển lưu ý nhóm nghiên cứu chỉ khảo sát lương tối thiểu ở trong khu vực DN, không khảo sát khu vực hành chính công và chưa đánh giá tác động đến tăng năng suất cụ thể như thế nào và đời sống NLĐ ra sao.
Ông Mai Đức Chính, Phó tổng Liên đoàn Lao động VN, nói thẳng khảo sát còn quá khập khiễng. “Lương tối thiểu tăng 4,4% so với năng suất lao động là năng suất nào? Tôi đã hỏi giám đốc Trung tâm năng suất VN, đó là năng suất lao động của toàn xã hội. Tại sao lại lấy mức lương tối thiểu chỉ trong khu vực công nghiệp chế biến để so sánh với năng suất lao động toàn xã hội để nói rằng lương tối thiểu tăng nhanh liên tục. So sánh như vậy quá khập khiễng”, ông Chính chất vấn.
|
Một vấn đề khác mà nhóm nghiên cứu đã “bỏ qua”, theo ông Chính, đó là “thủ đoạn” lách tiền đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ làm tiền lương tối thiểu bị méo mó. Hiện các DN xây dựng 2 bảng lương, 1 bảng để quyết toán thuế thì để ở mức cao, ví dụ 6 triệu đồng, còn bảng để đóng bảo hiểm xã hội chỉ 4 triệu đồng, nhằm trốn 2 triệu đồng tính vào thu nhập của NLĐ để đóng bảo hiểm xã hội cho họ.
Theo bộ luật Lao động, lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu nhưng khi Hội đồng tiền lương quốc gia xuống các khu công nghiệp khảo sát, tại nhiều nơi, lương 2 vợ chồng công nhân 10 triệu đồng không đủ sống, không đủ tiền nuôi con, chi trả sinh hoạt phí như điện, nước. Trong 16% NLĐ có tích lũy được là những người độc thân, còn với người có gia đình, có con cái không đủ sống, đa số sống tằn tiện, cực khổ. “Nghiên cứu, đánh giá thì phải xem khía cạnh cuộc sống của NLĐ, nói tăng lương tối thiểu nhưng họ không đủ sống, lại còn chịu bao nhiêu chi phí, tác động của xã hội thì rất khó”, ông Chính nói.
Bình luận (0)