(TNO) Người lao động Thụy Sĩ nhận lương cao hơn bất cứ nhân viên nào khác trên toàn cầu. Trong khi đó, người châu Á có số giờ làm nhiều nhất thế giới và nếu muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn nên đến thủ đô Paris (Pháp), nơi người dân chỉ làm có 35 giờ/tuần.
Thay đổi trong tỷ giá hối đoái khiến giá cả sinh hoạt và mức lương ở Thụy Sĩ tăng đáng kể - Ảnh: Shutterstock
|
Theo CNBC, báo cáo mới nhất về giá cả sinh hoạt, lương bổng và sức mua của người tiêu dùng tại 71 thành phố lớn trên thế giới mà ngân hàng UBS vừa công bố tiết lộ một số chi tiết thú vị.
Công nhân viên Thụy Sĩ được trả nhiều tiền nhất thế giới, giữa lúc chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn nước này tăng đến chóng mặt sau khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB) can thiệp mạnh vào tiền tệ trong năm nay. Vừa qua, SNB loại bỏ chiếc neo trong tỷ giá hối đoái, để đồng euro được giao dịch ở mức 1 EUR ngang giá 1,2 franc Thụy sĩ.
Người lao động ở thành phố Zurich và Geneva nhận mức lương gộp trung bình cao gấp 19 lần so với công nhân viên tại thủ đô Jakarta của Indonesia, Kiev của Ukraine và Nairobi của Kenya.
Chi phí hàng hóa, dịch vụ ở các thành phố của Thụy Sĩ được mệnh danh là trung tâm tài chính toàn cầu như Zurich, Geneva rất đắt đỏ. Trong khi đó, khi nhắc đến phí thuê nhà, thành phố New York (Mỹ) đứng đầu thế giới.
Sau các thành phố Thụy Sĩ, lần lượt các nước và thành phố Luxembourg, New York, Miami (Mỹ), Copenhagen (Đan Mạch) và Sydney (Úc) có mức lương bổng thuộc hàng top.
Đối với người lao động muốn kiếm tìm sự cân bằng tốt nhất giữa công việc và cuộc sống, báo cáo gợi ý họ nên đến thủ đô Paris (Pháp). Người lao động tại Paris làm việc khoảng 1.600 giờ mỗi năm và được hưởng 29 ngày nghỉ phép có hưởng lương.
Trong khi đó, người lao động tại 19 thành phố, đa phần nằm ở châu Á và Trung Đông, lại làm việc trên 2.000 giờ/năm. Người dân ở Hồng Kông (Trung Quốc) làm nhiều hơn cư dân Paris đến 1.000 giờ, điều này có nghĩa là mỗi ngày, họ làm nhiều hơn 4 giờ so với người Pháp.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron đã và đang thực hiện các nỗ lực nhằm thúc đẩy doanh nghiệp linh hoạt hơn, gia tăng số giờ làm việc của nhân công. Sau khi một bộ luật được ban hành vào năm 2000, người Pháp chỉ còn phải làm việc 35 giờ mỗi tuần.
Bình luận (0)