Người lao động phải được tạo điều kiện để 'học tập suốt đời'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
05/10/2018 18:43 GMT+7

Sáng nay 5.10, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt tạo cơ hội cho người lao động học nghề - lập nghiệp - việc làm bền vững.

Hội thảo do Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm và Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam - GIZ (CHLB Đức) phối hợp tổ chức.

Có mặt tại hội thảo, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nhìn nhận mô hình giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia nhằm cải cách và thúc đẩy tính thích ứng của giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. “Mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở là dỡ bỏ mọi rào cản về pháp lý, kỹ thuật, tài chính để tạo điều kiện thuận lợi, công bằng và bình đẳng cho tất mọi người về cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đào tạo nghề, bao gồm việc học nghề, khởi nghiệp, có việc làm”, ông Diệp cho biết.

Trong khi đó, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, nêu cụ thể: “Đó là một hệ thống giáo dục linh hoạt mềm dẻo, đáp ứng nhu cầu người học và nhu cầu thị trường. Đồng thời, có thể học bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào và phương thức nào, miễn đạt được yêu cầu đầu ra… thì sẽ được công nhận trình độ”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận định hiện tại vẫn còn khá nhiều rào cản để hệ thống đào tạo nghề có thể thực hiện “mở, linh hoạt”.

Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chỉ ra những rào cản như: Nhà nước và nhà trường chưa có sự quan tâm thỏa đáng trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, các cơ sở giáo dục còn yếu về hạ tầng, giáo viên và học sinh thì yếu về kỹ năng. Lâu nay chúng ta vẫn hoạt động trong một hệ thống đóng, tập trung vào đầu vào và hướng tới thi cử”. Chính những rào cản này đã cản trở sự liên thông, hạn chế cơ hội học tập nghề nghiệp suốt đời của người lao động.

Tiến sĩ Phan Chính Thức, chuyên gia đào tạo nghề, nêu ra một giải pháp, đó là nhà nước nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị này có thể toàn quyền quyết định hoạt động của mình một cách linh hoạt, tự chủ miễn sao đảm bảo chất lượng đào tạo trước cộng đồng và xã hội.

PGS-TS Cao Hùng Phi, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, thì cho rằng cần phát triển mô hình đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên ĐH trên cơ sở chuẩn các trình độ đào tạo liên thông theo nhóm ngành đào tạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.