Người lao động tự đóng bảo hiểm xã hội có được không?

Thu Hằng
Thu Hằng
29/04/2023 09:21 GMT+7

Mặc dù đã trích nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ, song có không ít doanh nghiệp chây ì, thậm chí trốn nộp cho cơ quan BHXH, khiến người lao động thiệt thòi khi giải quyết các chế độ.

Người lao động muốn tự đóng BHXH

Theo quy định hiện hành, chủ sử dụng lao động và người lao động cùng tham gia BHXH bắt buộc. Hàng tháng, người lao động sẽ trích một phần tiền lương để đóng vào Quỹ BHXH. 

Qua giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BHXH tại cơ sở, nhiều cán bộ công đoàn tại các địa phương phản ánh, không ít trường hợp doanh nghiệp trừ tiền BHXH của người lao động, nhưng sau đó không nộp cho BHXH. Hậu quả là người lao động không được hưởng chế độ BHXH.

Người lao động tự đóng BHXH được không?   - Ảnh 1.

Nhiều công đoàn cơ sở kiến nghị cho người lao động được tự đóng BHXH để tránh tình trạng doanh nghiệp chây ì, trốn đóng BHXH

XUÂN KHÁNH

Ông Phạm Sơn, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Phú Thọ, bức xúc: "Hiện nay, tại nhiều doanh nghiệp, hằng tháng người lao động vẫn trích nộp, đóng đầy đủ tiền BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, nhưng người sử dụng lao động không nộp về cho cơ quan BHXH. Kết quả, thiệt thòi cuối cùng thuộc về người lao động, họ không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, không được giải quyết lương hưu trợ cấp thất nghiệp...".

Theo ông Sơn, mặc dù tại Phú Thọ đã có doanh nghiệp bị xử phạt, khởi kiện ra tòa vì nợ BHXH, nhưng không làm được gì bởi doanh nghiệp không có tiền nộp về cơ quan BHXH. Ông Sơn kiến nghị: "Cơ quan soạn thảo luật BHXH sửa đổi cần nghiên cứu để làm sao đảm bảo tính công bằng, minh bạch, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm, không đẩy khó, thiệt thòi về cho người lao động. Đặc biệt, trong dự thảo luật nên nghiên cứu để có quy định cụ thể trong giải quyết quyền lợi cho người lao động khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, không có tài sản đảm bảo…".

Ông Lê Đức Thọ, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, cho biết khi dự các cuộc đối thoại với công nhân thì rất nhiều người lao động phản ánh, việc chủ doanh nghiệp nợ BHXH là có lỗi, nhưng họ có nhu cầu được hưởng BHXH và tự nguyện đóng nộp BHXH để đủ điều kiện hưởng các chế độ thì có được không?

"Mong muốn này là chính đáng, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giải quyết cho người lao động. Luật BHXH hiện hành đã quy định, chúng ta không thực hiện khác được nhưng ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến người lao động để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, tới đây khi sửa đổi luật mới cần lưu ý để giải quyết quyền lợi cho người lao động", ông Thọ bộc bạch.

Đồng tính với các ý kiến trên, ông Ninh Quang Dương, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh Lào Cai), kiến nghị: "Người lao động đóng BHXH không thiếu tháng nào, vậy mà đến khi nghỉ hoặc bị cắt hợp đồng lao động mới biết doanh nghiệp không nộp tiền cho cơ quan BHXH. Thay vì giao phó tiền nộp BHXH cho doanh nghiệp, nên chăng để người lao động tự đóng phần BHXH của mình với cơ quan BHXH để tránh việc doanh nghiệp chây ì, chậm, trốn đóng BHXH?".

Khó thiết kế chính sách

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), để người lao động tự đóng phần BHXH của mình là vấn đề mà người lao động có ý kiến từ nhiều năm nay.

"Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham khảo, đề xuất nhưng quả thực rất khó thiết kế. Quả thực là hiện nay chưa có giải pháp, song đây là những đề nghị chính đáng của người lao động, chúng ta cần tiếp thu, lưu ý để giải quyết thỏa đáng cho người lao động", ông Quảng chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cũng cho hay trước đây Bộ LĐ-TB-XH đã nghiên cứu. Với hơn 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý trên 300.000 doanh nghiệp.

Về cơ bản, phần đông người sử dụng lao động đều đóng kịp thời, đầy đủ, chỉ có một số ít trường hợp rơi vào tình huống khiến cơ quan quản lý "đau đầu". Ông Cường cho hay: "Nếu chúng ta quy định cho người lao động tự đóng thì cơ quan quản lý phải quản 16 triệu lượt người đóng BHXH hằng tháng, có khi không hiệu quả như hiện nay. Việc truy thu từng trường hợp thiếu BHXH rất khó".

Trước những băn khoăn của đại diện các công đoàn cơ sở, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định hiện Chính phủ, các cơ quan liên quan đang rất tích cực để bàn giải pháp trong vấn đề xử lý nợ BHXH. Quan điểm là khi người lao động đã đóng góp BHXH phải được đảm bảo các quyền lợi. Rút kinh nghiệm từ lịch sử, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm để có những quy định nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng nợ BHXH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.