Người luận giải ý... trời!

09/05/2015 15:00 GMT+7

27 tuổi làm Trưởng bộ phận khuyến nông tỉnh Thừa Thiên, 29 tuổi ngồi vào ghế Trưởng ty canh nông tỉnh Quảng Nam (thuộc chế độ cũ), về hưu ở tuổi 60 với chức danh Trưởng phòng trồng trọt (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị) và từ đó đến nay ông đi “bắt mạch” ruộng đồng miễn phí, giúp cho nông dân có những mùa vụ bội thu.

27 tuổi làm Trưởng bộ phận khuyến nông tỉnh Thừa Thiên, 29 tuổi ngồi vào ghế Trưởng ty canh nông tỉnh Quảng Nam (thuộc chế độ cũ), về hưu ở tuổi 60 với chức danh Trưởng phòng trồng trọt (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị) và từ đó đến nay ông đi “bắt mạch” ruộng đồng miễn phí, giúp cho nông dân có những mùa vụ bội thu.

Ông là Nguyễn Văn Diêu, trú thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, H.Hải Lăng, Quảng Trị.
Người luận giải ý... trời!Rất nhiều người nông dân đã tìm đến ông Diêu để nghe ông luận giải về... ý trời, rồi chọn ngày gieo cấy
- Ảnh: Nguyễn Phúc
Không đút lót vẫn lên chức
Tuổi cao, lại bị thoát vị đĩa đệm nên việc đi lại của ông Diêu khá khó khăn. Nhưng trái lại, việc ăn nói của ông lại rõ ràng, uyên thâm, trí nhớ cũng cực tốt... Ông kể thời chiến tranh, do sống trong vùng địch chiếm đóng nên ông khai lui tuổi để trốn đi lính. Sau khi đậu tú tài năm 1961, ông theo học ngành lý hóa sinh của Trường Khoa học Huế (chế độ cũ) rồi ra dạy học ở H.Hải Lăng. Đến năm 1964, ông đấu tranh chống chính quyền nên phải bỏ trốn vào miền Nam. Nhưng nhờ học giỏi, ông đỗ tiếp vào Trung tâm quốc gia nông nghiệp (tiền thân của ĐH Nông nghiệp 4, nay thuộc ĐH Nông lâm TP.HCM) và học ở đây từ năm 1966 đến 1970. “Hồi đó chỉ có 2 lựa chọn, 1 là đi học, 2 là đi lính. Bản thân tôi không muốn chĩa súng vào đồng bào mình nên phải đi học”, ông Diêu giải thích.
Học hành xong xuôi, ông Diêu được điều về Châu Đốc (nay thuộc tỉnh An Giang) một thời gian rồi quay lại Quảng Trị, trước khi được bổ nhiệm làm Trưởng bộ phận khuyến nông tỉnh Thừa Thiên. Chưa hết, chỉ 2 năm sau, lúc mới 29 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Trưởng ty canh nông tỉnh Quảng Nam, lo việc “chăn nuôi, trồng trọt” cho một tỉnh rộng lớn của miền Trung. Vậy nhưng, ông vẫn khiêm nhường: “Hồi đó tôi thấy mình cũng bình thường, lại không có tiền bạc để đút lót, quan hệ nhưng cứ lên chức ào ào. Khi tôi làm trưởng ty, hầu hết cán bộ cấp dưới của tôi đều lớn hơn tuổi tôi, ít thì vài tuổi, nhiều thì cả giáp...”.
“Đừng cười người nông dân!”
Sau năm 1975, ông Diêu xin về quê và được tin dùng. Không còn ngồi vào chiếc ghế cao như trước nhưng ông vẫn được làm lĩnh vực chuyên môn yêu thích là nông nghiệp. Và dù là một anh cán bộ kỹ thuật tép riu hay trưởng phòng cấp sở thì ông vẫn rất gần gũi với người nông dân, với bùn đất. Bản thân gia đình ông cũng có 5 sào ruộng, vừa để có gạo ăn thưở khốn khó, vừa để ông thí nghiệm những kỹ thuật, giống, phân... mới. “Đừng bao giờ cười người nông dân”, đó là điều ông nói với tôi nhiều lần trong suốt cuộc trò chuyện như thể đó là điều tâm huyết nhất mà ông nghiệm ra sau gần hết cuộc đời dâu bể. Theo nhà “nông học” này thì có thể cách làm của người nông dân vụng về, cách diễn đạt của họ chưa ra đầu ra đũa nhưng nếu nói về ruộng đồng không ai có thực tiễn bằng người nông dân, kể cả các giáo sư, tiến sĩ.
Ông dẫn ra cho tôi câu chuyện rằng năm 1976, đồng lúa ở xã Hải Hòa (H.Hải Lăng), bệnh đạo ôn hoành hoành trong khi thuốc trừ sâu lúc này rất hiếm. Với tư cách là một kỹ thuật viên, đương lúc rối trí không biết xử lý sao thì một ông nông dân ghé tai hỏi ông Diêu câu hỏi như một vế đối: “Bệnh đạo ôn mọc trên lá, sao ta không ngắt hết lá có đạo ôn?”. Ông Diêu như bừng tỉnh và ông đã chọn 1 mẫu ruộng để làm thử cách làm nghe qua có vẻ ngô nghê ấy. Kết quả, thật bất ngờ, khi so với các mẫu lúa khác, mẫu thử này hầu như sạch bệnh và cho hạt nhiều hơn.
Cách đây mấy chục năm, cũng có dạo, người dân thấy anh kỹ thuật viên tên Diêu đi chân trần, xắn quần lội ruộng với 2 chiếc dép tông trên 2 tay. Đoạn ông dùng 2 chiếc dép này vỗ vào nhau, trúng vào các lá lúa... Hỏi ra mới biết, đây là “tuyệt chiêu” của ông học mót được từ một lão nông ở xã Triệu Trạch (H.Triệu Phong) hồi đó để chống bệnh sâu cuốn lá. “Này nhé, sâu nó cuốn vào lá, mình vỗ như vậy một là sâu rụng, hai là sâu chết. Ngó cái tướng, cách làm cổ lổ sĩ thế chứ hiệu quả không ngờ luôn. Đến tôi còn ngã ngữa khi áp dụng cơ mà. Người ta nói “cái khó bó cái khôn” nhưng cũng có lúc “cái khó ló cái khôn” là vậy đó chú ạ”, ông Diêu kể.
Rồi bỗng ông Diêu chùn xuống, nói: “Bây giờ cái gì người ta cũng nặng nề về thuốc men, cây lúa cũng như con người thuốc mãi sao chịu cho nỗi. Đó là chưa nói tác hại về môi sinh. Sâu nó chết vì thuốc thì mình cũng chết. Nên ngoài áp dụng khoa học còn phải tin vào kinh nghiệm dân gian mới tạo nên một nền nông nghiệp bền vững, an toàn...”.
“Nhà tiên tri” của đồng ruộng
Ông Diêu tự nhận công việc của ông hiện tại có nét giống với mấy ông... thầy bói vì phải đoán định được tương lai, chỉ khác rằng thầy bói thì xem việc của con người còn ông thì xem việc cây cỏ. Chưa hết, ông cần phải giúp người dân “đối phó” với “người” tạo nên tương lai đó, ấy là... ông trời. Và tất nhiên đó không phải là việc dễ. Điều trên lý giải việc dù xuất thân là dân hóa sinh, nhưng ông Diêu lại thông thuộc kinh Dịch, biết chữ Hán, chữ Nôm và thuộc nhiều câu vần vè của dân gian nói về mùa vụ. Ví như để nhắc nhở nông dân phải chú ý đặt lịch mùa vụ lên đầu vì đây là điều quyết định thành bại của cây lúa: Làm ruộng phải thì/Đi buôn phải chuyến. Hoặc chia sẻ một kinh nghiệm ngày tháng làm ruộng sâu hay ruộng cạn thì ông nói: Làm mùa tháng 5/ Xem trăng rằm tháng 8/ Trăng sáng được ruộng sâu/ Trăng lu được ruộng cạn.
Ông cũng thường trích dẫn nhưng câu nói của cụ Lê Quý Đôn để “mách nước” cho những người nông dân về mùa vụ, để họ có thể tự vận vào đó để điều chỉnh việc đồng áng. Ví dụ như câu: Đông chí thiên trình vô nhật sắc/ Lai niên hạ vũ cốc phong đăng, có thể hiểu nôm na là ngày đông chí mà bầu trời không có ánh sáng thì vụ hè thu năm sau được mùa về ngũ cốc. Hay Thanh minh tiết nhược phùng phong nam chí/Bát thập nguyệt nông gia đại bội thu - nghĩa là ngày thanh minh không có gió nam thổi nhẹ thì vụ tháng 8 tháng 10 nông dân thu hoạch lớn. Từ đó, luận ra thêm rằng ngày thanh minh mà có gió mùa đông bắc là... rách việc vì khả năng lũ đến sớm. “Nếu nói có sai thì các cụ sai chứ tôi đâu có sai, tôi chỉ là bậc hậu bối, lần dò theo các cụ để giúp người nông dân. Mà thực ra tất cả cũng chỉ là phỏng đoán, may lắm cũng chính xác 80-90 %, làm gì có điểm tuyệt đối. Vậy mới có chuyện tôi thì lạy trời ông Lê Quý Đôn nói đúng, còn người nông dân lạy trời ông Diêu nói đúng...”, ông Diêu nói giọng đầy tiếu lâm.
Trước mỗi mùa vụ, người dân lũ lượt kéo đến nhà ông Diêu nhờ ông “phán” dùm ngày tháng gieo cấy, xuống giống. Ai vào ông cũng tiếp, không lấy một xu, lại còn tốn tiền trà nước. Chưa hết có nhiều người ở xa, chỉ xin số điện thoại của ông rồi hễ có chuyện lại gọi cho ông như “tìm sự trợ giúp của... người thân”. “Bà con lưu số điện thoại tôi nhiều lắm, họ gọi suốt. Dù rạng sáng hay nữa đêm gì tôi cũng nghe máy, cũng trả lời và bày vẽ họ kỹ càng. Họ có cần thì họ mới điện thoại chứ... Mà không riêng gì bà con đâu, có khi lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh đụng vấn đề về nông nghiệp cũng gọi tôi tư vấn nữa là”, ông Diêu nói pha chút tự hào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.