Người lưu giữ hồn quê

Hải Phong
Hải Phong
03/02/2023 07:45 GMT+7

Hơn 15 năm qua, ông Lê Quang Siêng (45 tuổi, ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã rong ruổi khắp các làng quê, nẻo đường để góp nhặt, sưu tầm, gìn giữ những hiện vật cũ, xưa bị lãng quên.

Với đam mê sưu tầm cổ vật, muốn lưu giữ lại những món đồ quê một thời của nông thôn quê mình, ông Siêng đã đến từng ngôi nhà cũ bị sập đổ, hư hỏng, vào từng con hẻm để tìm kiếm, lưu giữ và sưu tầm hơn 2.000 món đồ vật cổ chứa đựng hồn quê, gồm: chén, đĩa, tô, ấm trà, các ghè nước, bình vôi, cối đá... Bộ sưu tập của ông có 4 chủ đề chính: nông cụ thời bao cấp, đồ gốm sứ, văn hóa trầu cau và hiện vật chiến tranh.

Người lưu giữ hồn quê - Ảnh 1.

Ông Siêng bên chiếc khuôn làm bánh in

HẢI PHONG

Tìm về nơi ông Siêng đang lưu giữ, bảo tồn hàng nghìn hiện vật độc đáo, như được hòa mình vào không gian của thời bao cấp. Ông Siêng cho biết, năm 2007, ông đi làm bảo vệ cho một nhà máy ở Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), thường hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà cửa để họ chuyển đến khu tái định cư mới. Lúc đó, ông thấy những đồ vật, dụng cụ cũ trong nhà người dân như: cối đá, ghè nước, nong, nia, thúng, cày… bị vứt lại, ông liền xin và lưu giữ chúng.

Ông Siêng kể, lúc đầu nhiều người nghi ngờ, dị nghị, có người còn nói ông là "đồ dở hơi" mới đi lượm ba cái đồ bỏ đi. Sau một thời gian dài góp nhặt, sưu tầm, đến năm 2018, ông Siêng quyết định mở quán cà phê để trưng bày hàng ngàn hiện vật của thời bao cấp. Lúc này, nhiều người mới ngộ ra và đón nhận, có người còn đem đồ vật thời trước của gia đình tặng cho ông để làm phong phú thêm bộ sưu tập.

Theo ông Siêng, khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa dần phủ kín ở miền quê, thì đồng nghĩa sẽ càng có nhiều đồ vật xưa cũ bị mai một. Vì lẽ đó mà ông muốn lưu giữ cho con cháu mai này biết đến những vật dụng một thời của cha ông. Hiện tại, ông Siêng có rất nhiều hiện vật gắn chặt với ruộng đồng, với nhà nông thời bao cấp được ông nhọc công tìm kiếm, góp nhặt trong nhiều năm và lưu giữ chúng như những báu vật của riêng mình, như: cái cày, cái ách, cái gàu múc nước, bộ đồ gốm ăn trầu, bình vôi, cái cân, cái quả sính lễ, bàu đựng mắm, cái nia…, dụng cụ làm đồ mộc và nhiều kỷ vật thôn quê khác.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Siêng mong muốn mở một bảo tàng nho nhỏ tại xã Bình Thuận để trưng bày những hiện vật liên quan đến nhà nông thời xưa, nhằm lưu giữ lại cho thế hệ mai sau hiểu được quá khứ lao động, sinh hoạt của ông cha. "Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên tôi đành lưu giữ tạm những hiện vật tại quán cà phê mang tên Cội Nguồn do tôi làm chủ", ông Siêng chia sẻ.

Theo ông Huỳnh Văn Hiếu (82 tuổi, ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận), những hiện vật thời xưa được ông Siêng lưu giữ, trưng bày rất có giá trị. "Thời của tôi gắn liền với các món đồ vật này, nay nhìn chúng, tôi thấy bùi ngùi vì gợi lại những kỷ niệm đẹp, những hồi ức của một thời khó khăn, gian khổ", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phó chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho biết địa phương luôn ủng hộ việc làm thiết thực của ông Siêng, đồng thời mong muốn ông tiếp tục phát huy việc sưu tầm, lưu giữ những hiện vật truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.