Chiếc máy ảnh đầu tiên thuộc về ông Cao Hải là một chiếc Minonta SERT 101 dùng để đi du lịch. Ông mua vào năm 1969 nhân chuyến du lịch sang Congo tham quan công viên Safari. Chuyến đi giúp ông có được những bức ảnh người thổ dân Pimee - dân tộc lùn nhất thế giới và hơn thế có được những trải nghiệm thú vị thời trẻ, khám phá bản thân, lưu giữ được nhiều bức ảnh đẹp ở những nơi xa xôi của thế giới.
Chuyến du hành đến Phi châu này đã hun đúc niềm đam mê của ông đối với những chiếc máy ảnh - một sáng tạo kỳ diệu của con người bởi có thể lưu dấu bằng hiện vật những gì mắt người nhìn thấy, kể cho mọi người câu chuyện qua ảnh một cách sinh động hơn chứ không phải qua trí nhớ người kể.
|
“Thật tuyệt vời khi được nhìn thấy một góc khác của thế giới rồi lưu giữ lại để sau đó có thể kể cho những người khác về chuyến đi của mình. Tôi mê máy ảnh vì như thế. Không chỉ kể chuyện bằng ảnh, chính chiếc máy cũng có đời sống riêng và câu chuyện riêng của chúng. Trong bộ sưu tập của mình tôi có những chiếc máy M3, M4 dòng sản phẩm mà Leica xuất xưởng những năm 1960. Đây cũng là những chiếc máy mà các phóng viên chiến trường của các hãng tin trước đây thường sử dụng bởi máy chụp những bức ảnh đẹp chính xác, rất bền, chịu được va đập trong điều kiện không thuận lợi"
"Như chiếc máy M3 thân đầy máy còn những vết trầy xước trên vỏ bọc da, ống kính cho thấy chủ nhân của nó cũng trải qua không ít khó khăn để “săn” được bức ảnh đẹp. Điều ngạc nhiên là dù hơn 50 năm tồn tại nhưng chiếc máy vẫn hoạt động tốt, vẫn hữu dụng chứ không phải là vật phẩm trưng bày trong kệ tủ”, ông Hải kể.
Và series máy M5-M11 mỗi mẫu ông cũng có một cái để lâu lâu ông cầm máy, lắp phim đi săn ảnh đẹp của đất nước.
|
|
Ông tâm sự: “Nói chung sưu tầm vật phẩm xưa thường nhắc đến chữ duyên. Có duyên mới gặp được, mới mua được. Còn nhớ năm 1980 khi đi trên đường phố Paris, ngang qua một quán cà phê tôi vô tình nhìn vào trong thấy một chiếc máy ảnh đặt trong tủ kính rất trân trọng. Tôi bị ấn tượng ngay từ đầu và vô hỏi xin xem chiếc máy. Đó là một chiếc Leica sản xuất năm 1930 còn nguyên bao da, còn nguyên dạng chỉ hơi có vết xước nhẹ. Tôi ngỡ ngàng vì phiên bản này chỉ còn vài cái trên toàn thế giới mà mình còn có cơ hội nhìn thấy. Phải mất 6 tháng đi lại mới thuyết phục được ông chủ nhượng lại cho mình. Thỉnh thoảng ngẫm lại, có lẽ vì cái duyên, vì quyết tâm của mình, vì niềm đam mê của mình với chiếc máy ảnh mà người ta chuyển nhượng lại. Chứ nếu vì tiền, người ta cũng chẳng giữ một chiếc máy ảnh lâu đời như thế để nhường cho tôi mà đã bán lâu lắc cho những tay buôn đồ cổ khác rồi”.
|
Một phiên bản hiếm khác trong bộ sưu tập của ông là chiếc Minonta CLE, sản phẩm là sự kết hợp giữa hãng máy ảnh Nhật và ống kính Leica. Chiếc máy được mạ vàng 18K, còn nguyên vỏ bọc da thằn lằn núi bên ngoài. Ông kể: “Chiếc máy cũng được tôi sưu tầm ở một tiệm bán đồ cũ nhỏ ở thủ đô nước Pháp trong một lần đi chơi không chủ ý. Thế mới thấy, người sưu tầm đừng bao giờ bỏ qua các ngóc ngách, đôi khi ở tiệm nhỏ, một góc nhỏ nhưng có thể sở hữu được món hàng độc đáo mà mình không ngờ đến”.
|
|
Thỉnh thoảng ông Hải đem máy ảnh ra để lau chùi, để ngẫm nghĩ về chuyện đời, chuyện của mình. Chiếc máy ảnh của thời sinh viên chạy đôn chạy đáo làm thêm để mua được chiếc máy đi du lịch hay những ngày mất ăn mất ngủ theo đến 2 năm, thăm người ta liên tục để xin nhượng lại… Mỗi giai đoạn cuộc đời định danh với một chiếc máy cũ. Hơn 100 cái máy ảnh trong bộ sưu tập với hơn 100 câu chuyện để kể.
Đây cũng là người bạn tâm tình của ông, chiếc máy ảnh không chỉ được nhìn như sản phẩm vật chất, không chỉ đánh giá bằng tiền mà là tình nghĩa.
Với ông: “Nếu mà nói về tiền của, nhiều người có thể bỏ ra cả trăm ngàn đô để mua được những chiếc máy ảnh quý hơn tôi nhưng nếu nói về tình yêu thì tôi tự tin là mình đã hết mình, hết lòng với niềm đam mê này. Tôi luôn nâng niu và trân trọng từng chiếc máy ảnh đến hết đời”.
Bình luận (0)