Người “mang” đại dương về thành phố

26/09/2006 11:12 GMT+7

Đó là anh Lê Hữu Dũng, người xây dựng mô hình thủy cung tư nhân đầu tiên ở Việt Nam với hàng trăm loài sinh vật biển phục vụ mục đích tham quan giải trí và nghiên cứu.

Không chỉ biến ước mơ trở thành hiện thực, anh còn vận dụng những kiến thức đó vào thực tế kinh doanh và tạo nên một quần thể công viên nước vui chơi giải trí, tham quan du lịch, ăn uống và sản xuất lai tạo cá giống do chính anh làm giám đốc có số vốn lên đến gần 90 tỷ đồng với hàng trăm nhân viên.

Anh Dũng vốn mê đại dương từ những ngày còn lênh đênh trên biển trong màu áo lính hải quân. Sau khi rời quân ngũ, ước mơ đem những đàn cá bơi lội tung tăng dưới dòng nước trong xanh về nuôi dưỡng trong đất liền phục vụ cho nghiên cứu học tập vui chơi giải trí và du lịch vẫn cháy bỏng trong anh.

“Ở nước ngoài người ta có đến 5-7 cái thủy cung phục vụ cho nghiên cứu học tập vui chơi giải trí và du lịch. Trong khi đó ở nước mình không có thì thật uổng, mặc dù lúc đó nước ta đã có Viện Hải dương học ở Nha Trang nhưng chủ yếu phục vụ cho công tác nghiên cứu và trưng bày một số loài sinh vật biển đặc trưng chứ không nhằm phục vụ du lịch”, anh Dũng cho biết. Vậy là anh càng quyết chí thực hiện cho bằng được một thủy cung phục vụ cho đại đa số người dân.

Vốn liếng không, kinh nghiệm cũng bắt đầu từ vạch xuất phát nên ý tưởng của anh hầu như không được ai ủng hộ. Những người bạn thân biết chuyện thì đều cho rằng anh bị… điên, vì từ trước đến giờ chưa ai thực hiện được, vả lại anh cũng không am tường về vấn đề này.

Tuy nhiên, động lực để anh đi tiếp và thực hiện ước mơ của mình chính là người bạn đời của anh, chị Thanh Thuận. Ban đầu, vì lo lắng, chị không ủng hộ ý định “táo bạo” của anh, nhưng chính niềm đam mê và sự quyết tâm của anh đã dần thuyết phục chị và chị trở thành trợ thủ đắc lực luôn động viên, giúp đỡ anh trong những lúc khó khăn.

Để có được số vốn không nhỏ để thực hiện công việc của mình, anh Dũng đã phải nhận lãnh làm tất cả các công việc từ bán cây cảnh, buôn cá khô cho đến… rửa ôtô. Mọi việc, miễn lương thiện và có tiền thì anh đều làm để nhất quyết thực hiện ước mơ của mình.

Anh Lê Hữu Dũng. Ảnh K.Lững

“Lăn lộn” đến năm 1992 thì anh bắt tay vào xây dựng các mô hình thủy cung sau khi tích lũy được một số vốn nho nhỏ. Anh tự mình làm tất cả mọi việc từ thiết kế xây dựng mô hình thủy cung cho đến công việc chọn mua nước biển, cá giống… Nước biển thì anh tìm đến một trung tâm tại Vũng Tàu mua rồi thuê xe chở về thành phố. Cá biển thì anh lặn lội ra tận Cá Ná, Nha Trang hoặc có khi lộn ngược về Phú Quốc tìm mua.

Tất cả công việc chuẩn bị đâu vào đấy tuy nhiên khi nuôi thì tỷ lệ cá sống sót không tới 1/100. Anh Dũng nhớ lại: "Năm 1992, mang về gần 1.000 con cá biển nhưng khi nuôi chỉ còn sống được... 6 con. Thủy cung mà không có cá thì còn gì là thủy cung”.

“Chẳng lẽ chịu thua, từ bỏ ước mơ của mình?”. Vậy là anh phải bỏ thời gian ra tìm tòi để làm sao số cá mang về có tỉ lệ sống cao hơn. “Theo như người xưa nói thì trời không phụ lòng người. Cuối cùng tôi cũng đã tìm ra nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt. Do lúc đầu nước biển đem về rồi làm cái lọc như những người chơi cá cảnh, chỉ vài ngày thì nước đã đục và cá chết gần hết. Sau khi đã tìm hiểu được nguyên nhân, tôi bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật xử lý nước, từ lọc nước sinh học đến cơ học rồi dần dần hoàn thiện hệ thống", anh Dũng hồ hởi khoe.

Lại bỏ ra mấy năm miệt mài nghiên cứu, cuối cùng anh cũng đã hoàn thiện hệ thống lọc nước rất tốt, với tỷ lệ cá sống sót từ 70-80%. Đặc biệt, có nhiều loài cá như "thù lù" rất khó nuôi vì nó không chịu ăn và rất nhạy cảm với môi trường nước vậy mà vẫn nuôi sống được trong khi ở nước ngoài thì chịu thua. Ngay cả các chuyên gia ở Pháp cũng phải thán phục và đã xin vào tham quan hệ thống xử lý nước này.

Thủy cung đầu tiên do tư nhân xây dựng

Miệt mài vừa làm vừa học hỏi thêm đến đầu năm 1994 anh cũng đã đưa được sản phẩm đầu tiên của mình là 10 cái hồ nhân tạo nhỏ ra triển lãm thử ở khu du lịch Đầm Sen. Thành công vượt hơn cả mong đợi, "đứa con tinh thần" của anh đã được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Tết năm đó du khách đến xem "thủy cung" của anh phải xếp hàng, xô đẩy, tranh nhau vào xem làm ngã cả cây cối xung quanh.

Nói về những thành công lúc đó, anh Dũng cho biết: "Không thể quên được những ngày tháng vất vả khó khăn ban đầu. Mọi thứ đều mới mẻ, chỉ biết dựa vào niềm say mê và học hỏi từ những lần đi tham quan ở nước ngoài (khi còn là thủy thủ tàu viễn dương - PV) để xây dựng nên thủy cung đem triển lãm ở Đầm Sen. Trước khi bắt tay vào thực hiện không nghĩ là nó sẽ thành công đến như thế".

Sự xuất hiện thủy cung lúc đó tại TP.HCM là một sự kiện nóng bỏng với mọi người, báo chí đã có nhiều bài viết đưa tin về sự kiện này, bởi vì từ trước giải phóng đã có nhiều nhà đầu tư muốn làm nhưng đều thất bại. Đột nhiên sau giải phóng lại có người làm thành công. Người trong nước thì tưởng nước ngoài đầu tư, người nước ngoài thì trầm trồ vì họ không thể tin Việt Nam lại làm được vì ngoài vốn thì các kỹ thuật để nuôi cá biển sống rất khó. Đã có nhiều chuyên gia từ Pháp, Singapore, Philippines, Hong Kong, Malaysia, Singapore đến tìm hiểu về mô hình của anh.

“Mỗi lần thất bại là ra hồ ngủ với… cá!”

Một góc vui chơi trong khu du lịch Đại Dương. Ảnh K.Lững

Sau thành công với thủy cung đầu tiên ở Đầm Sen, anh Dũng tiếp tục bắt tay vào làm thêm một số thủy cung khác ở Thảo Cầm Viên, Suối Tiên... và một thủy cung cho riêng mình tại công viên nước Đại Dương (tọa lạc tại 491 Nguyễn Thị Thập, P. Tân Quy, Quận 7, TP.HCM). Đây là mô hình thủy cung phục vụ tham quan giải trí, nhà hàng ăn uống, sản xuất giống thủy sản…

Để biến một khu hoang vu, sình lầy, đầy tệ nạn xã hội trở hành khu vui chơi giải trí có ý nghĩa về mặt văn hóa xã hội, là nơi sinh hoạt vui chơi của người dân địa phương và các vùng lân cận như ngày hôm nay, anh Dũng đã “đấu tranh” tư tưởng rất nhiều trước khi bắt tay vào làm. “Sức người có hạn, không thể liều lĩnh mạo hiểm như lần làm thủy cung, thất bại là cả nhà phải ra đường”, anh Dũng thầm nghĩ.

Đúng là mọi việc không hề đơn giản, áp lực về kinh tế gia đình, nợ ngân hàng đến hạn trả mà chưa gom đủ tiền, lương nhân công, đầu ra cho nguồn giống thủy sản… cộng thêm sự âu lo của vợ và các con đã nhiều lần làm anh Dũng nản chí định thoái lui. Tuy nhiên "trong công việc thất bại sẽ giúp mình rút ra những bài học, kinh nghiệm". Chính vì suy nghĩ như thế mà anh luôn đứng dậy mỗi khi vấp ngã và luôn được sự động viên của người thân. “Mặc dù lúc nào miệng cũng phản đối nhưng khi chồng bắt tay vào làm thì lặng lẽ săn tay lên cùng làm với chồng, cũng tìm tòi, cũng vất vả cùng chồng từng bước, từng bước một", anh Dũng nói về người vợ đồng cam cộng khổ với mình một cách trìu mến. "Mỗi khi thất bại ổng đều không dám về nhà mà ra nằm ngoài chỗ hồ nuôi cá, về nhà sợ nhìn thấy khuôn mặt buồn bã của tôi, ổng không chịu được", chị Thanh Thuận tâm sự.

Với niềm say mê, sự động viên của mọi người cùng với ý chí đã được trui rèn trong quân đội, anh dần dần khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi tháng 4/2000, khu vui chơi giải trí Đại Dương ra đời. Sau đó anh hoàn thiện dần, đến ngày hôm nay thì khu liên hợp vui chơi giải trí này có hàng trăm nhân viên làm việc với số vốn đầu tư lên đến gần 90 tỷ đồng.

Mặc dù luôn vất vả, bận rộn với công việc nhưng anh Dũng luôn dành thời gian dạy dỗ con cái. Đối với các con, anh là thần tượng của chúng. "Các con đều xem tôi là thần tượng, lúc nào cũng để hình ba trong ví. Không bao giờ làm cho ba buồn phiền. Mỗi khi rảnh đều phụ ba chăm sóc cá và luôn muốn nối nghiệp ba. Chính vì vậy mà tôi luôn tự nhắc mình phải làm sao cho tốt để làm gương cho con", anh tâm sự.

Hỏi về những thành công của anh, anh Dũng khiêm tốn cho biết: "Đó chỉ coi như một phần vì hiện nay tôi đang có ý định quay lại với dự tính ban đầu là lập một Bảo tàng Sinh vật biển sống phục vụ cho nghiên cứu và tham quan". Hiện cũng đang có nhiều gợi ý mời anh góp vốn lập công ty cổ phần, nhưng anh vẫn chưa có ý định đó bởi vì như thế sẽ phải chạy đua theo lợi nhuận mà không thể thực hiện được mục đích chính là muốn tìm hiểu, nghiên cứu và đeo đuổi những ước mơ từ đầu. Phải chăng những điều đó đã góp phần làm nên thành công của anh hôm nay.

Khu sản xuất giống thủy sản trong khu liên hợp vui chơi giải trí sản xuất của anh Dũng. Ảnh K.Lững

Đinh Huân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.