Mong muốn tìm cho mình một vùng đất phù hợp để phát triển con đường kinh doanh nông nghiệp. Chị Võ Thị Liên (37 tuổi, P.Đông Thanh, TP.Đông Hà, Quảng Trị) sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kinh tế Huế đã chọn Quảng Trị là nơi để thực hiện giấc mơ của mình.
Năm 2011, chị Liên làm việc tại các dự án phi chính phủ. Nhờ mối quan hệ trong công việc, chị được Tổ chức Roots Of Peace (ROP) kết nối với các nhà phân phối, nhập các sản phẩm nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Chị Liên tìm tòi nghiên cứu và nhận thấy hạt tiêu tại Quảng Trị nếu thay đổi cách canh tác, kỹ thuật trồng sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn để xuất khẩu. “Hạt tiêu trồng tại các vùng ở Quảng Trị trước đây người nông dân vẫn chưa canh tác đúng cách. Thông thường họ luôn thu hoạch một lần nên vô tình giảm sản lượng cũng như chất lượng hạt tiêu không đồng đều. Bên cạnh đó, cách thức chế biến cũng sai kỹ thuật khi nông dân chỉ phơi nắng, không nhà kín, hạt tiêu dễ bị lẫn rác thải, tạp chất, chất lượng giảm đi rất nhiều”, chị Liên chia sẻ.
Chị Liên ấp ủ mở rộng địa bàn trồng tiêu, đưa “vàng đen” Quảng Trị chiếm sản lượng lớn xuất khẩu sang Mỹ |
BÁ CƯỜNG |
Biết được những thiếu sót đó, chị Liên tiên phong mở một khu vườn rộng 2 ha tại xã Vĩnh Hòa (H.Vĩnh Linh) để vừa trồng thử nghiệm cây tiêu, vừa có thể chia sẻ kinh nghiệm, vận động nông dân làm theo.
Chị Liên thường xuyên đến mảnh vườn của mình chăm bón, tưới tiêu, xây nhà phơi, lắp đặt hệ thống tưới, máy sàng, sấy; tận tình chỉ dẫn người dân cách bón phân, thu hoạch tiêu đúng thời điểm, cách chế biến tiêu... Theo đó, tiêu tới mùa thu hoạch sẽ được chị mua về và phơi tại nhà rộng 1.000 m2 của mình, tiêu được phơi trong 4 - 6 ngày và thường xuyên đảo trộn đến khi đổi màu, kích thước đồng đều, sau đó đem tiêu lọc tạp chất, đóng gói xuất khẩu.
Với cách thay đổi tiên phong của chị Liên, chất lượng tiêu trên địa bàn xã Vĩnh Hòa cũng dần thay đổi, đáp ứng yêu cầu nhà phân phối, đủ chuẩn xuất khẩu. Từ con số ít ỏi 500 kg tiêu được xuất đi lần đầu tiên năm 2015, trải qua 5 năm, nay đã đạt 40 tấn vào năm 2020. Trong năm 2021, Công ty TNHH Duy Prosper do chị Liên làm giám đốc đã xuất khẩu 100 tấn tiêu khô sang Mỹ, mang lại doanh thu 12 tỉ đồng.
Trong suốt 10 năm gắn bó với cây tiêu, đến nay thương hiệu tiêu do chị Liên sản xuất đã có mùa thứ 6 xuất khẩu sang Mỹ.
Mong muốn đưa hạt tiêu Quảng Trị có chỗ đứng trên bản đồ nông nghiệp, hiện tại chị Liên đang trồng mở rộng tại các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, dự kiến tính riêng Quảng Trị có thể xuất khẩu sang Mỹ 40 tấn tiêu khô/mùa. Với cách mở rộng này, chị sẽ tạo ra một mạng lưới thu mua toàn tỉnh, đưa sản phẩm tiêu Quảng Trị có chất lượng sản phẩm đồng đều, không bị chênh lệch bởi sự khác biệt từng vùng.
Bình luận (0)