Người mang mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: 'Cả đời chỉ có một lần thôi'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
06/05/2024 12:25 GMT+7

Dù đã 96 tuổi, nhưng cụ Nguyễn Công Dinh, người mang mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bác Hồ báo cáo về việc thay đổi phương án tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vẫn kể rành mạch câu chuyện này.

Nhiều lần đi theo Đại tướng

Trong dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mời cựu chiến binh Nguyễn Công Dinh, người mang mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bác Hồ trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đến buổi gặp mặt, nhân dịp ra mắt cuốn sách Điện Biên Phủ của Đại tướng.

Tại đây, cụ Dinh đã kể lại câu chuyện này và cho biết mình đã được chọn cho một nhiệm vụ hết sức quan trọng, "cả đời chỉ có một lần thôi".

Cụ Nguyễn Công Dinh hào sảng kể chuyện tại buổi lễ ra mắt sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cụ Nguyễn Công Dinh hào sảng kể chuyện tại buổi lễ ra mắt sách của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VŨ THƠ

Cụ Nguyễn Công Dinh cho biết, ngay sau cuộc họp lãnh đạo các đại đoàn để quyết định thay đổi phương án tác chiến, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc", Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng - Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ, đã viết một bức thư trình bày rõ lý do xin thay đổi phương án tác chiến gửi đến Bác Hồ và Bộ Chính trị.

Khi đó, cụ Dinh là sĩ quan tác chiến thuộc Sở chỉ huy chiến dịch và đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn để giao nhiệm vụ hết sức quan trọng, mang bức mật thư từ Điện Biên Phủ về An toàn khu Thái Nguyên.

"Tôi 96 tuổi, có 77 năm tuổi Đảng. Tôi đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày đầu tới ngày cuối, không sót một ngày nào. Tôi đã sống với Đại tướng một khoảng thời gian dài, từ ngày nhập ngũ đến khi xuất ngũ, nhất là trong thời gian tôi ở Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu.

Gần suốt cả cuộc đời quân đội của tôi đã ở đấy. Vì thế, tôi được nhiều lần làm việc với Đại tướng, đi theo Đại tướng", cụ Dinh kể.

Dù đã 96 tuổi nhưng cụ Nguyễn Công Dinh vẫn nhớ rất chi tiết câu chuyện của 70 năm trước

Dù đã 96 tuổi nhưng cụ Nguyễn Công Dinh vẫn nhớ rất chi tiết câu chuyện của 70 năm trước

VŨ THƠ

Cụ Dinh cũng cho biết, ngày đó, quyết định của Đại tướng thay đổi phương án tác chiến là một kỳ công, nhất là việc thuyết phục được các lãnh đạo chấp thuận.

Cụ Dinh luôn nhấn mạnh, Đại tướng không chỉ tài giỏi trong chỉ huy quân sự mà trong cuộc sống đời thường luôn gần gũi, hiền hậu, luôn thương yêu cấp dưới.

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

"Cứ được giao nhiệm vụ là đi"

Nhớ lại giây phút nhận nhiệm vụ quan trọng ngày đó, cụ Dinh cho biết, sau khi thay đổi phương án tác chiến, Đại tướng đã viết một bức thư ngay trong đêm và đến trưa hôm sau thì cụ Dinh được gọi lên nhận nhiệm vụ quan trọng. 

Cụ Dinh kể: "Khi ăn trưa xong, tôi được lệnh lên gặp Đại tướng để nhận nhiệm vụ mới. Tôi cũng chưa biết là nhiệm vụ gì.

Khi lên đến nơi, Đại tướng rất ân cần, vui vẻ nói cậu ngồi đấy. Tôi ngồi xuống. Đại tướng nói: "Đây là một bức thư mật, cậu phải mang về an toàn khu, đưa tận tay và báo cáo với Bác Hồ và xin chỉ thị của Bác. Trường hợp không gặp được thì phải xin gặp anh Văn Tiến Dũng và nhờ anh ấy đưa ngay thư cho Bác".

"Tôi nhận nhiệm vụ, Đại tướng dặn rất rõ ràng, rất kỹ lưỡng, tài liệu quan trọng, bí mật này phải đưa tận tay Bác Hồ, đi đến nơi, về đến chốn, không được để xảy ra chuyện gì", cụ Dinh kể lại.

Cụ Nguyễn Công Dinh kể lại giây phút gặp bất trắc trên đường đi

Cụ Nguyễn Công Dinh kể lại giây phút gặp bất trắc trên đường đi

VŨ THƠ

Rồi cụ Dinh chia sẻ, con đường từ Điện Biên về an toàn khu Thái Nguyên phải đi qua 3 trọng điểm địch bắn phá ác liệt là đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi (tỉnh Sơn La) và bến phà Âu Lâu (tỉnh Yên Bái), "nhưng lúc bấy giờ chúng tôi cứ được giao nhiệm vụ là đi làm, chứ không nghĩ gì cả".

Khoảng 4 giờ chiều thì cụ Dinh mang bức thư lên đường trên chiếc xe của Đại tướng. "Ở Điện Biên cứ 4 giờ chiều là sương xuống, cho nên 4 giờ chiều là quân đội, dân công, dân quân tự vệ mới ra đường. Tôi cũng 4 giờ là xuất phát. Tôi đi cả đi cả về mất 5 ngày 5 đêm, 29 tết tôi mới về đến nơi", cụ Dinh nhớ lại

"Chạy được mấy chục thước thì nghe bom nổ"

Cụ Dinh nhớ lại: "4 giờ chiều hôm đó, Đại tướng ra bắt tay tiễn tôi. Qua khỏi đèo Pha Đin thì xe tôi gặp rất nhiều bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong đi nườm nượp. Về đến phà Âu Lâu, anh lái phà thấy chiếc xe con thì biết đó là xe chỉ huy nên lái phà vào ngay.

Phà qua được nửa sông thì nghe kẻng báo động, lúc đó tôi cũng sợ đấy, nhưng không dám nói. Tôi bảo anh lái xe nổ máy sẵn, khi phà vừa chạm đất thì xe vọt lên ngay, chạy được mấy chục thước thì nghe bom nổ phía sau thật, nhưng nổ trên sông, chứ không trúng phà", cụ kể lại giây phút nguy hiểm.

Cụ Nguyễn Công Dinh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trong buổi ra mắt cuốn sách Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cụ Nguyễn Công Dinh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu trong buổi ra mắt cuốn sách Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

VŨ THƠ

"Có điều này không hiểu do ai xui khiến, khi nghe kẻng báo động ở phà Âu Lâu, không hiểu tại sao tôi lại nảy ra suy nghĩ, nếu bom nổ trúng phà, mình bị rơi xuống thì có hai trường hợp, một là mình sống, hai là mình chết. Trong tư tưởng thì xác định rơi xuống là chết, vì tôi bơi kém, sông Hồng thì chảy xiết. Tự nhiên tôi tháo chiếc thắt lưng thắt ngang chiếc xà cột đựng lá thư, siết chặt vào người.

Tôi nghĩ là, nếu tôi rơi xuống nước thì chiếc xà cột vẫn được đeo chặt vào người mình, không bị rơi đi mất, nếu có ai vớt được xác thì sẽ tìm được chiếc xà cột và tìm được thư", kể đến đây cụ Dinh bật cười như thể vừa thoát nạn.

Rồi cụ kể tiếp: "Xe chúng tôi chạy tiếp qua cầu Bình Ca, qua Đèo Khế rồi về đến Chợ Chu (tỉnh Thái Nguyên) là gần trưa. Để xe lại, tôi đi bộ từ Chợ Chu vào gần nơi Bác Hồ đang họp là chiều. Vào đến khu vực bảo vệ, tôi đợi nhưng không báo cáo được với Bác Hồ, nên tôi đề nghị xin gặp đồng chí Văn Tiến Dũng. Khi đồng chí Văn Tiến Dũng ra, tôi báo cáo hết tình hình. Đồng chí Văn Tiến Dũng nhận thư, nói với tôi là sẽ báo cáo với Bác Hồ.

Sáng hôm sau tôi lại đến, ngồi đến khoảng 9 - 10 giờ thì đồng chí Văn Tiến Dũng trực tiếp đi ra. Đồng chí nói: Thư tôi đưa cho Bác Hồ rồi, Bác nói là đã xem rồi. Bác nói: trong thư anh Văn viết đã rất rõ ràng rồi, cậu phái viên không phải báo cáo nữa. Bác đang bận họp, mà bắt cậu ấy đợi thì mất việc của cậu ấy, nên cho cậu ấy về và bảo cậu ấy là Bác Hồ đã xem, Bác Hồ sẽ trả lời cho anh Văn, tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Người mang mật thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: 'Cả đời chỉ có một lần thôi'- Ảnh 5.

Các đại biểu lắng nghe câu chuyện của cụ Nguyễn Công Dinh

VŨ THƠ

"Cả đời chỉ có một lần thôi"

"Chiều hôm đó tôi lên xe đi về. Về đến nơi toàn bộ Sở Chỉ huy đã chuyển vào Mường Phăng (tỉnh Điện Biên). May là khi tôi về thì vẫn còn mấy anh em cấp dưỡng đang ở lại. Họ cho tôi ăn cơm nguội rồi cùng vào Mường Phăng. Vào đến nơi tôi chạy lên báo cáo Đại tướng.

Đại tướng nói: Bác Hồ đã nhận được thư và trả lời đồng ý rồi. Cậu đã làm việc rất trách nhiệm, đi nhanh và an toàn. Cậu đã hoàn thành nhiệm vụ. Giờ cậu ngồi nghỉ, kể tôi nghe chuyện đi đường.

Tôi nói: Báo cáo anh, nói là chiến tranh, nhưng bộ đội, dân công đi vui như tết trên đường, họ hát, họ hò, vui lắm. Tôi còn nhớ câu hò: trèo đèo lội suối băng băng, xe thồ đè bẹp xe tăng quân thù...".

Cụ Dinh kể đến đây, cả hội trường vỗ tay không ngớt. Người cựu chiến binh già như sống lại cái giây phút hào hùng của quá khứ.

Cụ Nguyễn Công Dinh hào sảng kể lại câu chuyện của mình

Cụ Nguyễn Công Dinh hào sảng kể lại câu chuyện của mình

VŨ THƠ

Cụ Dinh chia sẻ, sau này có nhiều người hỏi, lúc đó cụ cảm nhận thế nào? "Thật sự là tôi không nghĩ gì cả. Là bộ đội, nhận nhiệm vụ cấp trên giao thì cứ thế mà làm, làm đến nơi đến chốn, không sợ chết, không nghĩ đến bản thân mình. Nhất là mình lại biết đây là thư gửi Bác Hồ, quan trọng lắm, phải thực hiện bằng được. Mình đã được chọn cho một nhiệm vụ hết sức quan trọng, cả đời chỉ có một lần thôi", cụ Dinh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.