Cuộc cạnh tranh về vóc dáng
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của nghề người mẫu là... các số đo. Hãy còn một khoảng cách xa khi so sánh chỉ số này giữa người mẫu Việt Nam với các người mẫu ở các nước khi họ có các số đo ba vòng lần lượt là 85-90 cm, 60-62 cm, 88-92 cm và chiều cao tối thiểu 1m75. Hiện nay đa số người mẫu tại Việt Nam chỉ đạt được chiều cao trung bình từ 1m67 đến 1m70 với số đo vòng ngực và mông thua sút các người đẹp thế giới từ 3 đến 5 cm!
Cách đây 6 năm, trong một chương trình biểu diễn thời trang tại Manila (Philippines), Hoa hậu Phan Thu Ngân lúc đó chỉ là một người mẫu bình thường, chưa có tên tuổi đã được mời tham gia biểu diễn. Với chiều cao và vòng một rất "giới hạn" (1m69, 82 cm), Thu Ngân đã mất tự tin khi biểu diễn chung với các người mẫu quốc tế đến từ Singapore, Malaysia, Philippines. Sau đêm diễn, Thu Ngân thổ lộ: "Khi thấy siêu mẫu Gemith (Philippines) bước ra catwalk, tôi không còn tâm trí để thể hiện mình. Cô ấy rất cao (1m84) và biểu diễn quá chuyên nghiệp. Mỗi cú xoay người của Gemith làm khán giả ngẩn ngơ. Diễn chung với cô ấy tôi thấy mình nhỏ bé quá".
Một điều quan trọng không kém là chỉ số cân đối về hình thể của người mẫu Việt Nam vẫn không đạt chuẩn quốc tế. Đơn cử nếu cao trung bình 1m70, người mẫu Việt luôn có phần lưng dài, chân ngắn trong khi người mẫu nước ngoài thì ngược lại. Mà để khắc phục điều này, chúng ta phải có một chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý và cả việc cải tạo gen di truyền.
Trở ngại về kỹ năng
|
Có người mẫu trong lần tham dự chương trình thời trang tại Nam Ninh (Trung Quốc) gần đây đã khẩn thiết đề nghị nhà tạo mẫu cho cô không biểu diễn, chỉ làm trợ lý vì cô cảm thấy tự ti với các người mẫu Trung Quốc về sắc vóc và khả năng trò chuyện bằng tiếng Anh. Cô phải từ chối những bạn người mẫu Trung Quốc khi họ xổ một tràng tiếng Anh (có lẽ mời đi ăn tối) mà cô chỉ có thể trả lời bằng tay!
Hiện nay, đa số người mẫu đều được phát hiện và trưởng thành qua các cuộc thi sắc đẹp, không ai tốt nghiệp từ các trường đào tạo người mẫu. Thu nhập không cao, thường xuyên phải biểu diễn trong môi trường làm việc không chuyên nghiệp thì việc phát triển nghề nghiệp xem ra còn quá xa vời. Họ - các người mẫu - phải tự học, hoặc người đi trước chỉ bảo kinh nghiệm cho người đi sau. Để nghề người mẫu mang tính chuyên nghiệp hơn cần có trường đào tạo những kỹ năng chuyên môn cũng như một ngành công nghiệp thời trang phát triển. Ngoài ra, có thể chúng ta còn phải chờ đợi trong một thời gian dài nữa vì một số nguyên nhân "ngoài dự kiến". Đó là việc một số người mẫu gần đây đã gây nên những xì-căng-đan không tốt cho giới dẫn đến việc ngày càng ít bạn trẻ tha thiết với nghề. Anh Tạ Nguyên Phúc, phụ trách CLB Thời trang Thanh Niên bổ sung thêm ý kiến về việc khan hiếm người mẫu hiện nay: "Do bị nhiều tai tiếng trong thời gian qua nên rất nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình gia nhập nghề người mẫu. Một số cô gái chỉ chụp hình cho các shop hay biểu diễn trong một chương trình thời trang ở các tỉnh đã mặc nhiên mang danh xưng người mẫu rồi làm những chuyện ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nghề này".
Để rút ngắn khoảng cách...
|
Bà Thúy Hạnh, Giám đốc Công ty Elite Việt Nam, cho biết: "Công ty Elite đã đề cử rất nhiều người đẹp tham gia các cuộc thi trong khu vực. Đến nay có vài người giành được vị trí khá cao nhưng vẫn chưa ai đoạt ngôi vị hoa hậu chính thức ở một cuộc thi lớn. Năm 2005, Ngô Thanh Ngân đoạt giải Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Nữ hoàng du lịch quốc tế ở Trung Quốc và Nguyễn Ngọc Hoa đoạt giải Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Du lịch Liên lục địa tại Malaysia. Nhìn chung các người đẹp Việt Nam có nhan sắc đằm thắm hơn các cô gái châu Á khác. Đa số thí sinh các nước đều có vẻ đẹp hiện đại, ngày càng mất nét nữ tính châu Á, ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc. Qua các cuộc thi, chúng tôi muốn quảng bá hình ảnh đất nước nên việc đề cử các cô gái tham gia “võ đài” nhan sắc phải được chọn lọc cẩn thận. Họ sẽ giúp các nước hiểu thêm về văn hóa và con người Việt Nam chứ không thuần túy chỉ là chiều cao và nhan sắc".
Để tiếp cận với thời trang thế giới, chúng ta cần có một đội ngũ các nhà tạo mẫu và người mẫu chuyên nghiệp. Cơ hội được lưu diễn, cọ xát, thu thập kinh nghiệm qua các show diễn ở nhiều nước sẽ giúp người mẫu Việt Nam tự tin, bản lĩnh hơn trong nghề nghiệp để đến một ngày không xa chúng ta tự hào Việt Nam đã có những gương mặt xuất hiện trên trang bìa các tạp chí thời trang lừng danh thế giới như Vogue, Elle, Harper's Bazaar... và tham gia trình diễn tại Paris, Milan, New York...
Bà Thúy Hạnh, Giám đốc Công ty Elite Việt Nam: "Người mẫu Việt Nam không có tính tự lập, luôn ỷ lại vì cho rằng mình là người đẹp thì phải có người quan tâm, chăm sóc. Thêm vào đó là khả năng yếu kém về ngoại ngữ dễ khiến họ khó hòa nhập vào môi trường làm việc có tính chuyên nghiệp cao ở các nước phát triển. Và họ sẽ phản ứng bằng cách thu mình trong vỏ ốc, ngại tiếp xúc với đồng nghiệp, báo giới khi ra nước ngoài".
Ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty PL: "Người mẫu Việt Nam không tự tin khi tham gia biểu diễn với người mẫu nước ngoài, ít có cơ hội làm việc với các công ty tổ chức biểu diễn mang tính chuyên nghiệp cao. Tôi rất mong tìm được giáo viên giảng dạy chuyên nghiệp có bằng cấp chuyên môn để hướng dẫn các người mẫu theo quy cách, bài bản như các người mẫu thế giới".
Anh Tạ Nguyên Phúc, quản lý CLB Thời trang Thanh Niên: "Theo tôi, hiện nay người mẫu nước ta đạt chỉ số hình thể thấp nếu so với khu vực. Khi tham gia các cuộc thi người đẹp hay biểu diễn thời trang ở nước ngoài thì sự thua sút này trở thành rào cản chính khiến rất ít người đoạt giải cao dù đa số đều có gương mặt khả ái. Tuy nhiên cũng phải khích lệ tinh thần làm việc của các người mẫu. Họ thật sự yêu và hết lòng vì nghề nghiệp". |
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)