Người mê làm du lịch dưới tán rừng

23/06/2024 07:07 GMT+7

Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có nhiều khu, điểm du lịch dưới tán rừng. Nhưng ít người biết cách đây 30 năm, loại hình du lịch này đã rất nổi tiếng do một cựu chiến binh làm chủ.

Đó là ông Nguyễn Đức Phúc, trung tá quân đội về hưu. Dù bước qua tuổi 83, nhưng ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông Phúc hào sảng kể về một thời khốn khó mà vẻ vang của tour du lịch "Một đêm trong rừng vắng" tại Khu du lịch (KDL) Đarahoa dưới chân núi Voi (H.Đức Trọng) và sau này ở nhiều nơi khác.

Xin nhận rừng để bảo vệ rừng

Ông Phúc cho biết năm 1993, ông nghỉ hưu sau hơn 30 năm phục vụ trong quân đội và có thời gian làm chuyên viên văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng. Suốt thời gian trong quân ngũ, ông gắn bó với núi rừng Tây nguyên nên ấp ủ làm một việc gì đó cho đỡ nhớ rừng sau ngày về hưu.

Người mê làm du lịch dưới tán rừng- Ảnh 1.

Ngôi nhà gỗ dưới tán rừng thông

Lâm Viên

Nghĩ là làm! Cơ sở du lịch sinh thái dưới tán rừng đầu tiên ra đời tại khu rừng Đarahoa dưới chân núi Voi mà ông được tỉnh Lâm Đồng giao đất, giao rừng để bảo vệ, quản lý rừng. Ông Phúc giúp hơn 10 hộ dân có công ăn việc làm ổn định. Hai năm sau, dự án định canh định cư cho 40 hộ làng Đarahoa gắn với rừng và làm du lịch sinh thái của công ty ông được duyệt.

Những căn chòi xinh xắn và những "ngôi nhà" trên ngọn cây do chính đồng bào dân tộc thiểu số dựng lên đã thu hút du khách trong và ngoài nước. Du khách đến đây được hòa mình vào khu rừng nguyên sinh với những thác nước chưa có tên trên bản đồ du lịch; rồi đốt lửa trại, uống rượu cần, múa hát cùng bà con đồng bào... Ông Phúc còn mua trâu, bò, thỏ, heo do đồng bào nuôi, thả vào khu du lịch để khách thưởng lãm.

Tiền thu được từ du lịch, ông trả công cho người giữ rừng và giúp đỡ đồng bào nghèo trong thôn. Khi thì gạo, cá khô, khi thì thuốc chữa bệnh hay miếng tôn lợp phòng học cho con em thôn xóm. Với công việc này, đến năm 2000, ông đã giữ được hơn 4.700 ha rừng và vận động hơn 50 hộ dân trong thôn tham gia giữ rừng.

Tiếp đó, ông nhận rừng và làm du lịch dưới tán rừng ở thôn Pang Pá (H.Lâm Hà); đầu tư KDL Đá Tiên bên hồ Tuyền Lâm. Ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua voi từ Đắk Lắk về để phục vụ du khách. Ông còn tổ chức tour du lịch xuyên rừng từ núi Voi.

Tại KDL Đarahoa và Đá Tiên không có cơ sở vật chất xa hoa nhưng du khách có thể trải nghiệm ngủ trên cây hoặc trong nhà sàn mái tranh vách nứa. Bên bếp củi rực than hồng, du khách ăn cơm vắt, thịt nướng, cá suối, rau rừng... trong những cánh rừng hoang sơ ríu rít tiếng chim mỗi khi bình minh thức giấc. Chiều về, du khách vừa ngắm hoàng hôn thấp thoáng bên rừng thông xanh, vừa tìm hiểu văn hóa của cộng đồng dân cư bản địa…

Làng Đarahoa núi Voi và KDL Đá Tiên từng là điểm sáng mô hình du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng được nhiều lãnh đạo Trung ương đến tham quan mỗi khi có chuyến công tác đến Lâm Đồng. Ông Phúc còn lưu giữ những hình ảnh quý chụp cùng nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các vị nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… tại Đarahoa và KDL Đá Tiên.

Đau đáu về "di sản" Đà Lạt

Với nỗ lực xây dựng môi trường du lịch xanh, ông Phúc được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng nhiều năm liền. Ông từng lên tiếng phản biện để bảo vệ rừng và phát triển du lịch xanh Đà Lạt. Ông nhiều lần cảnh báo tình trạng Đà Lạt bị bê tông hóa, làm teo tóp rừng thông. "Đà Lạt luôn tự hào là "thành phố trong rừng" kia mà, và du khách đến với Đà Lạt chính vì điều đó. Nay thông ở nội ô Đà Lạt đang biến mất, thay vào đó là nhà cửa cao tầng, vậy chẳng khác gì ở TP.HCM", ông Phúc nêu ý kiến.

Người mê làm du lịch dưới tán rừng- Ảnh 2.

Ông Phúc luôn đau đáu gìn giữ Đà Lạt xanh

Lâm Viên

Trao đổi với PV, ông Phúc nhiều lần nói đến việc phải lấy thiên nhiên đặc trưng của Đà Lạt làm trung tâm và nương theo đó mà khai thác du lịch, cần tổ chức đô thị dưới tán rừng chứ không xóa bỏ hoặc dọn sạch rừng để xây dựng đô thị. Nhìn những công trình khách sạn hoành tráng, đồ sộ được xây dựng và đưa vào khai thác ở Đà Lạt trong vài năm qua ông Phúc tâm tư: "Đó chưa hẳn là điều tốt đẹp đối với Đà Lạt, một nơi được ví là thành phố trong rừng, rừng trong thành phố".

Với tòa nhà câu lạc golf xây dựng không phép và sai phép ở Đồi Cù, ông Phúc cho rằng không nên để nó tồn tại. "Đồi Cù là "di sản xanh" của Đà Lạt cần phải bảo vệ, giữ gìn không được xây dựng những tòa nhà đồ sộ như thế, rất phản cảm", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.