Giới làm âm nhạc đương đại như Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Sơn X… luôn tỏ ra kính trọng, giới mê mẩn với “quanh bờ ao nhà mình” như Lê Minh Sơn cũng gọi lão bằng thầy. Và tất cả đều công nhận không ai mê nhạc như Ngọc Đại, một niềm đam mê đến quái gở.
Tôi mượn cái tên “người Trung Quốc xấu xí” để nói Ngọc Đại, bởi chẳng ai mê nhạc đến thành xấu trong mắt thiên hạ như lão cả. Gặp Ngọc Đại luôn có cảm giác khó chịu, bởi lão cứ thẳng thắn như thế, đơn giản và vĩ cuồng đến không bao giờ thay đổi được. Hỏi chuyện A, lão sẽ nói lan sang chuyện B, rồi lại miên man ở một phương trời C nào đó. Để lão trôi mãi trong hoài niệm cũng là điều hay, vì lúc đó lão sống động đến lạ thường, có bao nhiêu tự mãn, kiêu căng, bao thất bại, sai lầm, đau đáu, ngay cả nỗi cô đơn đến tột cùng cũng hiện rõ trên khuôn mặt lão. Khuôn mặt với cái đầu trọc, miệng cười toét và mắt híp. Còn bình thường thì mắt lão cứ mở thao láo và những nếp nhăn trên trán đều hằn lên.
Nói chuyện với Ngọc Đại nghĩa là bạn phải không có chính kiến, phải vứt bỏ sở thích bản thân mình, lúc nào cũng phải nhìn lão như một vì sao sáng chói, một thiên tài, sáng tác của lão là nhất, nhận định của lão là chân lý… Và hẳn nhiên là bạn sẽ khó chịu, bởi lão sẽ không ngần ngại thốt ra những từ như: “Anh chẳng hiểu cái… gì cả”, “Tôi… không nói chuyện với cô nữa”. Gặp lão làm tôi nhớ ngay tới câu phát ngôn của Quang Lập: Một ngày không chửi bậy câu nào thì nhạt miệng lắm. Bậy chứ không phải tục tĩu. Nhưng cái chính là lão thẳng tính quá, nghĩ gì trong đầu đều không che giấu, vì thế mà người quý lão cũng nhiều, ghét lão cũng lắm.
Cứ lật lại những gì Ngọc Đại đã từng nói về người trong giới mới thấy họ không giận tím mặt mới là lạ. Lão bảo nhạc Lê Minh Sơn là “hàng rởm”, Vũ Nhật Tân chưa ra gì, Thanh Lam hết thời từ 15 năm trước, Vi Thùy Linh vô văn hóa… Và khi thực sự không còn kiên nhẫn nổi với ai, lão nói như hắt nước đổ đi, có bao nhiêu thương mến cũng thành không khí cả.
Nhưng lấp đằng sau tất cả những khắc kỷ, tự mãn, ngông cuồng ấy là một cá tính âm nhạc ăn sâu bắt rễ vào lòng đất, không gì lay chuyển nổi. Ai cũng thấy suốt 40 năm trời, lão theo đuổi con đường âm nhạc của riêng mình, chưa khi nào tỏ ra mệt mỏi hay lạc lối. Ngọc Đại là người duy nhất mê nhạc như lên đồng, mê đến thành xấu xí vì nhạc.
Không nói được - mất với nhạc
Lần đầu tiên tôi gặp Ngọc Đại, cũng là quán cà phê trên đường Đào Tấn với cốc sữa chua đánh đá. 3 năm rồi vẫn không thấy lão thay đổi thói quen. Hay như lúc ngồi bên quán nước vỉa hè, gọi trà đá, bao giờ lão cũng rít liền vài điếu thuốc lào đến khét lẹt... Nom lão bụi, phủi, nhưng tự nhiên, bình dị với cái kính to, tròn trên mặt chứ không có kiểu lên gân ra dáng ta đây nghệ sĩ. Cuộc sống của lão cũng chẳng gây xôn xao dư luận lắm, dù giới truyền thông cứ ra sức căn vặn để lão bật ra tên gái nào đó trong lúc nói hớ. Lão có 2 vợ: một ở Việt Nam, một ở Bỉ, với 4 con, riêng lão sống một mình trong căn nhà thuê không người chăm sóc. Tôi không hỏi lão về nỗi cô đơn, bởi nếu sợ lão đã chẳng về Việt Nam. Thế nhưng dù được dù mất thế nào chăng nữa, cũng chưa bao giờ lão tỏ ra kiệt sỉ với nhạc.
60 tuổi mà cảm giác những gì Ngọc Đại trải qua bằng mấy kiếp người cộng lại. Ở trong quân đội hơn 10 năm, đi qua đủ các chiến trường Nam Lào, Quảng Trị. Học đại học chính quy. Lão được các đoàn nghệ thuật và cơ quan văn nghệ ngỏ lời xin về. Nhưng hết Nhà hát Tuổi Trẻ đến Đài phát thanh, lão đều không chịu nổi, cuối cùng bỏ ra ngoài làm bầu sô ca sĩ, thành lập trung tâm Thời gian… Vợ đầu tiên bỏ đi vì lão bán cả nhẫn cưới, bán cả quần áo vải vóc trong nhà để lấy tiền đi làm bầu sô, lo nghiệp nhạc. Theo vợ thứ hai sang Bỉ, tưởng như cuộc sống không còn gì phải lo nghĩ. Ai cũng nghĩ lão sẽ sống như vậy với vợ đẹp, con khôn.
Tôi không quan tâm đến hình thức, mà quan tâm tới cái bên trong của âm nhạc, cái đau đớn nhất, mạnh mẽ, điên dại nhất…
|
|
Chỉ tổn thương vì nhạc
Sau đêm “Đại – Lâm – Linh” hôm 19-4 ở Nhà hát Lớn Hà Nội, lão như bị vắt kiệt sức. Lão ngủ một mạch đến 6g chiều hôm sau mới dậy. Trong suốt cuộc đời, đã bao lần lão cháy bùng như thế? Quả là không thể nhớ nổi nữa. Giờ đây, lão ngồi bên quán nước chè vỉa hè, nghiêng ống điếu, khum tay che gió, châm lửa, mắt nheo nheo. “Tôi mê giọng Tùng Dương lắm, cái chất mê mị, không phân biệt giới tính ấy quá hay, nhưng không hiểu nhau thì không ép được”. Mới hay sự hợp tác giữa ca sỹ - nhạc sỹ cũng phải tròn duyên mới thành. Lão biết Linh Dung và Thanh Lâm từ năm 1999, nhưng có vẻ lúc đó kết hợp cũng chưa được, không chỉ là khán giả không chấp nhận, mà có lẽ cả bản thân thầy lẫn trò đều chưa đủ chín.
“Đừng bảo rằng chị thích bài nào, không thích bài nào. Cái tôi muốn mọi người thấy được là con đường nhạc của tôi, nó hình thành, hiện hữu và bắt đầu rõ nét rồi đấy”, lão nói. Lão lắc đầu khi tôi có ý bàn ra tán vào về đêm nhạc. “Không thể chê, không được chê”, chút nữa tôi quên mất câu “thần chú” để giữ hòa khí khi nói cùng Ngọc Đại. Có lẽ điều ngạc nhiên nhất lúc ấy với tôi là một lão điên mạnh mẽ như Ngọc Đại, thế mà lại thành kẻ yếu đuối, dễ bị tổn thương đến thế.
Xét cho cùng, mỗi nghệ sĩ sẽ đi trên một con đường mà họ lựa chọn, sẽ sáng tạo cho mình, cho người, cho công chúng hay chỉ để kiếm tiền… cũng chỉ là lằn ranh vô hình. “Tôi không quan tâm đến hình thức, mà quan tâm tới cái bên trong của âm nhạc, cái đau đớn nhất, mạnh mẽ, điên dại nhất…”, lão nói. Đó hẳn nhiên là lão muốn đi tới cái bản thể tận cùng của con người, lão kêu họ hãy cởi toang ra, cho những cảm giác bất thường không bị chìm sâu, đè nén nữa. Thế nhưng tiếng kêu ấy cũng chỉ như lão già Alexis Zorba đang năn nỉ ông chủ nhỏ của mình hãy sống thật với bản thân hơn nữa. Có thể chính bản thân Ngọc Đại cũng không hề nhận ra rằng nhạc làm lão trở nên xấu xí, đáng ghét, lạc lõng đến thế nào trong mắt mọi người. Và cá tính như Ngọc Đại vẫn là một tồn tại đầy mâu thuẫn trong lòng công chúng.
Phạm Ngọc Lương
Bình luận (0)