Người mẹ nhặt ve chai nuôi cả nhà bệnh tật

An Dy
An Dy
22/10/2024 08:00 GMT+7

Đó là hoàn cảnh thương tâm của bà Trần Thị Thu Thương (59 tuổi), ngụ tổ 37, Đông Trà 5, P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng. Trong căn nhà liền kề với mái tôn hầm hập nóng sát ngay trên đầu, bốn mẹ con bà Thương đùm túm nhau vượt qua những ngày khó khăn nhất.

Giữa nhà là bàn thờ của chồng bà Thương, vừa mất cuối tháng 8.2024, sau khi trải qua quãng thời gian xạ trị bệnh ung thư phổi tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Người thì cũng đã đi xa nhưng gánh nặng vay mượn chi phí điều trị bệnh, rồi mai táng cho chồng vẫn oằn trên đôi vai người phụ nữ gầy yếu. Bà Thương cho biết dù gia đình có bảo hiểm hộ nghèo, nhưng vẫn phải vay mượn thêm để chi phí thuốc thang, hóa chất xạ trị danh mục ngoài bảo hiểm. "Cả hai bên gia đình đều khó khăn nên không ai hỗ trợ được gì nhiều. Giờ chồng mất rồi, một mình tôi chăm nuôi 3 đứa con, trong đó 2 con lớn bệnh tật, con út còn học phổ thông", bà Thương ứa nước mắt.

Người mẹ nhặt ve chai nuôi cả nhà bệnh tật- Ảnh 1.

Bà Thương và những người con bệnh tật trong căn nhà chính sách dành cho hộ nghèo

ẢNH: AN DY

Bà Thương kể đời bà là cảnh khổ triền miên từ hơn 30 năm trước, khi vừa sinh đứa con trai đầu lòng bị động kinh nặng, rồi bại não, liệt tứ chi và suy dần các chức năng cơ thể. Hiện người con trai (32 tuổi) của bà đã mất ý thức, không thể tự chủ sinh hoạt. Đứa con gái thứ hai (22 tuổi) cũng bệnh dị dạng cột sống ngực và cột sống thắt lưng từ khi còn nhỏ. Bà Thương cho biết bà nuôi đứa con gái thứ hai cũng nhọc nhằn vì đủ bệnh. "Có những khi cột sống và khung xương dị dạng ép tim phổi cháu thở không được dẫn đến tím tái. May mắn khi cháu 12 tuổi đã được các hội từ thiện hỗ trợ và trải qua 5 ca mổ tái tạo, định hình cột sống nên mới có thể sống đến hiện tại, nhưng thể trạng cháu vẫn rất kém, không học hành, làm lụng được gì", bà Thương kể.

Gia đình bà Thương thuộc diện hộ nghèo tại địa phương. Gần 12 năm trước bà cũng được vay vốn hộ nghèo để làm ăn nhưng gia cảnh khốn khó, neo người, lại bệnh tật khiến bà ngày qua ngày "cụt dần vốn". "Vì làm gội đầu mà họ thấy nhà có người động kinh gào thét rồi bệnh liên miên, họ không dám đến", bà Thương nói.

NHẶT VE CHAI VÀ QUẦN ÁO CŨ ĐỔI GẠO MẮM

Khi những đứa con có thể chăm nhau, bà Thương lại tất bật ngoài đường nhặt ve chai, quần áo cũ về giặt sạch bán lại cho người lao động ở chợ rồi họ cho vài chục ngàn đổi ít gạo mắm cho con. "Nhưng bây giờ khó hơn rồi vì không ai mua đồ cũ nữa. Họa hoằn lắm mới gặp người quen họ thương tình mua giúp rồi cho mình vài ngàn mua thức ăn", bà Thương nói.

Nhìn những đứa con ốm đau vẫn phải dựa dẫm vào mình trong khi bản thân thì sức cùng lực kiệt, bà Thương lo thắt ruột gan. Rồi bữa đói bữa no cũng khiến căn bệnh dạ dày và đại tràng của bà trở nặng. Thỉnh thoảng cũng có hội từ thiện đến nhà cho ít gạo, mì tôm, mắm muối để mẹ con rau cháo chăm nhau… "Sức tôi bắt đầu suy kiệt rồi. Ước gì các con của tôi được các nhà hảo tâm hỗ trợ đôi chút. Để đứa con trai lớn có tiền đi bệnh viện chứ mấy năm nay khối u ở họng khiến cháu ho ra máu suốt. Mỗi lần hết thuốc này, đổi thuốc khác với liều lượng thay đổi là nó co giật tưởng chết tới nơi", bà Thương ứa nước mắt.

Rồi bà mong cho đứa con gái thứ hai, khi sinh ra đã bệnh tật dị dạng cột sống, được giúp đỡ để có thể chữa mắt, khi đôi mắt của cháu bắt đầu mờ dần vài năm trở lại đây. Đôi mắt khiếm thị khiến cho sinh hoạt và việc làm thêm vốn đã khó của cháu càng thêm khó.

Bệnh tật, khó khăn đủ bề, nhưng bà Thương còn đau đáu khoản tiền 50 triệu đồng vay từ nguồn vốn sinh kế dành cho hộ nghèo địa phương, suốt 12 năm qua vẫn chưa trả được. Mỗi tháng bà gồng gánh giỏi lắm cũng chỉ có thể trả được tiền lãi tầm 200.000 - 300.000 đồng, còn vốn vay thì không cách nào trả nổi. "Tôi yếu bệnh, mất sức rồi còn để lại nợ cho các con nên thấy xót xa quá…", bà Thương nghẹn ngào.

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ bà Trần Thị Thu Thương; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến gia đình bà Thương trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.