Cô bé bị cha mẹ bỏ rơi mong có tiền điều trị bệnh

19/12/2023 09:24 GMT+7

Căn bệnh tiểu đường mãn tính khiến tương lai của Thị Bích Ngọc (9 tuổi, người dân tộc Khmer) trở nên mờ mịt trong hoàn cảnh cha mẹ đã bỏ đi, em phải ở với ông bà ngoại nghèo khó.

Chải tóc cho cháu ngoại, bà Thị Chăng (53 tuổi, ngụ xã Lương Nghĩa, H.Long Mỹ, Hậu Giang) ứa nước mắt nói: "9 tuổi nhưng Ngọc chỉ mới học lớp 1, trễ 2 năm so với bạn cùng tuổi. Cháu còn nhỏ nhưng hiểu chuyện, chỉ mong có thể đọc được chữ, đếm được số. Thầy cô cũng hết lòng giúp đỡ và tạo điều kiện, vì phần lớn thời gian cháu phải nằm viện".

Trong căn nhà lá trống huơ trống hoác, nhìn Ngọc nằm lả trên giường, thiếu tình thương cha mẹ, ai cũng xót xa. "Khi Ngọc mới 4 tháng tuổi, cha mẹ đưa đến cho tôi nuôi để đi làm ăn xa. Sau đó vợ chồng nó không chung sống nữa. Cha Ngọc đi đâu không rõ, mẹ thì có chồng mới ở Đồng Tháp. Hơn 4 năm nay không ai về thăm hay gọi điện gì cả", bà Chăng buồn rầu nói.

Cô bé bị cha mẹ bỏ rơi mong có tiền điều trị bệnh - Ảnh 1.

Ngọc bị bệnh tiểu đường mãn tính phụ thuộc insulin đã 5 năm nay

THANH DUY

Hơn 7 năm trước, vợ chồng bà Chăng lên TP.HCM làm thuê kiếm sống, Ngọc cũng đi theo. Bà Chăng làm công việc lột vỏ tôm, còn chồng đi phụ hồ. Mới 4 tuổi Ngọc đã bị bệnh tiểu đường. "Căn bệnh khiến Ngọc mệt mỏi, ngất xỉu thường xuyên. Từ đó, trường không dám nhận cháu vào học nữa, tôi phải nghỉ làm ở nhà trông cháu, để hễ có triệu chứng là chuyển qua bệnh viện. Một năm trước, chúng tôi khăn gói về quê vì ông ngoại Ngọc lớn tuổi không xin được việc", bà Chăng tâm sự.

Cùng với chồng sổ khám bệnh của Ngọc chất cao trên bàn, tiền chữa trị và nợ nần của vợ chồng bà Chăng cũng tăng theo. Mới đây, gia đình phải bán đi thửa ruộng duy nhất để xoay xở qua cảnh khó khăn. Gánh nặng cơm áo dồn nặng thêm lên vai chồng bà Chăng. Ai thuê gì ông làm nấy, không ai thuê thì ông đi giăng lưới, đẩy côn bắt cá; hôm nào may mắn thì được khoảng 200.000 đồng.

Thể trạng của Ngọc yếu ớt, vùng bụng và đùi hằn rõ những vết tích của việc tiêm insulin suốt 5 năm qua. Khi không cầm cự ở TP.HCM được nữa, bà Chăng được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 hướng dẫn, tập huấn kỹ lưỡng việc tự tiêm insulin tại nhà. Ngày nào bà cũng phải tiêm cho cháu, hết thuốc thì lên TP.HCM tái khám, 1 tháng ít nhất 2 - 3 lần. Bác sĩ chỉ định thì Ngọc nằm viện, có khi 10 bữa hoặc nửa tháng để theo dõi.

Ngọc có bảo hiểm y tế nhưng phải mua thêm nhiều thuốc bên ngoài. Tiền ăn uống, xe cộ luôn là nỗi lo lắng của bà Chăng. Nhiều lần trong túi bà chỉ còn 100.000 đồng, bà con trong bệnh viện góp mỗi người một ít để chia sẻ với 2 bà cháu. "Bác sĩ khuyên xét nghiệm gien cho Ngọc, nhưng vì không có tiền nên mấy năm qua gia đình chưa làm được. Căn bệnh đã ảnh hưởng tới mắt, nếu không can thiệp sớm thì tình trạng suy thận sẽ đến nhanh hơn. Việc trị bệnh cho Ngọc được dự báo còn rất dài nhưng giờ chúng tôi đã kiệt sức, không còn khả năng lo cho cháu", bà Chăng bật khóc.

Ông Huỳnh Hoàng Đệ, Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, cho biết vợ chồng bà Chăng thuộc diện hộ nghèo. Hoàn cảnh của cháu Ngọc quá ngặt nghèo, cần được giúp đỡ, rất mong các nhà hảo tâm chia sẻ để gia đình có điều kiện trị bệnh cho cháu . 

Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ cháu Thị Bích Ngọc; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến cháu trong thời gian sớm nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.