Người mẹ từng bị chồng thiêu sống tất tả đưa hai con về quê tránh dịch Covid-19

Lê Nam
Lê Nam
01/08/2021 10:46 GMT+7

Từng phải ôm hai con nhỏ rời quê hương sau cơn ám ảnh về vụ hỏa hoạn gây thương tật 92% lên cơ thể, chị Kim Ngân – người mẹ nghị lực lại phải dìu dắt con thơ trở về quê tránh dịch Covid-19 vì khốn khổ.

Chiều tháng 7, Sài Gòn nắng như đổ lửa, trong bộ đồ bảo hộ kín như bưng, chị Kim Ngân gồng mình chịu đựng những cơn ngứa do mồ hôi thấm vào từng vết da loang lổ, chưa lành lặn trên cơ thể. Người mẹ từng bị chồng thiêu sống cách đây 2 năm bị thương tật đến 92%, từng phải ôm hai con nhỏ rời quê hương vào Sài Gòn làm lại cuộc đời, nay quặn lòng tìm đến chuyến xe nghĩa tình chở lại quê nhà vì Covid-19 vắt kiệt sức lực của chị.

Bộ đổ bảo hộ kín mít vẫn không thể che hết số vết thương trên cơ thể mà người phụ nữ này phải chịu đựng

Lê Nam

“Chị bị bỏng, thời gian qua dịch bệnh mình đâu buôn bán gì cả. Trúng cửa hàng của chị, mình không được ra đường xong bị trộm mất. Giờ cảm thấy cuộc sống khó khăn quá. Ba mẹ con ở đây khó khăn quá, lỡ bị bệnh hay gì đó không có ai lo, không có ai đỡ đần nên mình đưa con về quê thôi”, chị Ngân chia sẻ với phóng viên trước hành trình trở về quê.

Người mẹ từng bị chồng thiêu sống tất tả đưa hai con về quê tránh dịch Covid-19

Chị Ngân cũng là nhân vật từng xuất hiện trong bài Cảm động người vợ từng bị chồng thiêu sống: 'Vì còn có các con'Thanh Niên đăng tải vào hồi cuối tháng 3.2021.

Ba mẹ con chị Kim Ngân chụp bức ảnh kỉ niệm trước giờ lên xe hồi hương

Còn thở là còn nuôi con

Lúc mới vào Sài Gòn, đi còn chưa vững do vết thương chưa lành, chị thuê nhà trọ và nhận sửa quần áo về làm thêm. Một thời gian sau, được nhà hảo tâm giúp đỡ nên chị được ở nhà mà không phải trả tiền thuê trọ. Chị đăng ký cho con học trường gần nhà, thuê mặt bằng ở QL22 (TP.HCM).

Ba mẹ con dìu dắt nhau trở về quê sau chuỗi ngày sống chật vật ở Sài Gòn

Lê Nam

Để kiếm thêm thu nhập, chị Ngân nhận bán thêm tinh dầu và bán vé máy bay online cùng việc sửa quần áo. Hằng ngày chị đưa hai con đến trường, sau đó trở về làm việc từ sáng đến chiều rồi đi đón con. Hai cậu con trai Minh Hiếu (8 tuổi) và Minh Trí (10 tuổi) chính là nguồn động lực to lớn giúp chị mạnh mẽ sống tiếp.
“Mấy hôm vừa rồi suy nghĩ nhiều bị đau đầu, mình nói với các con không biết mẹ có bị lây Covid-19 không? Hai đứa nó gạt đi, nói mẹ có đi chợ, đi ra ngoài đường đâu mà lây, mẹ không sao đâu, mẹ đừng có lo”, chị Ngân tâm sự.

Minh Hiếu (8 tuổi) và Minh Trí (10 tuổi) đang thực hiện test nhanh Covid-19 trước khi lên xe

Lê Nam

“Bị bỏng 9 mấy phần trăm thì cơ thể mình đã bị tổn hại rất nhiều, sức khoẻ không còn ổn nữa. Thay vì mệt, thay vì khó thở, có những lúc mình rất mệt nhưng mình còn hai đứa con, còn trách nhiệm nên mình phải ráng vượt lên, ráng cố gắng lo cho con. Mình còn hơi thở, còn sống được ngày nào thì mình cố gắng vì con mình, để con nó lớn cũng đỡ”, bà mẹ từng bị thiêu sống nói.
Trước đêm về lại quê nhà, chị Kim Ngân mất ngủ. Một phần vì hồi hộp, phần khác cũng nhiều nỗi lo những ngày tháng gian khó phía trước. “Nói chung là không ngủ được. Vì phương tiện khó khăn, đi xa xôi, còn hai đứa con, nói chung đồ đạc nhiều nữa nên rất lo. Tới đây thì cái lo của mình đã nhẹ nhàng. Mình chỉ lo là tất cả mọi người trên xe không ai dương tính Covid-19, ba mẹ con về quê bình yên. Mình về mình cách ly xong, nếu không may có người dương tính thì rất lo. Bây giờ lo đi đứng hết rồi, còn bây giờ lo sự bình an là xong”.

"Còn thở ngày nào, tôi sẽ dành hết sức lực để nuôi con khôn lớn", chị Kim Ngân nói

Lê Nam

Trở về quê vì quá khốn khổ, ba mẹ con chẳng có tiền gọi xe nên đành dìu dắt đi bộ. Trên đường, thấy hoàn cảnh thương tâm, một anh tài xế tốt bụng đã cho đi nhờ.
“Em nó chạy xe tải, thấy ba mẹ con đi bộ, đến chân cầu cầu Hiệp Bình Phước thì xe tải không vô được nên qua bên chốt, mấy chú làm quân đội mới năn nỉ đưa vô dùm đây vì nửa tiếng nữa là xe chạy. Mấy chú quân đội mới dẫn đường đi trước, rồi xe chạy sau nên vừa kịp đến giờ ra bến xe chạy”.
Trước lúc ra bến xe, ba mẹ con sửa soạn đồ đạc, cất kĩ những gì còn lại trong nhà. Chờ thời gian quay trở lại Sài Gòn để làm lại từ đầu, dẫu biết hành trình phía trước rất chông gai.

HCDC: TP.HCM tổng cộng 34.639 ca Covid-19 đã được xuất viện

Đã nghèo còn bị trộm

Chị Ngân kể từ ngày thành phố thực hiện chỉ thị 16, lo sợ nhiễm bệnh rồi lây hai người con, chị không dám ra đường. Phiếu đi chợ phường phát cho bao nhiêu vẫn giữ nguyên bấy nhiêu. Nói hồi chị lấy trong túi ra một sấp giấy đi chợ chứng minh cho phóng viên.
Hai hôm trước, khi nhà hết sạch gạo, chị Ngân buộc phải ra đường kiếm chỗ bán. Tình cờ đi ngang qua cửa hàng của mình thì phát hiện toàn bộ hàng hóa, đồ đạc kèm theo chiếc máy vắt sổ - gia tài lớn nhất để chị mưu sinh bị trộm lùa sạch. Khóc chẳng được, chị gục ngã vì thất vọng, số tài sản bị đánh cắp cũng đến mười mất triệu. Buồn quá chị chỉ còn biết quay clip hiện trường chị bị mất rồi đăng lên mạng xã hội, chị cũng chỉ báo vụ việc với chủ nhà mà thôi. 

Chiều 31.7, ba mẹ con chị Ngân cùng gần 500 người Phú Yên khác đã lên những chuyến xe của nhà xe Phương Trang rời Sài Gòn, trở về quê hương tránh dịch

Lê Nam

“Bữa đó hết gạo, còn giãn cách không ra đường mới đi mua gạo, đi ngang qua cửa hàng mới thấy cửa hé hé, vô mở thì thấy tất cả sản phẩm mình bán thì bị dọn hết trơn, còn để lại vài hũ. Rồi bị lấy cái máy vắt sổ, ngoài bán hàng ra chị còn may, sửa quần áo thêm cho khách để kiếm tiền nuôi con. Trộm lấy luôn cái máy vắt sổ luôn”.
Hỏi chị nhìn cảnh gia tài bị cuỗm hết đi giữa lúc khó khăn, cảm xúc lúc ấy thế nào? Chị bảo: “Lúc đó mình muốn khóc mà khóc không được, không biết nói gì nữa. Cảm thấy rất uể oải, muốn ngã sụp thôi, không còn nói được gì nữa”.

Nhiều âu lo trong đôi mắt người mẹ nghị lực này

Lê Nam

Chiều 31.7, ba mẹ con chị Ngân cùng gần 500 người Phú Yên khác đã cùng những chuyến xe nghĩa tình của Phương Trang rời Sài Gòn, trở về quê hương sau những ngày khó khăn chống chọi dịch bệnh.
Ông Trình Quang Phú - Chủ tịch hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM cho biết: “Cho đến giờ phút này, hội đồng hương Phú Yên đã đăng ký được 12.640 người Phú Yên tại TP.HCM. Ủy ban tỉnh thực hiện chủ trương của Thủ tướng đưa hết tất cả người này về đã tổ chức được 2 chuyến, chuyến này chuyến thứ 3, như vậy là trên 1.200 người, chuyến này được 450 người.
Phương Trang ủng hộ cho 20 xe, mỗi xe có 45 chỗ ngồi nhưng mình ngồi một nửa nên chỉ có 25 chỗ ngồi thôi. Những người về phải không có F1, F2, phải có xét nghiệm âm tính mới lên xe. Mỗi người lên xe cũng được hỗ trợ bữa ăn chiều, vì họ đi suốt đêm mà. Tiếp tục làm như vậy, tổ chức vài cơ sở cho người khó khăn đến đó xét nghiệm.

Ông Trình Quang Phú - Chủ tịch hội đồng hương Phú Yên tại TP.HCM (áo trắng) cùng mọi người trong ban tổ chức vẫy tay chào bà con trước lúc rời Sài Gòn

Lê Nam

Hàng ngàn chuyến xe nghĩa tình của Phương Trang chở bà con gặp khó khăn về quê tránh dịch an toàn, đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19

Lê Nam

Những chuyến xe Phương Trang nghĩa tình đưa bà con hồi hương nối đuôi nhau chở đoàn người mệt nhoài sau chuỗi ngày chật vật mưu sinh nơi phố thị Sài Gòn, chở theo nhiều ước mơ còn dang dở do dịch bệnh hoành hành. Chờ ngày thành phố được chữa lành, sẽ lại đón bà con phương xa trở lại thành phố vốn phải thật ồn ào, náo nhiệt và năng động.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.