Sau gần 2 năm được mật nghị hồng y bầu chọn, Giáo hoàng Francis tiếp tục thực hiện nhiều cải cách cực kỳ quan trọng tại Vatican.
Chiếc xe Renault 4L cũ kỹ được Giáo hoàng Francis ưa thích - Ảnh: Le Figaro
|
Tờ La Vie dẫn lời Giáo sư sử học Philippe Chenaux, Đại học Latran (Vatican) nhận định: “Điểm khác biệt quan trọng giữa Giáo hoàng Francis so với rất nhiều giáo hoàng khác là ông chưa từng làm việc hoặc học tập tại các đại học, học viện của tòa thánh. Khi còn là Tổng giám mục Buenos Aires (Argentina), ông cũng hạn chế tối đa việc đến Vatican.
Chính vì vậy, khi thực hiện cải cách, Giáo hoàng Francis có góc nhìn bao quát từ bên ngoài”. Ngoài ra, theo ông Chenaux, Giáo hoàng Francis đến từ Mỹ La tinh, khu vực mà các nhà thờ có truyền thống “mở rộng cửa” để kết nối với các tín hữu một cách hiệu quả nhất. Với kinh nghiệm từ “phương xa” này, Giáo hoàng đang có những bước đi vững chắc để “mở cửa” Vatican.
Cải tổ giáo triều
Không lâu sau khi nhậm chức, Giáo hoàng Francis đã bắt tay vào việc cải tổ bộ máy điều hành tại Vatican. Trong đó, thay đổi quan trọng nhất là tiết giảm vai trò của Phủ quốc vụ, vốn quản lý việc đối nội và đối ngoại của tòa thánh và người đứng đầu - Hồng y Quốc vụ khanh được xem là tương đương với thủ tướng ở những quốc gia khác.
Theo La Vie, hiện Giáo hoàng Francis đang hướng Phủ quốc vụ thiên về đối ngoại, còn những công việc khác của Giáo hội Công giáo thì được “chia sẻ” nhiều hơn cho các Thánh bộ. Hồi tháng 2, ông đã cho thành lập Quốc vụ viện Kinh tế, chuyên trách toàn bộ các vấn đề kinh tế, tài chính của Vatican, hoàn toàn độc lập với Phủ quốc vụ và chịu sự quản lý trực tiếp của Giáo hoàng.
Bên cạnh đó, Giáo hoàng Francis cũng đang xem xét sáp nhập một số cơ quan của Vatican để bộ máy điều hành được “gọn nhẹ” hơn, giúp tiết kiệm kinh phí hoạt động. Trong thời gian tới, ông có thể bổ nhiệm các chuyên gia “thế tục” nắm giữ những vị trí quan trọng tại Tòa thánh. Ông cũng không ngần ngại giáng chức một số hồng y bị đánh giá là không phù hợp với vai trò lãnh đạo.
Về phần mình, Giáo hoàng Francis không đặt “văn phòng chính thức” ở Điện tông tòa mà tiếp tục cư ngụ và làm việc tại nhà nghỉ Sanctae Marthae, nơi các hồng y từng ở trước kỳ mật nghị. Điều kiện tại đây tuy rất đơn sơ, giản dị, nhưng được xem là “không gian mở”, giúp Giáo hoàng dễ dàng sắp xếp các cuộc gặp cả chính thức lẫn “không chính thức”.
Tản quyền
Thường tự nhận một cách dí dỏm là “người đến từ cùng trời cuối đất”, Giáo hoàng Francis hiểu rất rõ những ảnh hưởng từ việc tập trung quyền lực quá lớn vào Vatican. Vì vậy, ông đang tích cực đẩy mạnh vai trò của các giáo hội địa phương.
Cụ thể, Thượng hội đồng giám mục - hội nghị quy tụ hồng y, giám mục trên khắp thế giới - đã được tổ chức lại để các chức sắc Công giáo của mỗi quốc gia đều có thể đóng góp ý kiến về những chủ đề quan trọng. Giáo hoàng Francis cũng không loại trừ khả năng thành lập thêm các Hội đồng giám mục của khu vực, châu lục để làm cầu nối hiệu quả hơn giữa Vatican với các địa phương.
Quan điểm này thể hiện khá rõ cách điều hành tòa thánh của ông: tuy rất quyết đoán khi cần đưa ra quyết định nhưng luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ nhiều phía. Giáo hoàng muốn xây dựng Giáo hội Công giáo như một “mái nhà chung” của các tín hữu chứ không phải một hệ thống quyền lực phân cấp.
Theo La Vie, việc bổ nhiệm Hồng y Pietro Parolin, 59 tuổi, làm Hồng y Quốc vụ khanh hồi cuối tháng 8.2013 cho thấy Giáo hoàng Francis muốn đẩy mạnh công tác đối ngoại của Phủ quốc vụ nói riêng và Vatican nói chung. Trước khi được bổ nhiệm, ông Parolin là Sứ thần Tòa thánh ở nhiều quốc gia, mà gần đây nhất là Venezuela, nên rất am tường lĩnh vực ngoại giao.
Trong gần hai năm qua, Giáo hoàng Francis cũng từng nhiều lần lên tiếng “vì hòa bình” thế giới: nhận định tình trạng nhiều người nhập cư trái phép vào châu Âu tử nạn ở Địa Trung Hải là “toàn cầu hóa sự thờ ơ”; mời Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Shimon Peres đến “cầu nguyện cho hòa bình” tại Vatican…
Chẩn bệnh cho Vatican
Ngày 22.12, trong bài phát biểu thường niên nhân dịp Giáng sinh, Giáo hoàng Francis đã đưa ra những nhận định cực kỳ nghiêm khắc về Giáo triều Roma. Theo tờ Le Monde, ông đã chỉ ra những “căn bệnh” đang hoành hành tại Vatican: Alzheimer tinh thần; tự cho rằng mình là bất diệt, bất khả xâm phạm hoặc là người không thể thiếu; khủng bố bằng sự soi mói, ba hoa; thờ ơ với xung quanh; luôn ham mê vật chất; theo chủ nghĩa cơ hội và chỉ quan tâm đến thăng tiến; bị hóa thạch tinh thần...
Giáo hoàng Francis nhấn mạnh, để được chữa lành, các tu sĩ phải ý thức được mình mắc “bệnh”. Ông khuyên những người tự xem mình là bất diệt nên đến các nghĩa trang, nơi có rất nhiều nhân vật từng có thời “nghĩ mình là không thể thay thế” đang yên nghỉ. Khi nhắc điều này, Giáo hoàng Francis muốn ám chỉ các vị hồng y đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn muốn gây ảnh hưởng tại Vatican.
Ông còn đặc biệt chỉ trích thói vu khống qua một câu chuyện từng xảy ra ở tòa thánh: “Một linh mục mời các phóng viên lại để kể và bịa đặt nhiều điều về những người anh em của mình ở giáo triều. Đối với ông ấy, điều quan trọng nhất là được đưa lên trang nhất để cảm thấy mình thật quyền thế”.
|
Bình luận (0)