Người mở toang cửa Vatican - Kỳ 4: Cuộc cách mạng về tài chính

24/12/2014 19:26 GMT+7

(TNO) Giáo hoàng Francis đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ trong hệ thống kinh tế, tài chính của Vatican.

(TNO) Giáo hoàng Francis đang thực hiện những cải cách mạnh mẽ trong hệ thống kinh tế, tài chính của Vatican.

Người mở toang cửa Vatican: Cuộc cách mạng về tài chínhNgân hàng Vatican đã được xốc lại sau nhiều năm trì trệ và thiếu minh bạch - Ảnh: Reuters
Trong bài viết trên tạp chí Catholic Herald ngày 5.12, Tổng trưởng Quốc vụ viện Kinh tế Vatican George Pell cho biết đợt kiểm toán toàn diện mới đây đã giúp phát hiện “nhiều trăm triệu euro đang ngủ quên ở ngân quỹ các thánh bộ của Tòa thánh”. Theo Hồng y người Úc này, số tiền nói trên không bị biển thủ hay bị giấu vào “quỹ đen” mà chỉ đơn giản là bị quên lãng do cách làm việc bảo thủ và thiếu chuyên nghiệp của hệ thống quản lý tài chính trước đây ở Vatican. Các cơ quan của Tòa thánh vốn không có thói quen công khai về tài chính và hầu như chỉ đề cập chuyện chi - thu khi cần được cấp thêm các khoản kinh phí ngoài dự trù. 
Ông Pell cho biết thêm: “Sau khi nhận thấy hệ thống tài chính của Vatican đang vận hành theo kiểu mà không ai có thể tường tận được những gì đang diễn ra với hệ thống này, Giáo hoàng Francis đã nhờ một nhóm chuyên gia quốc tế - độc lập với Công giáo - thẩm tra lại và lập kế hoạch cải tổ”. Từ nay, Tòa thánh sẽ áp dụng các quy chuẩn quốc tế, mỗi Thánh bộ, Hội đồng giáo hoàng và tất cả các cơ quan của Vatican sẽ phải báo cáo ngân sách hằng năm, kê khai đầy đủ mọi khoản chi dùng và sẽ bị phạt nếu sai phạm.
Quốc vụ viện kinh tế
Hồi tháng 2, Giáo hoàng Francis chính thức lập Quốc vụ viện Kinh tế để tách toàn bộ các vấn đề về kinh tế, tài chính khỏi Phủ Quốc vụ (chuyên trách các vấn đề đối nội, đối ngoại của Vatican). Hồng y George Pell, khi ấy đang là Tổng giám mục Giáo phận Sydney (Úc) được chọn làm người đứng đầu viện này, chỉ chịu sự quản lý trực tiếp từ giáo hoàng và hoàn toàn độc lập với Hồng y Quốc vụ khanh, vốn trước đây có vai trò như thủ tướng ở các nước khác. Tờ Le Figaro dẫn lời các chuyên gia nhận định đây thật sự là một cuộc cách mạng tại Vatican. Cùng lúc, Giáo hoàng Francis đã thực hiện được 2 mục tiêu: không để quyền lực tập trung quá nhiều vào Phủ Quốc vụ, đồng thời để Hồng y Quốc vụ khanh có thể tập trung hơn vào đối ngoại; quản lý trực tiếp để minh bạch hóa tài chính ở Tòa thánh. Quốc vụ viện Kinh tế được sự hỗ trợ của ủy ban cố vấn gồm 15 thành viên thuộc nhiều quốc tịch, trong đó có 8 giáo sĩ cấp cao (hồng y hoặc giám mục) còn lại là 7 chuyên gia “thế tục” có uy tín trên thế giới.
Như vậy, Giáo hoàng Francis đã thiết lập một cơ quan duy nhất để quản lý vấn đề tài chính của 2 hệ thống song song: các hoạt động hành chính của “quốc gia” Vatican (với nguồn thu quan trọng từ du lịch) và các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo (với nguồn thu chủ yếu từ sự đóng góp của các tín hữu). Nhờ đó, việc chi - thu của khoảng 60 cơ quan lớn nhỏ tại Vatican được đồng bộ hóa để quản lý chặt chẽ hơn, minh bạch hơn, hạn chế tối đa lãng phí. Quốc vụ viện Kinh tế đã bao quát nhiệm vụ của 3 cơ quan trước đây là Cơ quan Quản lý di sản Tòa thánh (APSA), Sở Kinh tế và Phòng Lao động (chuyên trách quản lý nhân sự). APSA đang được cải tổ để hướng đến vai trò như một “ngân hàng trung ương” thật sự của Vatican.
Xử lý “góc khuất”
Quốc vụ viện Kinh tế cũng chịu trách nhiệm quản lý Viện Giáo vụ (IOR, còn gọi là ngân hàng Vatican). IOR được thành lập vào năm 1887 với nhiệm vụ chính là quản lý tài sản và hoạt động tài chính của Tòa thánh. Với nguyên tắc hoạt động bị chỉ trích là quá “kín kẽ” và thiếu minh bạch, cơ quan này từng chịu nhiều tai tiếng và thật sự là “góc khuất” của Tòa thánh từ nhiều năm qua, thậm chí còn bị cho là có liên quan đến một số hoạt động rửa tiền của mafia. Ngay sau khi được bầu chọn, Giáo hoàng Francis đã chứng tỏ quyết tâm cải tổ toàn diện IOR. Hồng y Pell đã bắt đầu đưa cơ quan này vào “khuôn khổ” để đáp ứng các quy định quốc tế về tài chính, ngân hàng.
Hồi đầu tháng 12, Vatican mở cuộc điều tra về nghi vấn 2 vị trí cấp cao nhất của IOR trong giai đoạn 2001-2008 là Chủ tịch Angelo Caloia và Tổng giám đốc Lelio Scaletti liên quan đến một thương vụ bán 29 tòa nhà do cơ quan này quản lý cho các nhà đầu tư Ý. Theo tờ Les Echos, ông Caloia và Scaletti bị nghi ngờ đã “thụt két” 57 triệu euro để tham gia thương vụ nói trên. Tài sản của hai ông này hiện đã bị đóng băng để phục vụ điều tra.
Sự giản dị, thanh bần của Giáo hoàng còn thể hiện qua lối sống của ông. Từ lúc còn là Tổng giám mục Giáo phận Buenos Aires (Argentina), ông luôn tìm cách để xóa bỏ mọi rào cản ngăn cách mình với “những người anh em khốn khó”: không dùng xe công vụ, không ở Tòa giám mục, thường xuyên thăm viếng giáo dân ở những khu ổ chuột… Khi đã trở thành người đứng đầu Giáo hội Công giáo, Giáo hoàng Francis vẫn không thay đổi. Theo tờ Le Figaro, ông “đơn giản hóa” tối đa phẩm phục của mình: tiếp tục đeo Thánh giá bằng sắt dùng khi còn ở Argentina; đeo nhẫn ngư phủ bằng bạc thay vì bằng vàng; mang giày đen vẫn dùng trước nay “cho dễ chịu” chứ không đổi sang giày đỏ truyền thống
Giáo hoàng Francis cũng không chịu dọn đến khu nhà rộng 300 m2 ở Điện tông tòa mà ở lại căn hộ vỏn vẹn 70 m2 thuộc nhà nghỉ Sanctae Marthae của Vatican - nơi trọ của các hồng y khi diễn ra mật nghị. Vatican không thiếu các xe hơi đời mới nhưng ông hầu như không dùng tới mà lại “kết” ngay món quà của linh mục Renzo Rocca ở thành phố Verona, miền bắc Ý: một chiếc Renault 4L cũ màu trắng. Xe này đã được ông Rocca lái hơn 300.000 km trong 25 năm để thăm viếng những người khuyết tật, người già yếu, người nghiện…
Những nỗ lực mở cửa Vatican của Giáo hoàng Francis đã thật sự tạo được tác động tích cực đối với Công giáo. Tờ La Vie dẫn một thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo cho biết hơn 50% trong số các linh mục Ý được hỏi xác nhận số lượng giáo dân dự lễ tại nhà thờ đã đông lên đáng kể. Tại Ý, Francesco (tông hiệu của giáo hoàng bằng tiếng Ý) trở thành một trong những tên được đặt nhiều nhất cho các bé trai trong gần 2 năm qua.
Trước sự ủng hộ quá nhiệt tình dành cho mình, Giáo hoàng Francis không quên nhắc nhở: “Mô tả giáo hoàng như một siêu nhân, với tôi là sự xúc phạm. Giáo hoàng là một người cũng cười, cũng khóc, ngủ ngon giấc và có bạn bè như bất kỳ ai. Một người bình thường”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.