Việc thành lập chính phủ mới ở Tây Ban Nha chấm dứt một năm thay đổi chính phủ liên tục tại các thành viên EU. Không chỉ cử tri mà cả chính phủ mới cũng kỳ vọng về một thời kỳ mới.
Các chính phủ đều chao đảo bởi tác động của khủng hoảng tài chính, khủng hoảng nợ công và khủng hoảng đồng euro. Khủng hoảng vẫn chưa được khắc phục nhưng cử tri đã thấm thía cái giá phải trả. Họ phế truất chính phủ cũ bởi không còn tin tưởng nữa. Họ bỏ phiếu cho chính phủ mới không phải vì hoàn toàn tin tưởng quan điểm chính sách của đảng phái và cá nhân mới lên cầm quyền mà để thể hiện sự bất bình và bất tín nhiệm đối với chính phủ cũ. Kỳ vọng của họ là điều dễ hiểu.
Nhưng kỳ vọng ấy rất dễ biến thành thất vọng bởi chính phủ mới phải đối phó những khó khăn và thách thức cũ trong khi vẫn chưa có ý tưởng chính sách đột phá nào. Họ chỉ tiếp tục đường lối cũ với mức độ còn quyết liệt hơn. Ở đâu cũng chỉ thấy chủ trương tiết kiệm chi tiêu ngặt nghèo hơn, cắt giảm phúc lợi xã hội và giảm nhân công mạnh tay hơn.
Nếu không như thế thì không thể đáp ứng các điều kiện cứu trợ của EU và cả Quỹ Tiền tệ quốc tế. Nhưng làm vậy trong bối cảnh hiện tại thì lại không thể phát triển kinh tế xã hội, nhất là phục hồi tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Cho nên ở các nước này, chính phủ mới dễ dàng giành được quyền nhưng giữ được trọn vẹn cả nhiệm kỳ sẽ không dễ dàng. Kỳ vọng rất có thể sẽ trở thành ảo vọng.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)