Bắt đầu từ đêm 2.6, lệnh giới nghiêm đã được ban hành tại thủ đô Washington D.C, các thành phố Atlanta (bang Georgia), New York (bang New York), Cleveland (bang Ohio) và nhiều thành phố thuộc bang California, theo Hãng tin Reuters. Đây là biện pháp được xem chưa từng có, nhằm ngăn chặn những vụ tụ tập bùng nổ thành bạo động và cướp bóc, gieo rắc cảnh tượng kinh hoàng khắp nước Mỹ vào cuối tuần qua.
Tuy nhiên, hàng chục ngàn người vẫn phớt lờ lệnh cấm của giới chức trách và xuống đường tuần hành đòi công lý cho một người da màu tên George Floyd - người tử vong khi bị một cảnh sát dùng đầu gối đè cổ xuống đất tại TP.Minneapolis, bang Minnesota ngày 25.5.
1.600 binh sĩ tại Washington D.C
Các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tiếp tục kéo dài từ ban ngày đến đêm tối tại nhiều thành phố từ New York đến Los Angeles. Tuy nhiên, so với những đêm trước, hoạt động biểu tình tại Washington D.C vào đêm 2.6 diễn ra ôn hòa hơn. Trước đó trong ngày, Lầu Năm Góc tuyên bố kích hoạt các đơn vị lục quân đóng gần thủ đô, trong bối cảnh căng thẳng và bạo động leo thang.
Trang The Hill dẫn phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho hay đích thân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã chỉ đạo 1.600 lính đóng tại căn cứ Bragg (bang Bắc Carolina) và căn cứ Drum (bang New York) kéo quân đến bảo vệ Washington D.C.
Đài truyền hình Los Angeles ngày 2.6 chiếu cảnh người dân xếp hàng mua súng tự vệ. Trước tình hình cướp bóc, hành hung khắp mọi nơi, người dân đang trong tâm trạng rất hoang mang và lo sợ. Nhiều tiệm bán đồng hồ, nữ trang, các cửa hiệu quần áo tại chợ Việt đều áp dụng các biện pháp kiểm soát an ninh, chẳng hạn như lối đi chỉ chừa đủ chỗ cho một xe chở hàng qua lại. Nhiều tiệm làm móng vừa mở cửa lại sau thời gian phong tỏa chống dịch Covid-19 buộc phải đóng cửa tiếp vì quá ế khách. Tình trạng cướp giật diễn ra khắp nước Mỹ, kể cả xe lửa chở container đang chạy cũng bị cướp.
Trương Đông Thức (từ nam California) |
Đến nay, đa số các cuộc biểu tình bắt đầu một cách ôn hòa vào ban ngày, nhưng đến đêm một số nơi lại chuyển sang hành vi bạo lực, và không ít kẻ lợi dụng hoàn cảnh hỗn loạn để tiến hành cướp bóc vật phẩm có giá trị từ nhiều cửa hàng và phá hoại các công trình, bao gồm nhà thờ. Trang Catholic News Agency đưa tin nhiều nhà thờ tại ít nhất 6 bang, bao gồm California, Minnesota, New York, Kentucky, Texas và Colorado đã bị những kẻ quá khích tấn công và phun sơn với những dòng chữ có nội dung báng bổ.
Cùng ngày, trong quá trình đụng độ, một cảnh sát tại Las Vegas (bang Nevada) bị bắn trọng thương. Trong một diễn biến khác, ông David Dorn, một đại úy cảnh sát da màu đã về hưu ở St.Louis (bang Missouri), vào rạng sáng 2.6 bị bắn chết bên ngoài một cửa hàng bị cướp sạch. Trên Twitter, Tổng thống Trump lên án “những kẻ cướp bóc” đã giết hại ông Dorn, theo AFP. Trong khi đó, các lực lượng cảnh sát bị chỉ trích vì dùng hơi cay và đạn cao su giải tán những đám đông biểu tình.
Người Việt lo lắng
Trả lời Thanh Niên, cô Doan Bui, ở TP.Westminster (bang California), cho hay đến nay Quận Cam dường như bình an hơn nhiều nơi khác tại Mỹ. Có biểu tình tại Los Angeles, nhưng cũng khá ôn hòa dù vẫn xảy ra một số vụ đụng độ với cảnh sát. Trước tình hình trên, nhiều người Việt cẩn thận hơn khi ra ngoài đường, và khóa cửa cẩn thận sau khi tan sở làm. “Dù đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, mọi người bảo nhau ở yên trong nhà, không ra ngoài vào ban đêm trong thời gian này”, cô Bui cho biết.
Còn theo chia sẻ của ca sĩ Lê Thái (ở TP.Garden Grove, bang California) trên trang cá nhân, nhiều nơi khác tại Mỹ đang chìm trong bạo loạn. “Một số người biểu tình trong ôn hòa, số đông người biểu tình bằng cách tấn công cảnh sát hay những người cản trở, đốt phá từ xe cộ đậu bên đường, trước nhà, trong bãi xe, đến các xe cảnh sát, xe đặc nhiệm an ninh, xe vận chuyển hàng hóa của các công ty lớn như Amazon, UPS...”, theo ca sĩ Lê Thái.
Bình luận (0)