Người Mỹ thắt chặt chi tiêu, thủy sản Việt Nam trông chờ thị trường Trung Quốc

Chí Nhân
Chí Nhân
14/04/2023 12:03 GMT+7

Các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản không còn nhiều dư địa, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2025 phải trông chờ vào thị trường Trung Quốc với mục tiêu tăng trưởng từ 37 - 50% so với năm 2022, tương đương kim ngạch 2,4 - 2,7 tỉ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1/2023, Nhật Bản với kim ngạch 310 triệu USD đã vượt qua Mỹ (290 triệu USD) để trở thành khách hàng lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với 250 triệu USD. Trong quý 1, thị trường Trung Quốc giảm đến 22% nhưng nhờ việc chấm dứt chính sách zero Covid của nước này nên từ tháng 2.2023, thị trường này đã có dấu hiệu hồi phục dần. Dự báo, Trung Quốc sẽ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh rất lớn vì các nhà xuất khẩu và các thương gia các nước khác cũng tập trung vào thị trường này.

Không phải Mỹ, Nhật mà Trung Quốc mới là tương lai của thủy sản Việt Nam - Ảnh 1.

Trung Quốc là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng cho ngành thủy sản Việt Nam đặc biệt là mặt hàng cá tra

ĐÀO NGỌC THẠCH

Năm 2022, Mỹ là nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch lên đến 2,1 tỉ USD, trong khi Trung Quốc là 1,8 tỉ USD. Tuy nhiên,.theo VASEP, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc khó bứt phá vì lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và giá nhập khẩu trung bình giảm so với năm trước.

Ngược lại, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa gia tăng thị phần. Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 23 tỉ USD thủy sản, trong đó Việt Nam mới chỉ chiếm 7%. Vì thế, tiềm năng và cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc còn nhiều, có thể tăng gấp đôi kim ngạch trong 2 - 3 năm tới.

Tuy nhiên, thị trường này vẫn có một số các điểm nghẽn như: không ổn định và khả năng tiếp cận thông tin hạn chế. Chính vì vậy, VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành chức năng cần có sự quan tâm, đánh giá và phối hợp xây dựng một chiến lược dài hạn 10 năm thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc. Ví dụ, các hoạt động xúc tiến thương mại theo từng thị trường địa phương lớn của Trung Quốc với những đặc thù tiêu thụ sản phẩm khác nhau. Cụ thể, xúc tiến hàng giá trị gia tăng cho thị trường Thượng Hải; bên cạnh đó đẩy mạnh xuất khẩu sang Quảng Đông là thị trường lớn và điểm kết nối với Hồng Kông, Macao. Ngoài ra tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại giao thương biên giới như Quảng Tây có nhu cầu lớn và lợi thế vận tải. Cần quan tâm hơn về thị trường truyền thống Thanh Đảo - trung tâm hội chợ thủy sản lớn tại Trung Quốc. 

Năm 2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cán đích 11 tỉ USD, tăng 23% so với năm 2021. Kim ngạch xuất các nhóm mặt hàng như cá tra, tôm, cá ngừ... của Việt Nam đều tăng so với năm trước đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.