Nghệ nhân Néang Nhây bên khung dệt - Ảnh: Quỳnh Lam |
Tâm huyết với nghề
Bà Néang Nhây kể: “Ở vùng này, đất đai khô cằn, sản xuất khó khăn, nam giới phải bám ruộng đồng thì mới có cái ăn, còn phụ nữ ở nhà chăm nom con cái. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị em dệt vải kiếm thêm thu nhập. Khoảng 10 tuổi, tôi bắt đầu học nghề dệt từ mẹ và tính đến nay đã hơn 60 năm theo nghề. Có những lúc sản phẩm dệt khó tìm thị trường tiêu thụ, tôi định bỏ nghề. Nhưng cũng nhờ Nhà nước hỗ trợ phục hồi lại làng nghề, giúp chị em theo nghề dệt có thu nhập ổn định”.
Làm quen với khung dệt từ nhỏ nên cô gái Néang Nhây nhanh chóng trở thành thợ dệt có tiếng trong ấp Srây SKốth. Lúc đầu, Néang Nhây dệt vải, sau đó được dạy những mẫu dệt khó hơn là khăn. Đến năm 20 tuổi, Néang Nhây được mẹ truyền hết những kỹ thuật khó nhất của nghề dệt. “Hầu như mỗi cô gái Khmer trước khi theo chồng đều phải thành thạo công việc dệt vải. Các cô tự tay dệt lấy những khúc lụa đẹp nhất để may áo, váy cho ngày cưới. Có một điều đặc biệt là nghề dệt ở đây chỉ truyền từ mẹ cho con gái, nên mẹ đã truyền tất cả những gì đã học lại cho tôi”, bà Néang Nhây tâm sự.
Bà cho biết thêm nghề dệt tại ấp Srây Skốth đã có gần 100 năm nay. Lúc thịnh hành, nhà nào cũng có 2 - 3 cái xa quay, khung dệt và làm suốt ngày để dệt vải bán qua Campuchia. Những bậc tiền bối trong làng nghề còn sáng tạo ra những kỹ thuật dệt độc đáo riêng chỉ có ở làng dệt Srây Skốth. Trong đó, lụa dùng cho trang phục thường được dệt những hoa văn hình vuông, tròn hoặc đa giác đều mà người dân trong nghề quen gọi là “bắt bông trơn”. Lụa dùng làm thảm, rèm, trướng... khó dệt hơn vì phải dùng kỹ thuật “chằng hun” - bắt bông dâu. Nhiều người Campuchia hết sức bất ngờ khi thấy lụa Srây Skốth đẹp và tốt hơn hàng bản xứ, bởi lụa của đồng bào Khmer Việt Nam được nhuộm theo phương pháp cổ truyền nên màu sắc lâu phai, càng mặc càng óng ả. Độc đáo hơn cả là các nghệ nhân ở đây đã áp dụng kỹ thuật dệt ba lớp tơ với ba màu khác nhau trên cùng một mảnh lụa, làm cho người mặc tấm lụa khi đứng có màu xanh, lúc ngồi lại ngả sang màu đỏ, lúc nhìn nghiêng thì có màu cam...
Hồi sinh làng dệt
Những năm chiến tranh biên giới Tây Nam, làng dệt ấp Srây Skốth gần như bị xóa sổ. Nhưng với tâm huyết của mình, nghệ nhân Néang Nhây đã giúp làng nghề phục hồi và sản phẩm dệt Văn Giáo bắt đầu vang xa. Năm 1999, Hội LHPN Việt Nam tỉnh An Giang và Tổ chức CARE tại TP.HCM biết nghề dệt ở ấp Srây Skốth đang được phục hồi nên đã hỗ trợ vốn ban đầu cho 36 chị em Khmer học nghề để phát triển sản xuất. Và nghệ nhân Néang Nhây là một trong những người được chọn để truyền nghề lại cho các chị em. Đến nay, bà đã truyền nghề lại cho gần 100 chị em. Các chị này nay đã có tay nghề cao, có thể dệt những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao nên khách du lịch đến tham quan làng dệt đều rất thích. “Tôi rất mừng vì các chị em theo nghề dệt có thu nhập bình quân từ 50.000 - 100.000 đồng/ngày, góp phần cải thiện cuộc sống. Giờ đây, sản phẩm của làng dệt Văn Giáo đã rất phong phú, như: xà-rông, khăn choàng, túi xách, nón, khăn tay, bóp… với cách phối hoa văn tinh tế, màu sắc đẹp mắt hấp dẫn du khách. Đặc biệt, sản phẩm đã được xuất sang Campuchia, Thái Lan và các nước châu Âu”, nghệ nhân Néang Nhây nói.
Quỳnh Lam
Bình luận (0)