Người nghiện ma túy đá 'quậy rất dữ'

18/12/2014 18:19 GMT+7

(TNO) Ngày 18.12, tại TP.HCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp lệnh về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.

(TNO) Ngày 18.12, tại TP.HCM, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo về việc thực hiện chính sách, pháp lệnh về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện.

Không ngăn được tệ nạn ma túy, lòng dân bất an

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, việc thực hiện chính sách, pháp lệnh về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện hiện vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, vướng mắc.

Không ngăn chặn được tệ nạn ma túy thì lòng dân bất an. Hiện số người nghiện lang thang, không quản lý được còn rất lớn. Nếu không tập trung xử lý được một cách căn cơ, đồng bộ, hiệu quả thì môi trường sống yên bình của cộng đồng bị đe dọa từng ngày
Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Hứa Ngọc Thuận
Liên quan đến chủ trương của Quốc hội cho tập trung quản lý người nghiện lang thang, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TP.HCM, cho biết từ ngày 5.12 đến nay, thành phố đã đưa được khoảng 1.200 người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở xã hội Nhị Xuân (huyện Hóc Môn) và Bình Triệu (quận Bình Thạnh).

Theo ông Dũng, quan điểm của thành phố là xem người nghiện ma túy là người mắc căn bệnh xã hội đặc biệt nên “cứu được người nghiện nào thì tốt người ấy”.

Nếu không đưa được người nghiện đi cai thì các cơ sở cai nghiện để trống, trong khi các nơi công cộng trên địa bàn thành phố lại trở thành “trường hoạt động” của rất nhiều người nghiện, khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp.

Theo ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, qua công tác giám sát thì thấy rằng, rất nhiều người nghiện ma túy đá đã được đưa vào các cơ sở xã hội có hành vi “quậy rất dữ” trong những lúc lên cơn. Để đảm bảo vấn đề an toàn và môi trường cai nghiện tốt, thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố cử 1 đại đội Cảnh sát cơ động thường xuyên tuần tra, canh gác, trước mắt là tập trung cho Cơ sở xã hội Nhị Xuân.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết, người nghiện ma túy đá khi mới vào cơ sở xã hội thì “1 kèm 1” (1 cán bộ cơ sở kèm cặp, chăm sóc 1 người nghiện – PV) thì mới mong ổn định được tình hình; nhiều lúc họ dữ dằn, lên cơn là bất chấp tất cả.

Ông Thuận nhìn nhận, nếu không ngăn chặn được tệ nạn ma túy thì lòng dân bất an. Hiện số người nghiện lang thang, không quản lý được còn rất lớn. Nếu không tập trung xử lý được một cách căn cơ, đồng bộ, hiệu quả thì môi trường sống yên bình của cộng đồng bị đe dọa từng ngày.

Quy định chưa ổn lắm vì nhiều vướng mắc

Trong khi đó, ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (thuộc Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Đồng Nai) cho biết đến nay tỉnh Đồng Nai chưa đưa được người nghiện lang thang nào vào các cơ sở xã hội. Do đó, đối với hàng ngàn người nghiện thống kê được trên địa bàn thì tỉnh đang “phó thác” cho gia đình người nghiện và các địa phương quản lý.

Nhiều tỉnh thành phía nam vẫn chưa đưa được người nghiện nào đi cai - Ảnh: Đình Phú

Tương tự, đại diện Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Long An cho biết tỉnh này cũng còn tồn gần 2.000 hồ sơ quản lý về người nghiện mà tòa án chưa đưa ra phán quyết để đưa đi cai nghiện bắt buộc theo luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc đưa người nghiện lang thang vào cơ sở xã hội cũng chưa được triển khai.

Lý do các địa phương này đưa ra, là cho đến nay hướng dẫn của Bộ Y tế về xác định tình trạng người nghiện vẫn chưa có nên dù có muốn làm nhưng cũng đành “bó tay”. Đó là chưa kể quy định giữa các luật, nghị định “chỏi” nhau.

Một điều rất đáng lo ngại, là các địa phương lại thừa nhận việc cai nghiện tại cộng đồng và tại gia đình không có hiệu quả, địa phương không tài nào quản lý được người nghiện.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng việc thực hiện các quy định của luật Phòng chống ma túy, luật Xử lý vi phạm hành chính “chưa ổn lắm vì nhiều vướng mắc”.

Nhiều tỉnh thành phía nam vẫn chưa đưa được người nghiện nào đi cai - Ảnh: Đình Phú
Người nghiện đang “khát” methadone

Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết trong năm 2014, thông qua các nguồn tài trợ từ nước ngoài, thành phố đã thành lập 8 điểm điều trị methadone (chất nghiện thay thế) tại các quận: 4, 6, 8, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức và tại Trung tâm tư vấn và cai nghiện ma túy TP.HCM.
Số người nghiện đang được điều trị bằng methadone là 1.905 người. Tuy nhiên, con số này không “nhằm nhò” gì so với nhu cầu thực tế. Hiện nay số người nghiện trên địa bàn thành phố có thể lên đến trên 30.000 người, trong đó rất nhiều người muốn cai nghiện tại cộng đồng nhưng không có methadone để uống.

Theo ông Thuận, nguồn thuốc methadone hiện phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ nước ngoài, nhưng mức tài trợ đang dần giảm đi đáng kể. Thành phố đã từng kiến nghị Bộ Y tế cho thành phố chủ động sản xuất methadone nhưng Bộ chưa đồng ý. Lý do là Bộ đã giao cho 2 doanh nghiệp làm việc này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.