Trong các ngày 30.10 và 6 - 7.11, tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Đồng Nai diễn ra việc nhiều học viên (HV) cai nghiện gây rối, đập phá tài sản và trốn trại. Tiếp đó, ngày 9.11, tại Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng diễn ra tình trạng tương tự, dẫn đến gần 200 HV đã trốn khỏi trung tâm.
Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng sự cố người nghiện trốn khỏi trung tâm vào ngày 9.11 do hiệu ứng HV gây náo loạn bỏ trốn trong thời gian qua ở nơi khác.
“Họ cho rằng nghiện ma túy là một căn bệnh, nên yêu cầu được ra ngoài tự cai nghiện, không được bắt buộc họ ở trung tâm...”, bà Đài nói.
Vì sao HV trốn trại ?
Theo bà Lê Thị Trang Đài, chủ trương của Chính phủ hiện nay theo xu hướng chung của quốc tế đều xem người nghiện là một người bệnh, nên để họ tự cai nghiện ngoài xã hội, miễn họ không có hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng.
“Tuy nhiên, người nghiện ở nước ta không có ý thức tự cai nghiện như các nước khác. Khi vào trung tâm cai nghiện theo quyết định của tòa án thì lại đòi được ra ngoài tự cai”, bà Đài nói.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho rằng cần xem người cai nghiện là bệnh nhân, nên phải có sự chăm sóc tốt để động viên họ chấp hành tốt, sớm hoàn thành thời gian điều trị trở về với gia đình.
Ông Tấn nêu kinh nghiệm lãnh đạo TP và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã tăng cường nhiều biện pháp để đảm bảo không xảy ra những tình trạng xấu, trong đó đặc biệt là chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho học viên cai nghiện tại các cơ sở, tạo môi trường thuận lợi cho HV học tập; chăm sóc kỹ về nơi ăn chốn ở, điều kiện sinh hoạt thoáng mát. Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH và lãnh đạo TP cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên tư tưởng các HV yên tâm điều trị theo phác đồ.
Chánh án TAND Q.4 (TP.HCM) Trương Văn Hiền phân tích: Cơ sở vật chất chật hẹp hay chế độ ăn uống, điều kiện sinh hoạt chưa tốt cũng là những lý do dẫn đến việc HV tìm cách trốn trại cai nghiện, nhưng trên hết tư tưởng mới là vấn đề quan trọng. “Con người khi đang ở bên ngoài thoải mái nhưng khi vào trung tâm cai nghiện bị ràng buộc, hạn chế về môi trường sống nên họ cần được giải thích rằng việc đưa vào đây là để trị bệnh, cắt cơn, giải độc. Đừng khiến người nghiện mang cảm giác họ bị “bắt” đưa vào trung tâm như đưa vào tù. Khi tư tưởng chưa thông cộng ức chế về môi trường sống và bị kích động, xúi giục thì việc trốn trại chỉ là sớm hay muộn”, ông Hiền nói.
Phải có chính sách đặc thù
Theo bà Trang Đài, thực tế điều kiện cần và đủ để thực hiện ý tưởng lớn và đổi mới công tác cai nghiện chúng ta chưa chuẩn bị kịp, chưa đủ thành ra loay hoay. “Mọi ngành, mọi tỉnh đi học lẫn nhau chứ chưa có một quy chuẩn nào. Về mặt nghiệp vụ vẫn chưa chuẩn, cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng được”, bà Đài nói.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc xem các HV là người bệnh cũng là khó khăn trong công tác quản lý, cai nghiện. “Vì xem họ là người bệnh, nên khi họ nổi loạn, chửi mắng cán bộ và đập phá tài sản thì anh em chỉ biết đứng khuyên can, chứ không dám làm gì vì đâu được trấn áp. Nếu xem HV là người bệnh chưa ổn lắm. Nếu bệnh thì đưa vào bệnh viện, chứ còn cơ sở đâu đủ chức năng điều trị. Ở đây còn bất cập trong tính pháp lý”, ông Lộc nói.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý cai nghiện, ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, nguyên Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội TP.HCM, cho rằng nếu xem người nghiện khi cai nghiện tập trung là “người bệnh đặc biệt” thì phải có chính sách chăm sóc, bảo vệ đặc thù.
Thực tế hiện nay cho thấy một bất cập lớn là việc quản lý tập trung người nghiện vẫn theo kiểu quản lý hành chính, chứ không theo kiểu quản lý đặc biệt.
“Trong một trung tâm có đến hàng ngàn người nghiện là những đối tượng xã hội khác nhau thì việc phân loại tình trạng nghiện theo mức độ nhẹ, nặng, đặc biệt là hết sức cần thiết để có giải pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Nếu như đánh đồng tất cả các loại đối tượng để bố trí chung một phòng thì không tránh khỏi nhiều hệ lụy phức tạp phát sinh. Không ít trường hợp người nghiện ngày càng trở nên manh động, hung hãn... Để có thể kiểm soát được tình hình, chúng ta phải trang bị cho lực lượng trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục người nghiện những điều kiện cần thiết để đủ sức phản ứng”, ông Tài nói.
Đề nghị lập bệnh viện cai nghiện ma túy
Hôm qua 12.11, TP.Đà Nẵng tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến ma túy. Đại tá Trần Phước Hương, Trưởng công an Q.Hải Châu, nói người nghiện là bệnh nhân và phải kê đơn, bốc thuốc mới hiệu quả, vì vậy cần thành lập bệnh viện (BV) cai nghiện ma túy để có thể tập trung các giải pháp cai nghiện thành công. “BV cai nghiện sẽ có khu điều trị, cắt cơn, có khu xây dựng với có khoảng đất trồng trọt để sản xuất”, đại tá Hương nói.
Ông Trần Thanh Vân, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, cũng cho rằng người nghiện ma túy là “bệnh nhân không bình thường” và bị lệch lạc về nhân cách, nên rất nguy hiểm. “Tôi đồng ý là sớm nghiên cứu lập BV chuyên chữa cho loại bệnh nhân này. Chúng ta phải tìm cách và đi theo hướng đột phá. Người tâm thần sống trong dân cư đã thấy sợ huống hồ đây là người bệnh đặc biệt, có thể giết, cướp để thỏa mãn cơn nghiện của mình. Phải xác định đây là BV đặc biệt và phải có giải pháp”, ông Vân nói.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo từ mô hình cai nghiện tập trung cần xây dựng, phát triển lên khái niệm BV. “Xây dựng mô hình như vậy thì phải có thiết kế, quy hoạch, trang thiết bị, bố trí nhân viên quản lý để làm sao người ta thấy rằng khi vướng đến ma túy sẽ đến đó chữa bệnh. Sau này làm tốt thì đó sẽ là nơi không cần bao cấp nữa. Gia đình người nghiện họ sẽ đăng ký để điều trị. Con cái họ hư hỏng thì họ tìm chỗ để điều trị đàng hoàng thay vì ở nhà họ phải xích thì họ đưa vào BV sẽ yên tâm”, ông Thơ nói.
Hoàng Sơn
|
Bình luận (0)