|
Cuộc thi Đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991 chứng kiến sự đối đầu của hai giọng ca mà sau này đều được tôn vinh diva - Thanh Lam và Hồng Nhung. Một bản năng, một duy lý. Một chất giọng cộng minh hoàn hảo, một giọng lảnh lót cao vút. Ở thời điểm ấy, không ai thua ai về cá tính, họ đều đã có những dấu ấn riêng. Thậm chí nếu xét về sự được lòng công chúng (để bình chọn như các cuộc thi âm nhạc truyền hình bây giờ), Hồng Nhung còn nhỉnh hơn đối thủ vài phần. Nhưng cuối cùng Thanh Lam của Chia tay hoàng hôn đã thắng. Chị đoạt giải đặc biệt, trở thành nữ hoàng nhạc nhẹ.
Buổi bình minh nhạc nhẹ
Chia tay hoàng hôn khi đó đã vang lên trên sân khấu cuộc thi như một tác phẩm nhạc nhẹ cũng là một bản tình ca. Cách hát của Thanh Lam khi đó không rườm rà, phô diễn kỹ thuật như sau đó. Nó đủ để chị ghi dấu mình với tư cách người hát tác phẩm này hay nhất, cũng là một người đàn bà hát. Đúng hơn, một người đàn bà hát tình ca. Cách hát của chị ảnh hưởng tới mức, nhiều năm sau, nếu không “nói lại cho rõ”, người ta không thể tưởng tượng được đây là một bài hát về chiến tranh, về những người tình do hai bờ Hiền Lương mà tạm chia cách.
Những bài hát về cuộc chia ly hai bên bờ Hiền Lương không phải ít sau Hiệp định Genève. Chúng đủ nhiều để nhà nghiên cứu âm nhạc Mỹ Jason Gibbs đã có bài viết Tình yêu và khát vọng nơi ranh giới: Những ca khúc ở hai bờ vĩ tuyến 17. “Đại thể, ca khúc của người nam di cư biểu lộ một cảm xúc dạt dào chung, thậm chí chấp nhận số phận, trong khi những ca khúc của người bắc tập kết dù tràn đầy cảm xúc, nhưng nhấn mạnh tính hành động và tranh đấu”, Jason Gibbs viết.
Chia tay hoàng hôn, theo một số câu chuyện kể lại, được nhạc sĩ Thuận Yến viết khi chia tay vợ mình, cũng vì hoàn cảnh chiến tranh, vì sự chia ly nam - bắc. Tuy nhiên bài hát lại không có sự “tuyên truyền cổ động cao, theo chủ trương chính trị của nhà nước” (Jason Gibbs) thường có ở các bài hát lúc bấy giờ. Vì thế, trên nền của hoàn cảnh cuộc kháng chiến thống nhất đất nước, bài hát đã thể hiện được một tư tưởng khác trong âm nhạc. Đó là xu hướng pop hóa, hay nhạc nhẹ hóa âm nhạc. Đây cũng là điều nhạc sĩ Trần Tiến đeo đuổi những năm 1980 và khá thành công. Chất tình ca nổi trội hơn cuộc chia tay của người lính cách mạng của bài hát cho thấy sự đeo đuổi xu hướng nhạc nhẹ của Thuận Yến.
Và cho dù khập khiễng, người ta có thể thoáng nhớ đến Quang Dũng của Tây Tiến - nhà thơ đã qua nhiều thăng trầm cuộc đời vì nỗi nhớ về những dáng kiều Hà Nội. Khi những ngân rung vi tế của tâm hồn dễ dàng bị quy chụp thành tiểu tư sản, thì nỗi nhớ lứa đôi bùng lên như lửa bỏng kiểu Chia tay hoàng hôn lúc đó không thể được tôn vinh rộng rãi, chỉ cho đến sau này.
Chính vì vậy, bài ca đã nổi lên lại vào cuối những năm 1980, để rồi trở thành bài hát yêu thích nhất của năm 1991 - 1992 qua giọng hát Thanh Lam. Cũng với Chia tay hoàng hôn, nhạc sĩ Thuận Yến trở nên nhạc nhẹ hơn, khác hơn với những ca khúc mang âm hưởng dân ca của ông (kiểu Đi trong hương tràm, Người về thăm quê...). Tiếp sau cuộc chia tay, ông còn có Tình yêu không lời, Khát vọng, Em tôi...
Nhạc sĩ Thuận Yến luôn được đánh giá là người viết hay nhất, nhiều nhất bài hát về Hồ Chủ tịch. Những bài hát về người chiến sĩ của ông cũng vô cùng cảm động. Nhưng có lẽ sự chuyển mình sau này của ông trong âm nhạc, cụ thể hơn là sự thúc đẩy nhạc nhẹ thời kỳ những năm 1980, là điều đáng nói nhất. Nó giúp nền âm nhạc Việt Nam có một bước chuyển nhẹ nhàng, đi tới mà không gây sốc. Những câu chuyện chiến tranh dưới ngòi bút của ông đã không còn lồ lộ mùi bom, tiếng đạn. Nó vẫn còn mất mát, nhưng mất mát đó được nhìn từ cái nhìn rất cá nhân chứ không phải của cộng đồng. Vì thế, cái nhìn trong bài hát của ông thấm thía hơn, âm nhạc cũng gần gũi với xu hướng đương thời hơn. Về bản chất, chính ông cùng một số nhạc sĩ tiên phong đã thúc đẩy tạo ra xu hướng nhạc nhẹ đó.
Bệ phóng cho các tên tuổi
Nhạc sĩ Thuận Yến không chỉ là người lính viết nhạc. Ông còn là Trưởng ban Âm nhạc của Đài tiếng nói Việt Nam. Trong nhiều năm, ở môi trường làm việc đó, có thể nói ông đã như một “siêu ông bầu ca nhạc”. Ông phát hiện giọng hát. Ông sáng tác bài hát và chọn người đúng nhất, hợp nhất bài hát đó để thể hiện. Còn ai có thể hát bài Bác Hồ - một tình yêu bao la hay hơn NSND Thanh Hoa. Còn ai có thể hát bài Miền Trung nhớ bác, Hương tràm hay hơn NSND Thu Hiền. Ai có thể quên được cặp đôi Tiến Thành - Thanh Hoa khi họ hát Gửi em ở cuối sông Hồng... Sau này, trên cương vị Trưởng ban Âm nhạc, nhạc sĩ còn tổ chức cuộc thi hát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Một cuộc thi có quy mô rất lớn. Đó là tiền thân của rất nhiều cuộc thi âm nhạc sau này. Các biên tập viên âm nhạc của Đài tiếng nói cũng trở thành hạt nhân tổ chức những cuộc thi âm nhạc trên truyền hình những năm sau đó.
“Bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến đã thành bệ phóng cho nhiều tên tuổi lớn”, NSƯT Quốc Hưng, Phó trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia nói. “Những ca sĩ từ thời chống Mỹ, có ai là người không từng hát bài hát của chú. Họ được yêu mến cũng nhờ những bài hát ấy: NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSND Quý Dương, NSND Trung Kiên... Đến giờ Anh Thơ, Phương Thảo thành danh cũng nhờ hát những tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến”.
Cũng theo NSƯT Quốc Hưng, những bài hát của nhạc sĩ Thuận Yến rất đặc biệt. Đó thường là những bài hát rất có tình, có tuyến giai điệu đẹp. Quãng của bài hát không rộng lắm mà thuận lợi cho ca sĩ hát. Bao giờ cũng thế, bài hát của ông mở đầu cũng mang tính tự sự chậm rãi để ca sĩ thể hiện chất giọng. Đến cao trào, đỉnh điểm quãng cao, nhạc sĩ viết để ca sĩ khoe cả giọng, khoe cả làn hơi. Trong bài Bác Hồ - một tình yêu bao la có đoạn cao trào như thế. Như cánh chim không mỏi bay khắp trời Việt Nam - các âm ở đấy tạo sự mênh mang để ca sĩ khoe giọng hát.
Chính vì thế, mỗi lần Nhạc viện có kỳ thi, học trò chọn bài hát của ông khá nhiều. Nhiều tác phẩm đưa vào giáo trình. Ông có bài Người mẹ Việt Nam tay không thắng giặc vô cùng kinh điển. “Bài hát này phải trình độ đại học thanh nhạc mới hát được”, vị phó khoa chia sẻ. Bản thân nhạc sĩ Thuận Yến cũng hát rất hay, đàn rất hay. Mỗi lần ông hát, mọi người đều im lặng rồi ngẩn người vì xúc động, vì không chỉ hát hay, ông hát tình cảm lắm. Tính cách như thế, âm nhạc như thế nên khi nhạc sĩ giúp ca sĩ về nghề thì người đó cũng muốn học, muốn theo.
Nhạc sĩ Thuận Yến (1935 - 2014) tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, quê ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Năm 1949, chiến sĩ liên lạc Hữu Công được điều về làm cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V. Ông bắt đầu sáng tác nhạc từ đây. Năm 1961, ông được Tổng cục Chính trị cử theo học lớp Trung cấp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội. Năm 1965, ông lên đường trở lại chiến trường sáng tác, lấy bút danh là Thuận Yên. Tuy nhiên, do phát thanh viên đọc nhầm, không có điều kiện cải chính, bút danh bị đọc chệch thành Thuận Yến. Nhạc sĩ sáng tác khoảng 500 bài hát. Trong đó, nhóm bài hát 26 ca khúc viết về Hồ Chủ tịch rất nổi bật, với những bài như Bác Hồ - một tình yêu bao la, Vầng trăng Ba Đình... Nhóm sáng tác về đề tài người lính của ông cũng dày dặn với khoảng 150 bài. Các bài quen thuộc như Mỗi bước ta đi, Gửi em ở cuối sông Hồng, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Màu hoa đỏ... Ông cũng ghi dấu trong mảng đề tài về tình yêu với các ca khúc Chia tay hoàng hôn, Đi trong hương tràm, Tình yêu không lời, Khát vọng... |
Trinh Nguyễn
>> Nhạc sĩ Thuận Yến đã về với đất mẹ
>> Nhạc sĩ Thuận Yến - ca sĩ Thanh Lam: Cha, con và những bản tình ca nồng cháy
>> Con đường âm nhạc 11: Khát vọng của Thuận Yến
Bình luận (0)