Với xuất thân từ chuyên ngành tâm lý học và đã là chủ của nhiều thương hiệu nổi tiếng khi tuổi đời còn khá trẻ, “cá mập” Lê Đăng Khoa (một trong những “cá mập” trong chương trình Shark Tank VN) đã có những chia sẻ với sinh viên (SV) về bí quyết của “Người nhân văn khởi nghiệp” vào sáng 6.6.
tin liên quan
Kỹ sư xây dựng bỏ nghề đi nuôi ruồi, kiếm 80 triệu mỗi thángTại buổi nói chuyện, “cá mập” Lê Đăng Khoa khẳng định SV ngành nhân văn cũng có nhiều thế mạnh để khởi nghiệp. Minh chứng từ câu chuyện của chính mình, anh cho rằng trong kinh doanh tâm lý đóng vai trò rất quan trọng, giúp mình nắm bắt được tâm lý của khách hàng, làm việc tốt hơn với cộng sự, với nhân viên. Và là vũ khí giúp cho bản thân anh có được nhiều chiến thắng như ngày hôm nay.
“Người ta nói, SV ngành nhân văn thường mơ mộng. Nhưng bất cứ ai cũng cần có cảm xúc, cảm xúc là nguồn cơn của sự sáng tạo, sự gắn kết của xúc cảm tạo nên những mối quan hệ... Và trong kinh doanh cũng rất cần điều này. Nhưng nếu vận hành công ty chỉ dựa trên cảm xúc thì rõ ràng đó là chuyện rất nguy hiểm, vì rất nhiều câu chuyện, vấn đề cần đến lý tính. Chính vì thế, khi khởi nghiệp thì cần phải kết hợp nhịp nhàng giữa cảm xúc và lý tính”, Lê Đăng Khoa nói.
Anh Khoa cho rằng kinh doanh là kiếm tiền và nhân văn là văn hóa doanh nghiệp. Kinh doanh phải nghĩ đến lợi nhuận, còn trong khâu quản trị con người, phát triển thị trường, muốn tạo ra sản phẩm phục vụ tốt cho khách hàng, thì đó là nhân văn, là văn hóa doanh nghiệp. Cả hai điều này không thể nào tách ra được, mà phải bổ trợ lẫn nhau.
“Các bạn phải biết chọn ra thứ mà bản thân mạnh nhất. Và bạn chỉ làm được một thứ, chứ không thể nào làm được cả một quy trình. Phải tìm được đội ngũ với các thế mạnh khác nhau, để bản thân tập trung phát triển thế mạnh của mình cho dự án. Thì đây là điều căn bản đầu tiên để bắt đầu con đường khởi nghiệp”, anh Khoa khuyên.
Đinh Văn Sang, SV khoa địa lý, đặt câu hỏi: “Bản thân là người rất thành công, vậy anh có thể chia sẻ bí quyết giữ được lửa để đi đến thành công?”.
Trước câu hỏi này của Sang, “cá mập” Khoa thẳng thắn thừa nhận: “Những câu hỏi như thế này Khoa được hỏi hàng ngàn lần, bạn trẻ nào cũng hỏi bí quyết thành công là gì? Làm thế nào để thành công?... Mà chưa một ai hỏi tôi cái giá của sự thành công? Thế nhưng, theo Khoa đây mới là điều quan trọng”.
Nói rồi anh Khoa chỉ ra kinh doanh là thương trường, thương trường là chiến trường mà chiến trường là trận chiến không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp khởi nghiệp hay là một đại doanh nghiệp, tập đoàn.
“Các bạn là người trẻ, ngồi trong giảng đường mà nhiều khi còn không muốn đi học, hoặc chán nản. Nhưng bản thân Khoa đang quản lý 20 công ty, một tuần vẫn tập thể dục 5 ngày và ngày nào cũng đọc sách. Một người tỉ phú, điều hành công ty lớn nhất thế giới như Bill Gates mà mỗi ngày vẫn cập nhật để đọc những cuốn sách mới nhất. Vậy thì các bạn biết sự thành công nó khó như thế nào?”, Lê Đăng Khoa nhấn mạnh.
Từ đó anh Khoa khẳng định: “Nếu các bạn phải cạnh tranh với những đối thủ trên thương trường (dù chỉ ở tầm bình thường) mà không đọc sách thì lấy gì đấu? Kinh nghiệm chưa có, tài chính chưa có, chỉ có sức trẻ mà kiến thức cũng không chịu học thì lấy gì đấu lại với người ta?”.
Lê Đăng Khoa cho rằng ngày hôm nay cơ hội rất nhiều nhưng chỉ dành cho những bạn trẻ chịu học hỏi. “Kiến thức rất vi diệu vì không ai cướp được của mình cả, một khi đã vào đầu rồi thì sẽ mãi mãi là của mình. Nhưng không phải tự nhiên mà có, mà phải học, phải đọc, gặp gỡ những người đi trước để được chia sẻ kinh nghiệm. Và chỉ có kiến thức mới giúp ta thành công”.
Bình luận (0)