'Người Nhật Bản cần định nghĩa lại từ fair-play'

29/06/2018 11:37 GMT+7

Đội tuyển Nhật Bản giành quyền vào vòng hai nhờ fair-play, nhưng liệu họ có hiểu hết ý nghĩa bao la của từ này?

Trước giải, Nhật Bản không tạo được niềm tin ở đa số những ai theo dõi bóng đá bằng kết quả tập huấn nghèo nàn. Vào giải, cũng khó đánh giá Nhật qua trận thắng đầu, do Colombia chỉ đá 10 người gần như cả trận. Ở trận thứ nhì thì luôn ở thế rượt đuổi Senegal. Đến trận thứ ba, mang tính chất tối quan trọng, không hiểu vì sao HLV Akira Nashino lại chơi canh bạc thay đến 6 người trong đội hình chính, kể cả bốn gương mặt ghi bàn trong hai trận đầu cũng ngồi trên băng ghế dự bị.
Kết quả là Nhật thua Ba Lan 0-1. Trắng tay ở lượt cuối vòng bảng nhưng người Nhật vẫn vào vòng hai. “Samurai xanh” bằng y chang “Sư tử Teranga” Senegal về mọi kết quả, chỉ hơn về điểm fair-play, thông số lần đầu tiên được FIFA áp dụng.
Thật tình mà nói, Nhật thua sút Ba Lan (đã bị loại) trong trận then chốt từ lối chơi, tranh chấp, cho đến số cơ hội dứt điểm. Hơn nữa, kể từ bàn thua ở phút 59, Nhật Bản thua luôn trong cuộc đua tay ba với Colombia và Senegal khi cuộc đối đầu giữa hai đội bóng này vẫn đang là 0-0 (thời điểm này Senegal 5 điểm, Colombia cũng 4 điểm và hơn Nhật Bản hiệu số bàn thắng bại). Nếu lúc đó, cả hai đội này đều thi đấu cầm chừng thì số phận của người Nhật như thế nào? Cần nhớ rằng thời gian còn lại là không ít! Lúc đó, Nhật Bản sẽ đá như thế nào nếu biết hai đối thủ của mình đang nhởn nhơ trên sân chờ cho thời gian từ từ nuốt chửng cơ hội đi tiếp? Tôi cam đoan, lúc đó cầu thủ Nhật sẽ đá, sẽ chạy như người hàng xóm Hàn Quốc đã làm 24 giờ trước đó.
Kỳ lạ khi cầu thủ thua trận vui vẻ với cầu thủ bị loại khỏi giải Reuters
Phút 74, Colombia bất ngờ hạ Senegal từ một pha đánh đầu. Mọi thứ xoay chiều: Colombia lên nhất bảng, Nhật trở lại vị trí nhì bảng nhờ có ít thẻ vàng hơn Senegal. Mọi thứ - tỷ số ở cả hai trận, và ước muốn được thấy Nhật vào vòng hai của tôi - không thay đổi, cho đến phút cuối cùng cộng thêm 3 phút bù giờ. Đó là thời điểm Nhật và Ba Lan bắt đầu thể hiện thứ tinh thần mà hãng tin Reuters gọi là lố bịch: Ba Lan chấp nhận thắng 1-0 và lui về sân nhà đứng, không cần chạy. Nhật thì giữ bóng trên sân nhà, không màng đưa lên phía trước. Cách đó gần 850 km, các cầu thủ Senegal đang dốc sức bung hết những bước chân hoang dại tìm bàn thắng san bằng tỷ số để vào vòng hai, và Colombia vẫn quyết liệt phòng ngự đồng thời chờ thời cơ phản công để ghi thêm bàn thắng nữa vì danh dự của chính mình.
Tôi tự hỏi, nếu Colombia lơi lỏng ở một hai phút bù giờ cuối để Senegal gỡ hòa thì liệu lúc đó có còn kịp cho người Nhật vùng lên tìm một bàn thắng cần thiết, hay họ sẽ đổ sụp xuống sân tự trách mình? May cho Nhật, Colombia đã rất mã thượng!
Cách Nhật chuyền bóng qua lại trên phần sân nhà dù có thể được biện hộ bằng hai chữ “thực dụng”, hay bất cứ lý do nào đi chăng nữa, tôi đều không chấp nhận, và xem như là điều không được quyền xảy ra ở một đấu trường như World Cup.
World Cup 2002 diễn ra tại Nhật, trên sóng HTV, tôi đã vô cùng thất vọng và bất bình khi bình luận trực tiếp trận chót vòng đấu bảng Ý hòa Mexico 1-1, một tỷ số vừa đủ để loại Croatia và Ecuador. Tôi nhớ, từ khoảng phút 89 cộng thêm vài phút bù giờ, Ý chỉ chuyền bóng trên sân nhà như Nhật, và Mexico làm khán giả ở phần sân bên kia giống Ba Lan của 2018. Tôi đã tỏ thái độ bằng cách đếm từng đường chuyền ngay trên sóng truyền hình cho đến khi trọng tài người Brazil Jorge Oliveira chịu hết nổi và thổi còi kết thúc trận đấu sớm một phút, ông trọng tài làm dấu thánh giá trước khi rời sân một cách giận dữ. Người Nhật chắc không quên sự kiện này vì nó diễn ra ngay tại Oita, trước sự la ó của hơn 39.000 khán giả.
Nhật giành quyền vào vòng hai nhờ điểm fair-play, nhưng liệu họ có hiểu hết ý nghĩa bao la của từ này?
[VIDEO]: 5 ĐIỂM NHẤN CỦA TRẬN NHẬT BẢN - BA LAN
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.