Người nhặt rác kể chuyện về... rác

14/04/2013 16:55 GMT+7

(TNO) Làm xanh sạch đường phố nhưng những người thu gom rác lại phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, bệnh tật, bị xem thường... Gần 50 câu chuyện về nghề thu gom rác đã được kể lại trong triển lãm Rác - Cuộc sống quanh tôi.

>> Ngày hội tái chế chất thải lần 5

Sáng nay 14.4, ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM lần 6 - năm 2013 đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động (số 55 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1).

Đông đảo học sinh, sinh viên và người dân thành phố đến tham dự Ngày hội tái chế chất thải TP.HCM vào sáng nay
Đông đảo học sinh, sinh viên và người dân thành phố đến tham dự Ngày hội tái chế chất thải TP.HCM vào sáng nay - Ảnh: Mai Vọng

Rất nhiều người dân đã mang đến pin cũ, bình đựng hóa chất, bóng đèn đã qua sử dụng... để đổi lấy những phần quà là các vật dụng như bút viết, tập vở, móc khóa, đồ dùng gia dụng... từ các đơn vị tài trợ.

Các học sinh, sinh viên cũng có cơ hội được trao đổi đồ dùng vật dụng cũ như sách giáo khoa, tài liệu học tập, truyện, đồ đã qua sử dụng với nhau. Qua hoạt động này, Ban tổ chức nhắm đến việc khuyến khích tái sử dụng, giảm thiểu phát sinh chất thải.

Với chủ đề “3T trong trường học”, ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM lần 6 hướng đến các hoạt động nhằm khuyến khích tiết giảm, tái sử dụng và tái chế (3T) trong trường học.

Nhiều người dân đã mang chất thải nguy hại trong gia đình đến đây để được nhận các phần quà
Nhiều người dân đã mang chất thải nguy hại trong gia đình đến đây để được nhận các phần quà - Ảnh: Mai Vọng

Em học sinh này nhận cây xanh sau khi đổi một xấp vỏ hộp sữa
Em học sinh này nhận cây xanh sau khi đổi một xấp vỏ hộp sữa - Ảnh: Mai Vọng

Dù thời tiết khá oi bức, nhưng nhiều bạn trẻ kiên nhẫn ngồi xếp và trang trí túi giấy
Dù thời tiết khá oi bức, nhưng nhiều bạn trẻ kiên nhẫn ngồi xếp và trang trí túi giấy - Ảnh: Mai Vọng

Thùng rác được làm từ 13.108 vỏ hộp sữa tái chế
Thùng rác được làm từ 13.108 vỏ hộp sữa tái chế - Ảnh: Mai Vọng

Cũng trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra một cuộc triển lãm ảnh khiến người xem thật sự bất ngờ khi giới thiệu gần 50 câu chuyện về công việc, về cuộc sống gia đình và cái nhìn của cộng đồng với nghề thu gom rác.

Đó là những trăn trở về nghề nhặt rác, nỗi lo toan cho bữa cơm hằng ngày, mong mỏi của người mẹ làm sao cho con mình nên người, sự ưu tư của đôi vợ chồng trẻ khi không thể về quê thăm con trai 4 tuổi chỉ vì không dám nghỉ làm ngày nào hay đó còn là tiếng thở dài kèm theo lời nhắn nhủ "người ta khi dễ nghề này lắm" của ông cụ hơn 80 tuổi...

Điều đặc biệt là những bức ảnh và lời chú thích đều do những công nhân thu gom rác ở quận Bình Thạnh và quận Gò Vấp (TP.HCM) tự chụp và kể lại.

Dưới đây là một số bức ảnh và lời kể do chính những người thu gom rác thực hiện.


"Đi làm thấy có nhiều cái vui. Người thì cho nước uống, kẻ cho bánh mì, bánh chưng… chào hỏi ân cần mình cũng thấy đỡ tủi thân. Tôi thấy tự an ủi mình vì nhìn xuống biết bao hoàn cảnh con người còn khổ hơn. Tuy cái nghề cực khổ và dơ bẩn nhưng xong 1 ngày về nhà thấy vui" - Ảnh và lời: Phan Văn Thiệt


"Chúng tôi phải kiếm thêm bằng việc lượm lặt từng bịch ni lông, chai mủ. Hình ảnh người lượm rác trên chiếc xe lam lúc nào cũng khom lưng, sát mặt vào rác để lượm lặt từng bao ni lông, chai mủ. Mùi hôi nồng nặc cứ bay vào mũi và hít vào phổi. Vẫn biết là độc hại nguy hiểm, bệnh hoạn, luôn luôn phải tiếp xúc với miểng chai, kim tiêm, nguồn gây nhiễm HIV. Biết nhưng vẫn phải làm để kiếm sống. Lưng thì bị ánh nắng mặt trời chiếu vào bỏng rát cả người, cả mặt" - Ảnh và lời: Trịnh Văn Du


"Cây bông hồng người ta để ngay hàng rào, mình thấy mình lụm cho sạch chỗ mình làm, ai ngờ bị gai đâm. Nó nhức lắm, nhức cả tháng trời không hết. Đi gặp, bác sĩ bảo cái chất nước nằm trong gai nó gây sốc. Tôi đi chích thì nó hết. 
Tôi làm cái nghề này 30 năm, bây giờ con vi trùng rác nó ở trong người của tôi. Con vi trùng rác này nó dữ lắm nha. Người nào yếu nó "nhập" vào, nó giật người ta chết. Còn người nào mạnh như tôi, nó nhập vô rồi tôi lỡ có đứt tay đứt chân gì khỏi có sợ bị gì cả. Còn mấy người không quen, lơ mơ đứt tay đứt chân là bị phong đòn gánh" - Ảnh và lời: Nguyễn Duy Tâm


"Đi nhặt rác, tranh thủ lựa hộp sữa, hột bơ. Hột bơ năm nào cũng lượm bán 1 kí được 3.000 đồng. Mỗi ngày có 2-3 kí. Ngoài hột bơ, mấy năm trước người ta còn mua hột xoài, hột măng cụt. Người nào để bảng mua, mình tới mình bán. Hỏi chủ mua hột bơ, người ta nói gửi về miền Tây người ta ươm trồng mà không biết nói đúng hay không. Không chỉ có hột bơ, người ta mua cái gì mình lượm cái đó. Rửa sạch đem ra bán. Bữa nào ít để lại, dồn bữa nào nhiều đem bán" - Ảnh và lời: Chị Ngoan


"Chồng tôi kéo xe trong hẻm nhỏ. Vì con hẻm nhỏ quá nên ổng kéo xe tội quá! Chiếc xe quá nặng, tôi thấy thương chồng quá nên bị bệnh cũng ráng phụ ổng" - Ảnh và lời: Nguyễn Thị Đi


"Cảnh lúc mình chưa lấy rác... Chỉ trừ khi lấy tiền rác thôi chứ nói chuyện thì dễ gì người ta nói chuyện với mình. Người ta thấy mình, người ta sợ muốn chết. Người ta thấy vậy, người ta tránh xa mình, đâu lại gần..." - Ảnh và lời: Lâm Văn Thông

Mai Vọng - Thiên Hương

>> Học sinh TP.HCM tái chế rác
>> Cảnh báo tình trạng tái chế chất thải độc hại thành vật dụng
>> Tái chế nhựa, gây ô nhiễm môi trường 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.