Tờ South China Morning Post mới đây đưa tin 4,4 tỉ yen (hơn 730 tỉ đồng) là số tiền mặt kỷ lục được ghi nhận do người dân Tokyo giao nộp cho giới hữu trách từ những chiếc ví bị đánh rơi hoặc đồ đạc bỏ quên trên các phương tiện công cộng.
Con số này tăng đáng kể so với 3,99 tỉ yen vào năm 2022 và 3,84 tỉ yen trong năm 2019.
Cảnh sát thủ đô Tokyo cho biết số tiền mặt được trả lại tăng 10,3% và số đồ đạc được tìm thấy tăng gần 20% so với năm trước đó. Tổng cộng hơn 4,4 triệu món đồ được báo cáo thất lạc đã được giao nộp. Các vật dụng phổ biến được giao cho cảnh sát bao gồm giấy phép lái xe, thẻ giao thông công cộng, quần áo và giày dép.
Số tiền mặt “khủng” nhất được tìm thấy là 16,8 triệu yên được phát hiện ở phường Shinjuku, cuối cùng đã được trở về với đúng chủ nhân của nó. Trong số 4,4 tỉ yen được giao nộp, khoảng 3,23 tỉ yen đã được hoàn trả cho người bị mất.
Ông Izumi Tsuji, giáo sư xã hội học tại Đại học Chuo ở Tokyo, chia sẻ về xu hướng này: "Tôi không thể hình dung ra việc không giao lại tiền nhặt được cho cảnh sát và tôi chắc chắn rằng đại đa số người Nhật cũng cảm thấy như tôi".
"Chúng tôi hành động như vậy bởi chúng tôi biết đó là điều đúng đắn còn nếu không giao nộp lại của rơi sẽ được xếp vào hành vi ăn cắp. Và thực tế, chúng tôi cũng mong đợi người khác làm điều tương tự nếu mất thứ gì đó ở ngoài, vì vậy đó là một câu hỏi về sự tin tưởng lẫn nhau cũng như lòng trung thực", ông nói với This Week in Asia.
Ông Tsuji chia sẻ thêm hầu hết người Nhật không hề ngần ngại ngủ trưa trên phương tiện giao thông công cộng mà không cần coi ngó đến tư trang hay thậm chí giỏ xách có máy tính, ví hoặc các vật có giá trị khác. "Tôi có thể hoàn toàn thư giãn vì tôi tin tưởng những người lạ xung quanh và tôi nghĩ họ cũng đặt lòng tin ở tôi", ông nói.
Luật pháp chiếm một phần không nhỏ góp phần khuyến khích đức tính trung thực này. Theo Luật Đồ đạc Thất lạc của Nhật Bản, bất cứ ai nhặt được tiền đều phải đưa đến cảnh sát. Họ sẽ nhận được 5 - 20% số tiền nhặt tùy theo mong muốn của chủ sở hữu. Nếu trong vòng 3 tháng không ai đến nhận, người nhặt có quyền sở hữu toàn bộ số tiền đó. Còn nếu người tìm thấy không nhận tiền trong vòng hai tháng, số tiền sẽ được chuyển đến chính quyền địa phương. Trong năm 2023, chính quyền Tokyo đã thừa hưởng 825 triệu yen trong các quỹ không có người nhận.
Tuy nhiên, sự trung thực không chỉ giới hạn đối với người dân tại thủ đô Tokyo. Trong một trường hợp tại cơ sở xử lý chất thải ở Aomori ở miền bắc Nhật Bản, gần 11 triệu yen được tìm thấy trong đồ nội thất cũ đang bị dỡ bỏ. Chủ sở hữu ban đầu của số tiền mặt trên vẫn chưa được xác định, nên số tiền cuối cùng đã được trả lại cho nhà máy xử lý chất thải do thành phố điều hành và chi cho các mục đích tốt ở các thị trấn lân cận là Shichinohe và Tohoku.
Bình luận (0)