Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người nhiễm HIV
Theo Bộ Y tế, người nhiễm HIV thuộc đối tượng bệnh mạn tính được ưu tiên tiêm phòng Covid-19.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT (ngày 8.7.2021) về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 năm 2021-2022. Hiện các tỉnh đang triển khai tiêm vắc xin, bao gồm cho cả người nhiễm HIV và người sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) theo quy định tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT. Theo đó, người nhiễm HIV thuộc đối tượng bệnh mạn tính được ưu tiên tiêm phòng Covid-19. Người sử dụng dịch vụ PrEP tiêm chủng theo tiêu chí nhóm đối tượng quy định tại Quyết định số 3355/QĐ-BYT.
Hiện, phần lớn người nhiễm HIV được tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng do sở y tế các tỉnh/thành phố tổ chức. Riêng TP.HCM đã huy động các cơ sở điều trị người nhiễm HIV tham gia sàng lọc và tiêm chủng cho người nhiễm HIV. Do người nhiễm HIV hiện đang được quản lý điều trị tại các cơ sở điều trị thuốc ARV, nên Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có các văn bản chỉ đạo về việc tư vấn tiêm chủng cho người nhiễm HIV, tăng cường sự tham gia của các cơ sở điều trị HIV/AIDS trong việc sàng lọc và tiêm chủng cho người nhiễm HIV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục theo dõi, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tăng cường tiêm chủng cho người nhiễm HIV.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS một số vấn đề cần lưu ý về vắc xin phòng Covid-19 cho người nhiễm HIV, trong đó, điểm quan trọng nhất khi tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19 cho người nhiễm HIV là phải sàng lọc, phát hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội cấp tính ở người nhiễm HIV. Các trường hợp đang mắc các bệnh cấp tính sẽ được trì hoãn tiêm chủng cho đến khi điều trị khỏi.
Một điểm cần lưu ý khác, người nhiễm HIV không phải khai báo về tình trạng nhiễm HIV của mình trước khi tiêm chủng nên không sợ lộ danh tính cũng như không sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Người nhiễm HIV không phải khai báo về tình trạng nhiễm HIV khi tiêm vắc xin Covid-19 |
Ảnh: Đậu Tiến Đạt |
Người nhiễm HIV tham gia phòng, chống HIV/AIDS trong dịch Covid-19
Trong thời gian qua, người nhiễm HIV cũng như các nhóm cộng đồng, các mạng lưới ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như: truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)…
Lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS đánh giá, nhiều sáng kiến hỗ trợ nhau của các nhóm cộng đồng đã được triển khai và phát huy, như: mạng lưới hỗ trợ đồng đẳng liên tỉnh online trên Zalo (với sự tham gia của hơn 500 trưởng nhóm) để hỗ trợ cung cấp thông tin, hỗ trợ các trường hợp kẹt tại thành phố muốn chuyển về địa phương sinh sống, hỗ trợ chuyển điều trị, vay thuốc khẩn cấp…; chia sẻ các gói hỗ trợ lương thực thực phẩm cho cộng đồng; hỗ trợ tư vấn online, nhận thuốc và chuyển thuốc tới nhà cho khách hàng, đặc biệt tại khu vực cách ly, cung cấp các gói dự phòng Covid-PPE (khẩu trang, nước rửa tay, kính), dự phòng HIV (BCS, bôi trơn, tự xét nghiệm HIV, tài liệu...); tư vấn và hỗ trợ online cho khách hàng gặp các vấn đề tâm lý; tổ chức các livestream giải đáp thắc mắc về Covid-19, HIV, vắc xin và an toàn mùa dịch…
Nhóm cộng đồng đã có đóng góp trong các hoạt động phòng, giảm tỷ lệ lây truyền HIV tập trung với nhóm có hành vi nguy cơ cao đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang còn diễn ra rất phức tạp.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn số 736/AIDS-ĐT hướng dẫn về việc hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV bị gián đoạn thẻ do dịch Covid-19, trong đó đề nghị sở y tế các tỉnh/thành phố rà soát, hỗ trợ mua thẻ bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác cho người nhiễm HIV/AIDS bị gián đoạn thẻ BHYT do doanh nghiệp dừng hoạt động do tác động của dịch Covid-19. Với các tỉnh/thành phố thuộc dự án Quỹ toàn cầu, trong trường hợp không thể huy động kinh phí mua thẻ BHYT cho bệnh nhân từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác có thể đề xuất dự án hỗ trợ kinh phí mua thẻ.
Bình luận