Bỏ quy định người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng khi quảng cáo
Báo cáo các nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Văn hóa - Xã hội Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã bỏ quy định người có ảnh hưởng (nổi tiếng) phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại hội nghị
ẢNH: GIA HÂN
Thay vào đó, dự thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ của người nổi tiếng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung như các đối tượng khác, có một số nghĩa vụ đặc thù.
Cụ thể, người nổi tiếng khi quảng cáo hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ phải xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo; kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo.
Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thì không được giới thiệu về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ. Cùng đó, phải thông báo trước về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Do đó, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ đối với người nổi tiếng khi thực hiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ.
"Gần đây báo chí thông tin về một số người nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu buộc phải cải chính thông tin khi quảng cáo không đúng sự thật cho sản phẩm kẹo rau củ quả", bà Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Ngoài ra, bà Thanh cũng đề nghị các đại biểu cho ý kiến thêm vấn đề tính liên đới trách nhiệm về sản phẩm quảng cáo của người quảng cáo trong trường hợp thuê người khác thực hiện, nhất là khi xảy ra tình huống quảng cáo sai sự thật.
"Liệu quy định như dự thảo luật đã đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính liên đới chịu trách nhiệm về sản phẩm khi quảng cáo sai sự thật; cùng đó là nghĩa vụ, đạo đức, trách nhiệm với cộng đồng xã hội của người nổi tiếng chuyển tải sản phẩm quảng cáo hay chưa?", bà Thanh gợi mở.
Quảng cáo trên mạng, xuyên biên giới quản lý thế nào?
Bà Thanh cũng nêu vấn đề quảng cáo xuyên biên giới, dự thảo luật chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, yêu cầu các chủ thể liên quan tuân thủ nghĩa vụ thuế và pháp luật Việt Nam; quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân tham gia quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới, đáp ứng yêu cầu quản lý thế nào?
"Luật này trong quá trình thảo luận nhận được nhiều ý kiến và là một trong những dự thảo luật có tính thời sự rất cao, dự lường sự biến động khi quảng cáo trên không gian mạng, xuyên biên giới và các hình thức quảng cáo trong thời gian tới, đặc biệt khi chúng ta chuyển mạnh sang xã hội số", bà Nguyễn Thị Thanh lưu ý.
Trước đó, Cục Phát thanh - Truyền hình - Thông tin điện tử, Bộ VH-TT-DL đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với bà Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) và ông Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs), do có sai phạm trong hoạt động quảng cáo liên quan kẹo rau củ Kera.
Theo đó, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị phạt do có hành vi quảng cáo không đúng, gây nhầm lẫn về chất lượng đã được công bố. Số tiền xử phạt áp dụng cho hành vi nói trên là 70 triệu đồng đối với mỗi cá nhân, đồng thời Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
Bình luận (1)
Nghĩ : có cần bắt buộc người nổi tiếng phải sử dụng ,trải nghiệm mới được quảng cáo...có "ép " không ? Quan trọng ,cần thiết là cứ quảng cáo sai sự thật , không đúng quy định , "thổi phồng " , lợi dụng nỗi tiếng để "lừa " người tiêu dùng thì buộc phải được xem xét xử lý nghiêm và nhanh chóng , có quá khó không ạ ?